Tuesday, November 17, 2015

Liệu có sự kiện 911 lần thứ hai?

Cát Linh, phóng viên RFA 2015-11-17  
000_Par8332012
 Một người phụ nữ ngồi trước nến và hoa ở Nice hôm 16/11/2015, tưởng nhớ những nạn nhân vụ khủng bố hôm 13/11/2015.  AFP photo
Khi thế giới chưa kịp quên đi vụ xả súng tấn công trụ sở của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng 1 năm 2015 ở Paris, Pháp thì vào hôm Thứ Sáu, ngày 13 tuần qua, cả thế giới rúng động trước một loạt vụ khủng bố bắn giết xảy ra tại thủ đô Paris của nước Pháp.
Thủ đô Paris tráng lệ, trái tim của nước Pháp, tình yêu và niềm kiêu hãnh của người Pháp rúng động hoàn toàn sau các tiếng nổ từ hai vụ đánh bom và hàng loạt vụ nổ súng giết người vào chiều Thứ Sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2015.
Nước Pháp để quốc tang trong ba ngày.
Cả thế giới cùng hướng về Paris và chia sẻ nỗi đau với toàn dân nước Pháp.
Xen lẫn với sự bàng hoàng và có cả căm phẫn, không ít người đã liên tưởng vụ thảm sát này với sự kiện 911 của nước Mỹ 14 năm trước. Nước Mỹ sau đó đã tăng cường thắt chặt hàng rào an ninh, ngay cả khi kẻ đứng đầu và chủ mưu vụ tấn công 911 là Osama Bin Laden đã bị bắn chết.
Giờ đây, thảm kịch ghê gớm vừa xảy ra ở Paris, sau cuộc nổ súng tấn công trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào đầu năm nay, đã chứng minh rằng khủng bố có thể diễn ra ở bất cứ lúc nào và nơi nào trên thế giới. Và hoàn toàn cũng có thể xảy ra lần thứ hai.
Chính từ những điều này, mà những người Việt ở Mỹ, những người quan tâm đến tình hình thế giới đều giật mình nghĩ rằng có hay không có một sự kiện 911 lần thứ hai ở Mỹ?
Những người dân thường: Có thể và không thể
“Có thể xảy ra, nếu mà an ninh của Mỹ không thắt chặt.”
Đó là ý kiến của ông Ray Trần, ở Florida, người từng đi lính cho quân đội Mỹ. Và ông còn nói thêm rằng theo ông, những người gây ra hành động khủng bố ấy không nhất thiết phải là những người di dân từ Trung Đông, mà có thể là những người được đào tạo ngay trong nước Mỹ.
“Bắt đầu có những người trong nước Mỹ, gọi là ‘home grown terrorist’ (thành phần khủng bố được đào tạo bên trong nước), cuồng tín quá nên có thể sẽ xảy ra nữa.”
Có rất nhiều người Việt ở Mỹ những ngày qua dõi theo thảm kịch kinh hoàng của nước Pháp qua những kênh truyền thông quen thuộc như internet, facebook. Họ theo dõi vì họ muốn biết chuyển biến của nước Pháp ra sao sau cái đêm Thứ sáu ngày 13 đó. Và dù không phải là những người cần phải lo về chính trị, hoà bình thế giới, nhưng họ cũng vẫn lo lắng và muốn biết nơi nào trên trái đất sẽ mục tiêu kế tiếp của những vụ khủng bố đó.
Một trong những người ấy là Thành Nguyễn, sống ở Maryland. Do tính chất công việc không cho phép anh có nhiều thời gian xem tivi mỗi ngày, cho nên, những gì biết được, nghe được phần nhiều là từ internet.
“Xem ở trên mạng. Nó nói Pháp xong rồi nó sẽ làm tiếp đến Anh và Mỹ đó mà.”
Thế nhưng, khi hỏi liệu có tin rằng những hành động khủng bố như ở Pháp ấy sẽ thực hiện được một lần nữa ở Mỹ, sau sự kiện 911 hay không, thì người này cho rằng ISIS, (cách gọi nhằm chỉ những người thực hiện các vụ tấn công khủng bố) sẽ không làm được.
“Em nghĩ chắc là không làm được. Vì em nghĩ chưa đủ lực để thực hiện như vụ 911. 911 là đã được lên kế hoạch lâu lắm rồi, và Mỹ không đề phòng. Bây giờ đã đề cao cảnh giác quá rồi nên sẽ hơi khó.”
Cũng từ những thông tin có được trên facebook, Trinie Nguyễn, sinh viên Đại học Northeast Ohio Medical University cho biết cô nghĩ rằng những vụ khủng bố như ở Pháp vừa qua sẽ xảy ra ở những nước khác chứ không phải ở Mỹ.
“Em thấy trên facebook. Thì ai nói cũng được. nhưng em không biết có căn cứ gì không vì không có trên báo chí hay đài gì không.”
Và rất đơn giản, cô nghĩ rằng nước Mỹ sẽ không phải là mục tiêu kế tiếp của ISIS vì nước Mỹ biết cách phòng tránh.
“Mỹ đánh rồi nên chắc không quay lại làm một trận khủng bố nặng nề như vậy. Mình bị rồi thì mình phòng ngừa, mình tránh.”
Ý của cô sinh viên cho rằng nước Mỹ đã hứng chịu một thảm kịch 911 rồi thì sẽ có những biện pháp thắt chặt an ninh, sẽ cẩn thận hơn không để cho thành phần khủng bố có thể thực hiện một lần nữa kế hoạch tấn công của mình.
Vấn đề di dân và tình trạng kỳ thị Hồi giáo
Một ý kiến khác về khả năng của cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ được đưa ra từ ông Nghĩa Bùi, kỹ sư người Mỹ gốc Việt hiện sống ở Texas. Ông nhìn nhận sự việc có phần mang tính chính trị, khi cho rằng cơ hội để ISIS thực hiện một cuộc tấn công thứ hai vào nước Mỹ là rất khó xảy ra.
“Mỗi một nước có một cách phòng vệ an ninh khác nhau, bên trong hệ thống cảnh sát cũng khác nhau. Nói về ISIS từ bên Iraq, Syria qua thì họ thâm nhập vào các nước Âu Châu dễ hơn thâm nhập qua Mỹ. Trừ phi mà làn sóng những người di cư từ Syria mà Mỹ cho vô nhiều mà không thanh lọc cẩn thận thì có thể vô được. Cho nên, nếu chỉ nói riêng về nhóm ISIS thì cái cơ hội xâm nhập vào Mỹ thì sẽ thấp hơn các nước Âu Châu.”
Theo ông Nghĩa, hệ thống an ninh của Mỹ đã nghiêm ngặt hơn rất nhiều từ sau sự kiện 911. Cho nên, nhóm người từ Syria nếu muốn thâm nhập vào Mỹ thì không phải là chuyện dễ dàng.
Nhà báo Đỗ Dzũng, từ California thì cho biết không ai có thể nói rằng sẽ không có một sự kiện 911 thứ hai ở Mỹ. Ông nhấn mạnh đó là “sự kỳ thị sắc tộc Hồi giáo”.
“Có thể chứ. Không phải chỉ từ bây giờ mà từ rất lâu rồi. Lúc nào cũng có thể xảy ra hết. Nhớ lại vụ 911 ngày xưa, chúng ta thấy nó không phải là một quốc gia, mà là nhiều quốc gia. Lúc đó nhiều quốc gia nhưng mà những người hồi giáo, những người theo Osama Bin Laden như Afghanistan, Iran, Iraq, Pakistan …Mỹ cũng khó đánh nhưng cuối cùng Mỹ triệt được đầu não là Osama Bin Laden. Nhưng ISIS này là khác, ISIS này là sự tức giận của người Hồi giáo đối với những chính sách của các nước Tây phương đã làm đối với các nước vùng Ả Rập, vùng Trung Đông.”
Vấn đề gọi là “kỳ thị người Hồi giáo” mà nhà báo Đỗ Dzũng nhắc đến trong phần trên được ông Nghĩa Bùi cho rằng chính là “nguồn gốc của mọi vấn đề”. Và ông nói thêm rằng bên Mỹ khác rất nhiều so với bên Pháp nếu nói về tình trạng kỳ thị người Hồi giáo. Đây cũng là lý do mà ông cho rằng khả năng xảy ra một vụ tấn công nổ súng ở Mỹ như đã xảy ra ở Paris là rất ít.
“Bên Pháp thì cái vấn đề kỳ thị với người Ả Rập cao lắm. Đã từ lâu rồi, ngay Paris, có những quận, khu vực mà toàn là dân Ả Rập thôi. Người Việt mình bên Paris, ai cũng nhắc nhau là đi đâu thì đi chứ đừng đi qua khu đó. Người Tây cũng ghét lắm cho nên họ đẻ ra nhưng luật rất kỳ cục mà không có nước nào khác ở Âu Châu có như cấm mang những áo trùm mặt.”
Chính những điều này mà theo ông Nghĩa, bên trong xã hội Pháp bây giờ, sự xung đột kỳ thị giữa người Pháp và người Ả Rập là rất lớn và thật sự đã có từ lâu đời.
Khi bài viết này gửi đến quí vị thì nguồn tin mới nhất được hãng thông tấn Reuters cho biết những người Hồi giáo lên tiếng rằng thủ đô Washington sẽ là mục tiêu kế tiếp và họ sẽ tấn công vào bất cứ quốc gia nào can thiệp vào những vụ thả bom ở Syria.
Xin mượn lời một đồng nghiệp của tôi trong Đài Á Châu Tự Do để kết thúc chương trình này.
“Khi nghe và đối diện những điều này, mới chợt thấy rằng những giận hờn, ghen ghét ngày thường thật là nhỏ nhoi. Tất cả những gì chúng ta cần trong cuộc sống này, là sự bình yên.”

No comments:

Post a Comment