Dòng sông tư bản đỏ
Kể từ khi lịch sử đương đại Việt Nam bị nhuộm đen bởi dòng sông tư bản đỏ sục máu người nghèo, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) là một trong những minh chứng sống động nhất và sự dối trá trong việc các nhóm lợi ích thời đại đã cố níu kéo dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Thuyết âm mưu và thủ đoạn lợi dụng ấy càng trở nên man rợ và bất chấp khi nền chính trị độc đảng còn trì kéo tấm thân rệu rã của nó.
Ngay sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ khiến Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam phải phá giá đồng Việt Nam, vào tháng 8, 2015, bộ ba Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) và Tập Đoàn Công Nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam (TKV) đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỷ “vì chênh lệch tỷ giá,” nhắm tới cái đích cuối cùng là bù khoản lỗ này vào giá điện, tiếp tục đè lên đầu dân chúng món nợ tội lỗi trong quá khứ do các tập đoàn này chồng chất.
Thế nhưng đến lúc này, vào lúc mà đời sống người nghèo Việt Nam đã trở nên nheo nhóc một cách quá đặc biệt, ngay cả một quan chức có trách nhiệm và am hiểu chuyên môn - ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia - cũng phải phản ứng công khai với EVN khi cho rằng cách tính lỗ của 3 tập đoàn trên là phiến diện vì đã bỏ qua chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền: Tiền vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp và tiền vay đồng Việt Nam với lãi suất cao.
Báo chí và dư luận một lần nữa, trong rất nhiều lần từ nhiều năm qua, không thể kìm giữ được cơn bức xúc thất thần trước một tội đồ tham lam đến cặn bã nhân phẩm như EVN sáng như ban ngày, tập đoàn độc quyền “đỉnh cao trí tuệ” này chỉ muốn làm mọi cách nhằm trút các khoản lỗ khổng lồ do nó gây ra lên đầu dân chúng thông qua cơ chế tăng giá điện bất diệt. Thoát thai từ bóng tối ra ảo ảnh sương mù và bất chấp mọi phản ứng của công luận và xã hội, Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản của EVN - và trên nữa là giới lãnh đạo chính phủ vẫn tiếp tục đè đầu dân sinh.
Nguồn cơn đen tối nào đã dẫn đến hậu quả một EVN ngày hôm nay?
Sẽ phá sản nếu không tăng giá điện!
Sau khi hai thị trường chứng khoán lẫn bất động sản sụp đổ vào đầu năm 2011, đến giữa năm đó EVN đã lộ hình như một quán quân gây lỗ với hơn 40,000 tỷ đồng quẳng vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... từ nhiều năm trước. Doanh nghiệp này cũng trở nên một quán quân đầy nguy hiểm trong nhóm đầu bảng các con nợ Việt Nam với số vay ngân hàng lên đến 118,000 tỷ đồng (có thông tin cho biết lên đến 143.000 tỷ đồng).
Bất chấp tình trạng suy thoái cùng kiệt của đất nước, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế. Một chiến dịch theo cách “bù lỗ vào dân” thông qua cơ chế giá điện luôn “nâng lên một tầm cao mới” đã được tập đoàn này cam tâm vận hành từ ít nhất 4 năm qua. EVN còn “tính đủ” với 90 triệu đồng bào mình đến mức hạch toán cả những đầu mục ăn chơi như bể bơi và sân tennis vào giá thành điện.
Nhưng cũng trong những năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra hoặc thanh tra nào được làm tới nơi tới chốn. Với tất cả những dấu hiệu quá khuất lấp về tài chính và số lương “nghèo khổ” ít nhất vài chục triệu đồng theo đầu nhân viên ở tập đoàn này mà dư luận bức xúc từ năm 2011, Bộ Công Thương vẫn lạnh lùng quay lưng. Hành vi càn rỡ ép bể bơi và sân tennis vào giá thành điện vẫn được thanh tra chính phủ và những lãnh đạo cao nhất của Bộ Công Thương như Ủy Viên Trung Ương Đảng Vũ Huy Hoàng nhắm mắt.
Vào quý 1 năm 2015, EVN và Bộ Công Thương còn “đạo diễn” cho Ngân Hàng Thế Giới (WB) - tổ chức tài chính quốc tế là chủ nợ của EVN và tổng thể nền tài chính con nợ Việt Nam - đưa ra các “khuyến nghị” về tăng giá điện. Điều kỳ lạ là ngay sau đó, các chuyên gia của WB đã phóng ra khuyến nghị về giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 thì mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Còn ngay trong năm 2015, WB “chỉ đạo” giá điện phải tăng 20% với 6 tháng mỗi lần, tức gấp đôi tỉ lệ 9,5% mà EVN mưu tính.
Nhưng tại sao lại cần đến WB và khuyến nghị tăng giá điện để “cứu” EVN? Sau một thời gian dài bưng bít thông tin, vào quý 1 năm 2015, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước “nói mãi vẫn không chuyển” và “ăn của dân không chừa thứ gì.” Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.
Nhưng một câu hỏi không thể bỏ qua là toàn bộ tiền lãi do EVN nhập khẩu điện từ Trung Quốc từ năm 2007 đến gần đây, với giá cao gấp 3 lần giá sản xuất điện trong nước, đã chui vào túi ai mà khiến EVN ra nông nỗi này?
Không có bất kỳ quan chức có trách nhiệm nào dám trả lời, cho dù câu hỏi này đã được công khai trên mặt báo chí nhà nước. Tình trạng này cũng gần tương tự như mối nghi ngờ lan tỏa rất rộng trong dư luận nhưng không hề được giải đáp cho tới nay - về vị thế “thân Trung” quá vững chắc của Bộ công thương qua cơ chế nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa từ đối tác “Bốn tốt” - vốn nổi tiếng với đầu óc phóng khoáng cho cơ chế “lót tay.”
Ai sẽ xử tội đồ quốc gia?
Một số nguồn tin cho biết mãi cho tới nay, EVN vẫn chỉ mới thoái được một phần không đáng kể - chỉ khoảng 20% - vốn liếng đã “chôn” vào khu vực tài chính tiếp biến từ quá khứ đến hiện tại, trong khi mục tiêu mà chính phủ giao cho tập đoàn này là đến đầu năm 2015 phải thoái hết vốn.
Vậy là song trùng, liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, giới lãnh đạo Bộ Công Thương xuất hiện với “dự đoán”: Ước tính EVN phải tăng giá điện liên tục đến năm 2017-2018 thì mới có thể “hòa vốn.”
Thế nhưng cái điểm hòa vốn đầy tính nhân quả ấy lại có thể khiến những người dân nghèo nhất phải quyên sinh. Theo nguyên lý từ thời tư bản dã man, nếu doanh nghiệp độc quyền hòa vốn, nhân dân phải chịu lỗ; còn khi doanh nghiệp độc quyền có được lợi nhuận, nhân dân chắc chắn phải mất đi phần lớn thu nhập của mình.
Không chỉ mất tài sản, người dân còn phải trả giá bằng cả sinh mạng bởi lối hành xử vô lương tâm của những quan chức độc quyền nhà nước. Vụ 15 hồ thủy điện đồng loạt xả lũ không thông báo trước ở Đắc Lắc và các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... vào cuối năm 2013 không thể được mô tả khác hơn là một cách “giết sống” hơn năm chục cư dân nghèo nơi vùng rốn lũ, với trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp thủy điện và chính quyền địa phương, mà còn ăn dẫn trực tiếp đến những lãnh đạo của EVN và Bộ Công Thương.
Thế nhưng thảm cảnh đau đớn ở Việt Nam là sau vụ “giết sống” trên, những phóng viên báo chí quốc doanh phẫn uất nhất đành ôm hận vì bị giới tuyên giáo các cấp “chặn họng.” Cũng không có bất kỳ một quan chức vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa.
Thói tán tận lương tâm của quan chức và hậu quả của nó cũng không thể không liên quan đến trách nhiệm của giới lãnh đạo chính phủ, những người đã im lặng hoặc “bật đèn xanh” cho EVN gây nên các chiến dịch tăng giá vào thời gian giữa hai kỳ Quốc Hội.
Không chỉ bị lên án bởi dư luận trong nước, khối u độc quyền doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam còn bị nhiều chính phủ, xã hội dân sự trên thế giới và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt, bởi hiện trạng bệnh hoạn đó hẳn nhiên đi ngược lại với những cam kết về “hoàn thiện nền kinh tế thị trường” mà chính phủ Việt Nam đã trơn tuột hứa hẹn trước cộng đồng quốc tế.
Làm thế nào để một đứa trẻ có thể tin được ý tưởng nhăng cuội “sẽ xóa độc quyền của EVN vào năm 2018” - thời điểm dự kiến cho EVN “hòa vốn” - được khơi dụ bởi giới lãnh đạo Bộ Công Thương, khi dối trá và tàn bạo đã hằn sâu thành bản chất của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu chế độ?
Độc quyền và đặc lợi lại đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Sau nhiều năm kể từ lúc các chiến dịch “thủ ác” được kích phát dồn dập và bất chấp oán thán dân tình, tội đồ EVN và giới lãnh đạo Bộ Công Thương đã có đủ thời gian chứng tỏ có năng lực gây ra tội ác ghê gớm đến thế nào.
Tình thế đất nước đã đến độ “lương công nhân chỉ đáp ứng 70% mức sinh hoạt tối thiểu” và quỹ lương hưu đang phải đối mặt với nguy biến bục vỡ, nhưng người dân và trên hết là người nghèo Việt Nam sẽ kéo dài tâm thế chịu đựng mãi mãi?
Không thể là mãi mãi. Nếu ở những quốc gia như Bungaria, toàn bộ chính phủ đã phải từ chức vào đầu năm 2013 sau cú tăng giá điện của hai tập đoàn điện lực tư nhân mà đã khiến cho hàng chục ngàn người dân Sophia đổ ra đường biểu tình phản đối, xã hội Việt Nam cũng có thể là một hình ảnh tương tự trong không quá lâu nữa.
Tin mới nhất: Với bảng “thành tích chiến đấu” vang dội, EVN vừa được Bộ Công Thương cùng những cơ quan liên đới đề nghị chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “anh hùng lao động” và cả “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2015.
Theo Người Việt-09-20- 2015 1:43:50 PM
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment