QUẢNG TRỊ (NV) - Trưởng công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hứa sẽ kiểm tra vụ đội trưởng đội cảnh sát giao thông của huyện này gửi công văn xin đá cho ông ta làm nhà. Chuyện có lẽ sẽ chẳng đến đâu.
Công văn xin đá cho thượng cấp làm nhà của đội trưởng Đội Cảnh Sát
Giao Thông huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Hình: Facebook)
Giao Thông huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Hình: Facebook)
Tuần trước những người dùng Facebook ở Việt Nam chuyển cho nhau xem một công văn được ông Hồ Văn Xinh, thiếu tá, đội trưởng Đội Cảnh Sát Giao Thông của huyện huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, ký ngày 16 tháng Mười Một, 2015, gửi cho công ty Funix - Max, tọa lạc tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Công văn này thông báo: “Đồng chí Hồ Sĩ Nhung, trưởng công an huyện Đakrông đang làm nhà ở” và đề nghị “ban giám đốc công ty Funix - Max hỗ trợ đồng chí Nhung 30 mét khối đá cùng phương tiện vận chuyển, địa điểm tập kết đá tại đường T3-km41 - thị trấn KrôngKlang, Đakrông.”
Mới đây, ông Xinh xác nhận với báo giới, công văn đó đúng là do ông soạn, ký và gửi, đồng thời giải thích thêm, đó là chủ ý của ông chứ không phải yêu cầu của ông Nhung. Mặt khác, việc “xin hỗ trợ” là do “hảo tâm” không hề “ép buộc.” Công ty Funix - Max cho hay không cũng chẳng sao.
Ông Nhung thì thề không biết thuộc cấp đi xin đá cho ông ta xây nhà. Chuyện ông Xinh đã làm có thể vì “thiện ý” nhưng “làm như thế là không nên!”
Theo một luật sư thì “thiện ý” của ông Xinh là vi phạm luật pháp. Chuyện lấy danh nghĩa đội trưởng Đội Cảnh Sát Giao Thông để xin hỗ trợ là lợi dụng quyền hạn để vòi vĩnh. Một kiểu nhũng nhiễu, không thể khoan thứ.
Tuy nhiên trên thực tế, dùng công văn để “xin” rất phổ biến tại Việt Nam và khi đổ bể thì chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm là xong.
Hồi Tháng Tám, báo giới Việt Nam từng chỉ trích kịch liệt chuyện phó bí thư xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ký hàng loạt giấy giới thiệu các bí thư chi bộ thôn đến những doanh nghiệp nằm trên địa phận xã xin tiền đi “tham quan, học tập” - một kiểu du lịch trá hình!
Lúc đó, ông Khổng Sơn Trường, bí thư thị xã Phúc Yên, từng tuyên bố sẽ yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra của Thị Ủy “làm rõ,” nếu phát hiện sai phạm sẽ “xử lý nghiêm khắc” nhưng tới giờ này, ông Phan Quốc Doanh - người ký, cấp các giấy giới thiệu để các các bí thư chi bộ thôn đi xin tiền vẫn bình an vô sự bởi đây là “chủ trương của Ban Thường Vụ Đảng Ủy xã Ngọc Thanh!”
Xa hơn một chút, hồi đầu năm nay, hàng loạt tờ báo tại Việt Nam đồng loạt cảnh báo về thực trạng, các doanh nghiệp vẫn khốn khổ với đủ loại công văn xin tiền vào dịp Tết để Khó xử nhất đối với các doanh nghiệp là những khoản xin khá lớn để “hỗ trợ tổng kết,” “giúp các đối tượng, gia đình thuộc diện chính sách ăn Tết,” “giúp người nghèo ăn Tết.”
Lúc đó, cũng đề cập đến tệ nạn này, tờ Người Lao Động viết rằng, nhiều doanh nghiệp dẫu khốn đốn vì làm ăn khó khăn nhưng phải bóp bụng để “hỗ trợ” vì “không giúp không xong.” Đáng nói là tiền “hỗ trợ” chủ yếu được dùng vào việc ăn nhậu. Tờ Người Lao Động kêu gọi “doanh nghiệp chật vật lắm rồi, đừng moi tiền của họ nữa!” (G.Đ)
11-22- 2015 4:02:43 PM
No comments:
Post a Comment