Chân Như, phóng viên RFA -2015-09-23 E
Có thực sự còn Trung Thu với những loại như vậy... File photo
Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, tại VN mọi người và đặc biệt là các trẻ em lại nô nức ăn thêm một cái tết nữa-đó là tết Trung Thu. Trong đêm rằm, các em được ba mẹ cho cầm lồng đèn đi rước ông trăng, được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Năm nay tết trung thu rơi vào ngày 27 tháng 9 nhằm cuối tuần nên các trẻ em lại có nhiều cơ hội để vui chơi nhiều hơn, và đây cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này, Chân Như và cùng một số các bạn trẻ nhớ lại kỷ niệm một thời của họ vào ngày tết trung thu này và cũng để xem Trung Thu ngày nay có gì hay hơn xưa.
Chân Như: Xin chào các bạn, chắc hẳn các bạn đây còn nhớ khi còn bé tí thì rất nao nức chờ được đến ngày này, và đặc biệt hơn là được ba mẹ mua cho chiếc lồng đèn, hoặc được ba mẹ làm lồng đèn cho để tối đi rước ông trăng. Các bạn có những kỷ niệm nào đặc biệt vào ngày này cùng chia sẻ với nhau nào?
Kiều Mỹ: em sống ở vùng quê, nên lễ cổ truyền được tổ chức khá là nhiều. Tối thường ba mẹ cúng rằm sau đó là dẫn em đi chơi và mua lồng đèn hay gì đó. Thường tụi con gái thích lồng đèn công chúa, chứ em thì lại thích lồng đèn giấy và chơi bằng đèn sáp. Ba mẹ không cho mà em đòi dữ quá thì ba mẹ buộc phải mua. Mua về, em cùng một số bạn ở trong xóm tụ tập thành một đám xách đèn đi theo đoàn lân. Đoàn Lân sẽ vào nhà mình vào dịp trung thu. Ở VN thì em thấy truyền thống múa lân vào dịp lễ Trung Thu rất đặc sắc. Khi bé mình thấy những nhộn nhịp thế thì thích đi theo. Lúc đó nhà em trong hẻm tối. Em đi theo đoàn đó đi chơi rất xa và em bị lạc đường, em đi bộ mà đi em lạc tới tận chỗ bán lồng đèn; May là chỗ bán lồng đèn quen với ba mẹ em nên cô đó mới hỏi lý do tại sao khóc và sau đó dẫn em về nhà. Đó là năm lớp 3 và là kỷ niệm lớn nhất. Mấy năm sau có đi thì có ba mẹ chở đi chứ không dám cho em đi một mình nữa.
Bảo Linh: Thời của em thì phải tự làm những lồng đèn và thường làm bằng cây nứa với mấy giấy màu kiếng để dán lại thành những lồng đèn. Mỗi mùa Trung Thu ba em hay làm lồng đèn cho em. Hồi đó cũng không có keo để dán giấy kính mà phải dùng bột mì tinh, nấu cho sôi lên rồi dùng bột đó dán giấy kính lên trên lồng đèn. Làm một lồng đèn rất là cực. sau đó, lớn lên một tí xíu thì ba chỉ cho cách làm sau đó tự làm lồng đèn để chơi Trung Thu luôn. Kỷ niệm vui nhất chơi Trung Thu là tới đêm Trung Thu, những bạn cùng lứa tuổi ở xóm hay tổ chức đêm Trung Thu tại nhà của nhau , thi xem lồng đèn của ai làm đẹp nhất, xong bắt đầu đốt đèn cầy lên những lồng đèn đó. Ai làm lồng đèn xấu hoặc tệ quá thì cây đèn cầy khi cắm sẽ nghiêng qua một bên và làm cháy lồng đèn. Lúc đó nhiều đứa là khóc bù lu bù loa, đó là những kỷ niệm vui nhất trong mùa Trung Thu của em.
Thái Nhật: Kỷ niệm của em thì cũng giống như tất cả những bạn nào mà ở Việt Nam ở thời điểm đó: được mặc đồ đẹp xong đi rước đèn Trung Thu ở trong xóm với những đứa bạn cùng tuổi với mình, mà đèn ngày xưa cũng chỉ là đèn giấy không được bằng điện tử bây giờ. Vậy nên những kỷ niệm đó đối với em là đặc biệt hơn.
Chân Như: Có vẻ như thời nay cái không khí của trung thu nó không còn như xưa nữa và hầu như người lớn đã vô tình cướp đi cái ngày lễ này của các em nhỏ. Điều này có đúng không? Vì sao?
Kiều Mỹ: Vâng em là một ví dụ điển hình của việc bị cướp đi ngày Trung Thu. Nói chung ngày nay mọi thứ đều có sẵn hết, thí dụ bánh Trung Thu cũng vậy. Em nghe bà nội em kể thì ngày xưa Trung Thu thì người ta thường tập trung lại làm bánh theo truyền thống, hoặc là làm lễ cúng rằm rồi tối gia đình tụ họp. Tới thời của em, bánh Trung Thu đã có sẵn, chỉ là mua để đi biếu cho người khác rồi thời gian dành cho gia đình không có nữa. Trẻ em thì ba mẹ cho lựa chọn một món đồ chơi nào đó và cho chơi ở nhà cũng không dám cho ra đường. Người ta quan niệm Trung Thu là một lễ gì đó để ăn chơi chứ không còn là một lễ để tưởng nhớ về ngày lễ Trăng Chú Cuội, Chị Hằng nữa. Em thấy về căn bản nó đã bị mất đi cái không khí hoàn toàn.
Bảo Linh: Dạ đúng rồi Trung Thu hiện tại nó không giống như hồi xưa nữa nó mất đi giá trị truyền thống rồi. Đầu tiên, nói về chiếc lồng đèn thì bây giờ cũng chẳng ai đi làm cái lồng đèn như Trung Thu hồi xưa nữa mà giờ là những chiếc lồng đèn có bán sẵn rồi; Những cái bánh Trung Thu đủ kiểu; Những loại bánh khác mới mẻ hơn,giống như những chiếc bánh ngọt thôi nhưng trong hình dáng của bánh Trung Thu rồi người ta cũng gọi là bánh Trung Thu. Bánh Trung Thu thì trở thành những món quà để biếu xén nhau vào mùa Trung Thu. Nó mang một ý nghĩa khác giống như là để giúp cho một công việc gì đó nó dễ dàng hơn hoặc là tặng để làm vui lòng nhau thôi chứ còn hồi xưa là những người trong nhà tặng cho bà con bạn bè nó mang cái ý nghĩa tình thân nhiều hơn.
Thái Nhật: Em rất đồng ý với câu trả lời của hai bạn vừa rồi là ngày nay cái tục biếu quà bánh Trung Thu dành cho người thân nó không còn ý nghĩa ban đầu nữa mà bây giờ nó thành cái gì đó để mà biếu xén cho những sếp cao hoặc những người mà mình thấy cần phải nịnh hót hay là vụ lợi cho bản thân mình chứ không còn ý nghĩa ban đầu đẹp nữa.
Chân Như: Thêm một điểm nữa có vẻ như ngày nay trẻ em mất nhiều thời gian cho việc học-học chính thức, học thêm, học đàn ,học vẽ...nên ít có thời gian để chơi “nhà chòi” với các bạn hàng xóm. Và ngay cả những người hàng xóm, họ không còn “tình làng nghĩa xóm” thân mật như xưa. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, nhà nào về là đóng cửa, nên không phải hàng xóm ai cũng biết nhau như ngày xưa. Vì thế, trẻ em không có nhiều bạn bè lối xóm để có được những cuộc vui chơi rước đèn trong xóm. Các bạn có thấy điều đó hay không?
Bảo Linh: Trẻ em thì em nghĩ ở thành thị thì khó có cảm nhận được Trung Thu như trẻ em ở mìên quê vì miền quê không gian thoáng đãng hơn rồi những sự liên kết hàng xóm nhiều hơn là ở thành thị. Trẻ em ở quê thì buổi tối có thể xúm lại với nhau chơi chung những trò chơi Trung Thu. Nhưng ở thành thị thì ban đêm khó có thể làm được điều đó tại vì đường xá xe cộ, rồi phụ huynh thì sợ để con mình đi ra ngoài, sợ tai nạn giao thông, sợ bắt cóc, sợ tội phạm, sợ đủ thứ hết. Chỉ có những đứa trẻ ở quê mới có những mùa Trung Thu trọn vẹn hơn là ở thành phố. Mặt khác, ở trong trường học bây giờ thường cũng có tổ chức những buổi Trung Thu cho những đứa trẻ nhưng chỉ là ban ngày thôi nên cũng khó cảm nhận được không khí Trung Thu giống như hồi xưa nữa.
Kiều Mỹ: Em thì ở quê. Em cũng có cảm nhận được không khí ở quê nó được hưởng ứng rất nhiều so với thành phố nhưng cũng không còn như trước. Ở các UB xã thì thay vì người ta sẽ kêu gọi học sinh hoặc là mời tất cả mọi người cùng lên UB xã để tổ chức để cho các em chơi Trung Thu, nhưng thật ra cái đó chỉ là hình thức gián tiếp để bán các loại lồng đèn hay là gì đó chứ nó không còn là diễn văn nghệ để vui chơi nữa. Năm nào cũng vậy cũng mời lên phát quà cho trẻ em, sau đó là diễn văn nghệ rồi bắt đầu chương trình marketing về một số các mặt hàng cần bán rồi họ giao lưu với phụ Huynh. Em cảm thấy việc ấy mang tính chất kinh tế nhiều quá.
Chân Như: Tết trung thu mà không có lồng đèn ông sao, con gà, con bướm .... thì không còn là Trung Thu. Các em nhỏ chỉ ước mơ có thế. Tuy nhiên, với đà phát triển và cuộc sống khó khăn như hiện nay cái gì nhanh gọn đều là sự chọn lựa của người dân. Do vậy, nhiều phố lồng đèn cổ truyền đã không còn được nhiều người quan tâm, mà họ lại thích mua những chiếc lồng đèn điện tử, khỏi mất thời gian gắn nến và lại không bị cháy. Các bạn thấy đó là điều nên hay không nên? Nó có làm mất đi cái hồn của đêm trăng, ngắm chị Hằng và chú Cuội không?
Kiều Mỹ: Nói chung là có một cái gì đó mới, thay thế nó hiện đại và thích hợp với cuộc sống thì cũng tốt nhưng mà mục đích của nó là để chạy theo kinh tế chứ không còn là giữ vững truyền thống nữa. Theo em việc thay thế hoàn toàn bằng đèn điện tử cũng không hay lắm vì đúng vào lễ này mình nên rước bằng đèn cầy thì nó ý nghĩa hơn; Kiểu giống như những ngọn lửa tâm hồn ấm áp sưởi cho nhau thay vì bật sáng nó lên với nhạc “tung toé” khắp nơi dẫn tới ồn ào nhà người này người kia. Anh cứ tưởng tượng khoảng mấy chục người đi chung với nhau mà cầm cái lồng đèn nào cũng điện tử và bấm lên mỗi người một kiểu nhạc thì nó trở thành một đám hỗn loạn rồi. Lúc đó, người ta không còn sợi giây liên kết với nhau. Em nghĩ thay thế như vậy thì cũng có cái mặt tốt nhưng cũng có mặt rất hạn chế. Lồng đèn thắp đèn cầy thì đúng là có thể nó gọi là lạc hậu so với bây giờ nhưng thật ra giữ vững cái dòng chảy truyền thống. Em nghĩ nó vẫn là xuyên suốt và nên giữ nó lại vì nó rất là hay. Đó cũng là một môn nghệ thuật mà truyền thống cần được lưu giữ.
Bảo Linh: Dạ đúng rồi. Với em chiếc lồng đèn điện tử bây giờ người ta hay bán ở ngoài cho trẻ em vào mỗi mùa Trung Thu. Em nghĩ loại đèn này không được gọi là cái lồng đèn mà nó chỉ là một món đồ chơi thôi. Lồng đèn thì tất nhiên phải được làm bằng cái khung rồi dán giấy kính hoặc là vải giống như những lồng đèn ở hội an hoặc là đèn Trung Thu truyền thống của mình thì ý nghĩa hơn; Còn món đồ chơi điện tử mà có đèn trong đó thì không nên gọi nó là cái đèn Trung Thu nó làm mất cái ý nghĩa Trung Thu của trẻ em. Nếu em mà có những đứa em hay những đứa con thì em sẽ tự làm những chiếc lồng đèn truyền thống để tặng cho nó, và dạy cho nó cách làm lồng đèn để duy trì truyền thống Trung Thu của Việt Nam mình.
Thái Nhật: Với em, em nghĩ một phần là có thể ban đầu cái lồng đèn điện tử khi nhập vào VN thì nó cũng là một cái gì đó thích thú cho trẻ em vì nó lạ, nhiều màu sắc, đẹp hơn, nhiều kiểu mẫu hơn rồi đâm ra trẻ em Việt Nam rất thích. Nhưng em cũng đồng ý với ý kiến của hai bạn là những lồng đèn kéo quân hay là lồng đèn truyền thống VN thì vẫn là tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn em thấy rằng bởi vì những nhà sản xuất lồng đèn không chịu cập nhật hoặc sáng tạo thêm kiểu mới mà lại nhập khẩu những lồng đèn Trung Quốc qua, nên đâm ra như thế. Bây giờ anh đến một tiệm bán lồng đèn đi mà anh thấy treo những lồng đèn thật là đẹp với một lồng đèn bằng giấy thì đương nhiên ánh mắt nhìn của bố mẹ của mấy đứa nhỏ thì vẫn thích những lồng đèn màu mè hơn, điện tử hơn. Do vậy, cái loại lồng đèn cổ truyền VN lại không có được nhiều người sử dụng.
Chân Như: Và câu hỏi cuối là nếu như được một vé trở về thời thơ ấu, thì các bạn sẽ làm gì với ngày tết Trung Thu?
Kiều Mỹ: dạ nếu như có thời gian quay lại thì em uớc là từ năm 12 tuổi em sẽ không phải đi học (thêm), em sẽ cùng được gặp ba mẹ ở xa về cùng nhau đón Trung Thu cùng nhau làm bánh, cùng nhau làm lồng đèn, cùng nhau xoay tụ vào ngày Trung Thu chứ không phải mỗi người mỗi nơi, mỗi người một công việc.
Bảo Linh: Đối với em nếu được một vé để đi về tuổi thơ thì em chắc chắn là sẽ ngồi với ba em để làm một chiếc lồng đèn để tự xách đi chơi trong đêm Trung Thu. Bên cạnh đó thì sẽ phụ bà của em, tại vì hồi xưa nhà em theo truyền thống xưa là mỗi đêm rằm Trung Thu là phải cúng Trời Đất, cúng hoa quả và bánh Trung Thu. Ý nghĩa của tết Trung Thu là ngày đoàn viên của gia đình, sum vầy bên nhau. Muà Trung Thu cũng là mùa người lớn cúng để tạ ơn cho mùa màng đã thu hoạch được trong những tháng vừa rồi; Quây quần bên nhau cắt bánh Trung Thu, mời người lớn ăn trước, rồi tới những người nhỏ trong nhà ăn sau. Không khí ấm cúng đoàn viên một mùa Trung Thu rất là trọn vẹn.
Thái Nhật: Nếu mà được một vé trở về thời thơ ấu trong ngày tết Trung Thu này thì em rất được muốn ba và mẹ cùng nhau bày cỗ cúng ngày rằm rồi gia đình ba người ngắm trăng với nhau, rồi uống trà và ăn bánh. Sau đó, em sẽ được ba mẹ chở đi vòng vòng ở khắp xóm để cùng nhau đi rước đèn chung với mấy người bạn, giống như thời thơ ấu mà em đã có. Nếu mà được trở lại em rất muốn được như vậy.
Cám ơn ba bạn Bảo Linh, Kiều Mỹ và Thái Nhật đã dành thời gian cho chương trình tuần này.
No comments:
Post a Comment