Tuesday, November 17, 2015

Việt Nam là ‘bò sữa’ của nhà thầu Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) - Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) khởi công từ 2007, ngốn của ngân sách khoảng 4,500 tỷ đồng, nay đang bỏ hoang vì nhà thầu Trung Quốc ra đi và chưa... trở lại.
Đồ họa của tờ Tuổi Trẻ mô tả dự án mở rộng nhà máy gang Thép Thái Nguyên.

TISCO là thành viên của tổng công ty Thép Việt Nam - một doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch thì chính quyền Việt Nam rót tiền để TISCO “mở rộng hoạt động.” Việc “mở rộng hoạt động” được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một đã hoàn tất hồi giữa thập niên 2000. Năm 2007, TISCO bắt đầu thực hiện giai đoạn hai của kế hoạch “mở rộng hoạt động.”

Lần này, chính quyền Việt Nam cho phép TISCO chọn tập đoàn xây lắp luyện kim của Trung Quốc (MCC) làm nhà thầu EPC (cách gói tắt việc bao thầu từ tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, đến xây lắp, vận hành nên còn được gọi là phương thức “chìa khóa trao tay”).

Lúc đầu, MCC nhận thực hiện gói thầu này với giá là 3,843 tỷ đồng. Giống như nhiều nhà thầu Trung Quốc khác từng đến Việt Nam để thầu các dự án, sau khi khởi công, MCC đòi nâng giá thầu xây dựng công trình lên thành 5,000 tỷ đồng (chưa tính giá thầu cung cấp thiết bị cũng tăng thêm vài trăm tỷ). Với lý do trượt giá, tỷ giá thay đổi, chủ đầu tư (tổng công ty Thép Việt Nam và TISCO) đồng ý nâng giá trị toàn bộ gói thầu lên 8,100 tỷ đồng.

Phía Việt Nam đã chi 4,500 tỷ đồng nhưng phần nhà xưởng vừa dở dang, vừa bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay, còn thiết bị thì dù TISCO đã giao cho MCC 90% tiền nhưng MCC vẫn đang giữ, chưa giao hệ thống điện và hệ thống điều khiển hoạt động của nhà máy gang thép Thái Nguyên mới.

Đáng nói là khi kiểm tra dự án vừa kể, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam phát giác chủ đầu tư quá dễ dãi. Chẳng hạn, khi thương lượng hợp đồng với MCC, chưa rõ tại sao, tổng công ty Thép Việt Nam và TISCO lại chấp nhận thanh toán cho MCC theo thời giá (giá tăng sẽ nâng mức thanh toán theo yêu cầu).

Theo hồ sơ xin dự thầu, MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị thiết bị sau khi đã giao thiết bị cho chủ đầu tư, tuy nhiên khi ký hợp đồng giao thầu, chủ đầu tư lại chủ động cam kết trả... 95% giá trị thiết bị khi MCC giao thiết bị.

Trên thực tế, tổng công ty Thép Việt Nam và TISCO đã trả cho MCC 93% giá trị thiết bị trong khi chưa nhận được “lõi” của thiết bị là hệ thống điện và hệ thống điều khiển. Cũng vì vậy khi MCC bỏ ngang, chủ đầu tư không thể gọi nhà thầu khác thực hiện tiếp phần việc mà MCC đang làm dang dở.

Chưa kể, theo cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam, chủ đầu tư còn tự động cho phép MCC kéo dài thời gian hoàn thành công trình nên không thể phạt MCC vi phạm hợp đồng. Chủ đầu tư còn tính sai các yếu tố trượt giá, tính thiếu thuế khi đề nghị chính quyền Việt Nam cho nâng chi phí đầu tư, thành ra nếu hoàn thành thì còn rất lâu dự án này mới thu hồi đủ vốn.

Vào lúc này, mỗi tháng, ngân sách Việt Nam phải chi từ 20 đến 30 tỷ đồng lãi cho các khoản đã vay nhằm thực hiện giai đoạn hai của kế hoạch “mở rộng hoạt động” nhà máy gang thép Thái Nguyên. Bởi trót “leo lên lưng cọp,” chính quyền Việt Nam đang tìm tiền nhằm giao thêm cho MCC, để MCC tiếp tục thi công, hoàn tất dự án.
4,500 tỷ đồng đổi lấy hiện trạng như trong ảnh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo một thống kê công bố hồi năm 2010 thì tính đến cuối năm 2009, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ quyền thi công số dự án có tổng giá trị lên tới 15.4 tỷ Mỹ kim tại Việt Nam. Cũng vì vậy, Việt Nam trở thành thị trường xây dựng lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Gần như toàn bộ các công ty xây dựng tại Việt Nam trở thành người làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc ngay trên xứ sở của mình.

Đến năm 2011, Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam công bố một thống kê nữa, theo đó, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ tới 90% dự án tổng thầu EPC, vốn có giá trị nhiều tỷ đô la trong các lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Thực trạng này kéo theo nhiều hậu quả tai hại: Gần như toàn bộ các nhà thầu Trung Quốc không thực hiện đúng hợp đồng. Các nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ, thiết bị của Trung Quốc nên chất lượng của các công trình do họ thực hiện tại Việt Nam rất tệ.

Các nhà thầu Trung Quốc chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc nên người Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, tuy có nhiều công trình được thực hiện ngay tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam và công nhân Việt Nam không có việc làm.

Trước nay, người ta vẫn tin việc hào phóng giao các dự án cho nhà thầu Trung Quốc và đối xử dễ dãi với nhà thầu Trung Quốc là vì yếu tố chính trị, tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, thực trạng đó đơn thuần chỉ vì việc đòi tiền “lại quả” dễ dàng hơn, việc nhận tiền “lại quả” an toàn hơn.
Chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ không điều tra các công ty Trung Quốc đưa hối lộ cho viên chức Việt Nam như Nhật hoặc chính quyền nhiều quốc gia khác đã làm. (G.Đ)

11-16- 2015 3:02:50 PM 

No comments:

Post a Comment