Phạm Chí Dũng
“Các bạn hãy chuẩn bị các điều kiện để xin đăng ký thành lập hội, đoàn sau khi luật về hội được Quốc Hội thông qua. Một khi đã có tư cách pháp nhân, các bạn không chỉ có quyền, nghĩa vụ mà còn được nhà nước bảo vệ,” lời khuyến dụ lạ lùng này xuất hiện trong đoạn cuối của bài “Đằng sau ‘Tuyên bố’ của những ‘tổ chức’ mạng,” mục “Làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình,’” báo Quân Đội Nhân Dân ngày 9 Tháng Mười Một, 2015.
Vẫn nhất quán thể trạng ken đặc “tâm tư” cùng tư thế “chữa bệnh” của thủ trưởng tờ Quân Đội Nhân Dân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, gần hết nội dung bài viết trên là một thể tái khẳng định tư tưởng chuyên chính đàn áp tư tưởng bất đồng đối với các tổ chức hội đoàn xã hội dân sự, đúng theo phương châm chống diễn biến hòa bình.
Trừ cái kết của bài viết là chưa từng có, nếu đối chiếu với rất nhiều cái kết trước đây cũng trên tờ báo này với mức độ nhẹ nhàng nhất như “hành vi phản động này đáng bị lên án,” cho đến phán quyết mang tính gông cùm “những đối tượng này phải được pháp luật xử lý (khởi tố và truy tố)” - liên đới mật thiết với một chuỗi “tín điều” muốn bắt ai thì bắt: 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ), 88 (tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa), 79 (âm mưu lật đổ chính quyền).
Cơn mê sảng nào đang diễn ra với cái kết của bài viết trên Quân Đội Nhân Dân? Một thủ thuật chào mời chiêu dụ bằng chót lưỡi tuyên giáo muốn thâu gom tất cả hội đoàn dân sự độc lập về một mối để “quản bằng luật?” Một tinh thần răn đe sẽ được kết quả bằng nhà tù công an trị? Hay một thái độ ban ơn không dám tuyên bố của chính quyền dành cho những kẻ cứng đầu mãi vẫn không thể bắt?
"Ông mà còn nói ra từ này thì tôi kỷ luật ông liền"
Mọi răn đe và bắt bớ đều có thể xảy ra. Nhưng chỉ là thuộc về dĩ vãng.
Còn đến giờ này, đảng cầm quyền đang cố đào xới một thay đổi tự thân khi nhận ra không còn lối nào quay trở lại quá khứ độc tôn muôn làm gì thì làm.
Hẳn nhiên, quyền tự do lập hội cũng từ đó được sinh sau đẻ muộn.
Cùng thời gian kỳ họp Quốc Hội Việt Nam vào 2 Tháng Mười và Mười Một, 2015, đang hiện ra vài tín hiệu cho thấy có thể dự luật về hội (do chính quyền soạn thảo chứ không phải do các tổ chức xã hội dân sự) vẫn được xem xét “kín,” cho dù chương trình của kỳ họp này được thông báo không có việc thông qua luật về hội.
Ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, Quốc Hội “bỗng dưng” xem xét dự án luật về hội do phía chính phủ trình ra. Dự án này thậm chí đã được ban thẩm tra Quốc Hội cho ý kiến.
Trước đó vào ngày 25 Tháng Chín, 2015, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng bất ngờ quyết định hoãn luật về hội. Lý do ông Hùng viện dẫn là “còn có nhiều ý kiến khác nhau” về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định “Hội có tư cách pháp nhân.”
Song chỉ một tháng sau khi đột ngột quyết định “nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn” việc thông qua dự luật về hội, chính ông Nguyễn Sinh Hùng lại nêu ý kiến “cần thể hiện rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do lập hội” trong phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Tháng Mười, 2015.
Cho đến cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội sáng 19 Tháng Mười, 2015, Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc bất ngờ thông báo: “Quốc Hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự.”
Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo ông Phúc là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến Pháp. Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc Hội sẽ bàn tại kỳ họp này được ông Phúc nhắc đến như luật về hội, luật tôn giáo tín ngưỡng.
Đây là lần đầu tiên cụm từ “Xã hội dân sự” được một cơ quan có trách nhiệm như Quốc Hội nêu ra một cách chính thức. Còn trước đây, cụm từ này thậm chí còn bị kiêng kỵ tại các cuộc họp nội bộ, khi nhiều quan chức không dám đụng đến vì sợ bị người khác coi là “mất lập trường.”
Một câu chuyện truyền khẩu được kể lại: Trong một cuộc họp quan trọng về nội chính vào năm 2012, khi nghe cấp dưới nhắc đến “xã hội dân sự,” một phó chủ tịch tỉnh liền đập bàn: “Ông mà còn nói ra từ này thì tôi kỷ luật ông liền.”
Còn giờ đây, cụm từ “Xã hội dân sự” đã tự thân “tiến hóa” hơn một chút khi được giới chức nhà nước nêu ra một cách đầy ẩn ý.
Nhưng tính ẩn dụ ấy lại khá dễ được giải mã, nếu nhìn lại từ năm 2013, phía Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng và tạo điều kiện cho Xã hội dân sự hoạt động. Đến cuối năm 2013 khi Việt Nam được xếp một ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, yêu cầu này tiếp tục được nêu ra. Cũng từ khi đó, các tổ chức xã hội dân sự độc lập liên tiếp hình thành ở Việt Nam, để đến ngày hôm nay đã lên đến gần 30 tổ chức.
Có vẻ luật về hội vẫn còn cơ hội để ló mặt trong năm 2015.
Không vào TPP, ai sẽ kỷ luật ai?
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn trong thế bùng nhùng. Dự luật về hội được Quốc Hội công bố “lấy ý kiến rộng rãi” vào giữa năm 2015 vẫn đầy rẫy từ ngữ “xin, cho.” Ngay sau đó, các tổ chức xã hội dân sự phản ứng mạnh mẽ và đòi chỉ “đăng ký.” Thế nhưng cho tới lúc này, các cơ quan hành pháp và lập pháp Việt Nam vẫn chưa chịu đầu hàng.
Và thế là một cụm từ mới xuất hiện: “xin đăng ký.”
Chỉ muốn được không muốn cho, não trạng giới quan chức Việt vẫn lẩn quẩn những toan tính siết bức giới dân chủ nhân quyền, cho dù thế chân tường chế độ đang lừng lững hiện hình.
Không chỉ tìm cách buộc các tổ chức xã hội dân sự phải “xin đăng ký,” nhiều quy định vừa áp chế vừa loại bỏ khác, đặc biệt “phải bảo đảm an ninh quốc gia” sẽ biến tất cả các hội đoàn độc lập thành bất hợp pháp, cho dù luật về hội được chính thức ban hành.
Tính đối phó với các điều kiện nhân quyền của TPP cũng được các cấp chính quyền Việt Nam “vận dụng nhuần nhuyễn.” Vào thời gian này, lộ trình công bố bản văn đầu tiên của Hiệp Định TPP vừa được các cơ quan hữu trách của Việt Nam thực hiện. Chỉ có điều, thành phần được xem là nhạy cảm nhất về chính trị của bản văn này là định chế công đoàn độc lập, do giới lãnh đạo chính trị Việt Nam phải chấp nhận để đổi lấy một suất bên bàn tiệc đứng TPP, vẫn bị những người công bố giấu nhẹm.
Vào nửa cuối năm 2015, trên thực tế nhà nước Việt Nam đã phải thừa nhận cả công đoàn độc lập và Xã hội dân sự. Nhưng muốn để hai định chế này đi vào hoạt động theo đúng yêu cầu của Hiệp Định TPP, lại cần có một bộ luật triển khai.
Khác với năm 2014 và vài năm trước đó, thời gian để giằng kéo hay mặc cả của giới quan chức Việt Nam theo thuyết vị lợi tuyệt đối đang không còn nhiều. Lý do đơn giản là vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016, có khả năng chính phủ Mỹ sẽ trình lên Quốc Hội nước này nội dung đàm phán chính thức về TPP để giới nghị sĩ xem xét. Nếu thời gian xem xét của Quốc Hội Mỹ theo đúng lộ trình ba, bốn tháng, có cơ hội TPP sẽ được cơ quan này bỏ phiếu (thông qua hoặc không thông qua) vào giữa năm 2016. Như vậy từ đây đến giữa năm 2016 sẽ là khoảng thời gian còn lại và tương đối ngắn ngủi để phía Việt Nam hoàn tất những cam kết đầu tiên về TPP, trong đó có luật lập hội và những bước đi đầu tiên để triển khai công đoàn độc lập.
Nếu vẫn cố tình giữ nguyên tinh thần “xin đăng ký” và “an ninh quốc gia” như một cách dựng lên bức tường thành trước không gian xã hội dân sự, e rằng giới quan chức soạn luật và cả ngành công an sẽ làm mất đi chút cơ hội còn lại về TPP của nhà nước Việt Nam.
Khi đó, ai sẽ “kỷ luật” ai?
No comments:
Post a Comment