(VTC News) - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho rằng, tình trạng tắc đường kéo dài có liên quan đến bệnh lý về tâm thần.
Phóng viên VTC News phỏng vấn Bác sỹ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 về mối liên hệ giữa tâm lý ức chế của người dân khi gặp tắc đường với các bệnh lý tâm thần.
Ông Cương nói:
Tại Hà Nội, hiện tượng tắc đường đã xảy ra từ lâu. Tôi còn nhớ, từ năm 2001, tôi chuyển về Định Công sinh sống. Từ đó, tôi đã nhiều lần gặp tắc đường và tới cơ quan muộn giờ.
Bác sỹ La Đức Cương |
Nhưng thời điểm đó, tình trạng tắc đường không nghiêm trọng như bây giờ, trung bình cứ 10 ngày thì chỉ có khoảng 3 ngày có tắc đường. Chính vì thế, khi đó mọi người không có “ấn tượng” và ca thán nhiều lắm về vấn đề tắc đường.
Tuy nhiên, càng ngày thì tình trạng tắc đường ngày càng nghiêm trọng. Số lần tắc đường nhiều hơn, hầu như ngày nào cũng xảy ra tắc đường, có thể nói cả thành phố tắc nghẽn, chỗ nào cũng tắc, gần như chẳng có lúc nào đường thông thoáng vào những thời gian cao điểm.
Thông thường, tại các ngã tư, ngã ba bây giờ đều có lực lượng cảnh sát tiến hành phân luồng. Vì thế, thời gian tắc đường trung bình có thể ngắn hơn trước. Tuy nhiên, nếu điểm nào đã xảy ra tắc lâu thì lại quá lâu, đặc biệt là vào những hôm thời tiết mưa gió.
- Tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng đang gây ra những ảnh hưởng trông thấy rõ trong đời sống xã hội, nhất là sự mệt mỏi, căng thẳng kéo dài. Ông nhận xét gì về điều này?
Tất nhiên là có ảnh hưởng. Bởi khi gặp tắc đường, chúng ta sẽ không thể di chuyển được, hoặc phải di chuyển hết sức chậm chạm. Vậy là người đi chợ thì muộn chợ, người làm công sở thì muộn giờ làm. Nhiều người làm công sở, khi đi muộn còn bị lãnh đạo quở trách…
Bên cạnh đó, mỗi khi gặp tắc đường, chúng ta còn phải hứng chịu khói bụi, tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi… Những hôm trời mưa thì phải hứng chịu nước mưa, bùn đất. Khi đến cơ quan, đã muộn giờ làm, chúng ta còn phải đối mặt với cảm giác khó chịu khi trên người dính bụi bẩn, nhớp nháp.
Tình trạng tắc đường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng. |
Hãy tưởng tượng, một buổi sáng bạn phải tiếp khách. Ở nhà, bạn chuẩn bị trang phục chỉnh tề. Nhưng vừa đi ra đường, bạn đã gặp tắc đường, bị bụi đất vương vào quần áo, cơ thể nhớp nháp do mồ hôi hoặc dính nước mưa… thì bạn có thoải mái mà tiếp khách, mà làm việc được không?
Đó là một số yếu tố có thể tác động tới một người gặp cảnh tắc đường, khiến cho họ có cảm giác bức xúc, căng thẳng, ức chế, mệt mỏi... Khi rơi vào trạng thái tâm lý không thoải mái như vậy thì mọi người sẽ mất hết động lực làm việc cho cả ngày, hạn chế sự sáng tạo, giảm hiệu quả trong công việc. Có thể nói, tắc đường kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
- Có mối liên hệ nào giữa tình trạng tắc đường gây ra tâm lý căng thẳng kéo dài với tỷ lệ người mắc các bệnh lý về tâm thần ngày càng tăng cao hay không thưa bác sỹ?
Rõ ràng là những tác động tiêu cực của tình trạng tắc đường tới tâm lý con người có mối liên quan tới một số bệnh lý về tâm thần.
Tất cả những yếu tố khiến cho con người có tâm lý không thoái mái, trong đó có tình trạng tắc đường nói trên chính là sang chấn tâm lý. Bình thường, nếu mọi người có thể điều chỉnh sang chấn, thích nghi được với hoàn cảnh thì không sao. Nhưng nếu sang chấn tâm lý lặp đi lặp lại, kéo dài, người không thích nghi được thì không chỉ hay cáu gắt, ức chế mà còn có thể bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ...
Nhiều người còn dẫn đến stress và bị các rối loạn về tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm... Các rối loạn tâm thần liên quan đến stress là một mã bệnh trong tâm thần học (cùng với rối loạn tâm thần do ma túy, rối loạn tâm thần liên quan đến các thói quen...). Nói cách khác, đó là một dạng bệnh lý về tâm thần.
Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng, khi nói tới bệnh lý về tâm thần thì chỉ là những trường hợp mãn tính, mất khả năng về nhận thức và hành vi. Nhưng thực tế, đây là các bệnh lý tâm thần điển hình. Hiện nay, các trường hợp này chỉ chiếm 40%, 60% còn lại là các bệnh lý không điển hình. Một trong các bệnh lý không điển hình chính là các rối loạn tâm thần kể trên.
- Ông có thể nói rõ hơn về biểu hiện của tình trạng rối loạn liên quan đến stress?
Thông thường, rối loạn tâm thần dạng này thường không chỉ biểu hiện nhiều qua khí sắc bên ngoài, mà còn biểu hiện qua những dấu hiệu bất thường của các bộ phận, nội tạng cơ thể.
Không phải người cứ suốt ngày có biểu hiện lo lắng, ủy rũ, trầm ngâm... thì mới là người có bệnh lý rối loạn tâm thần. Như tôi đã nói, biểu hiện ban đầu là đau đầu, mất ngủ, hay cáu gắt... Sau có dấu hiệu giảm các chức năng về nội tiết, về thần kinh thực vật, chức năng về sinh dục...
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho rằng, tình trạng tắc đường kéo dái có thể khiến con người bị mắc bệnh lý về tâm thần. |
Cụ thể là cảm giác tăng tiết mồ hôi, trời nóng nhưng da có cảm giác ướt ướt, lạnh lạnh, hay cảm thấy người rạo rực khó chịu; bị táo bón; có dấu hiệu khác thường về tim mạch như tim đập nhanh, huyết áp tăng; giảm ham muốn tình dục; chậm chạp hơn trong tư duy và hành động...
Cũng cần phải nói thêm, không phải ai cũng có tất cả các biểu hiện này mà có người có biểu hiện khác thường về tuyến nội tiết, có người thì biểu hiện về tim mạch... Các biểu hiện nói trên cũng phải kéo dài trong một thời gian nhất định mới trở thành bệnh lý.
Trước đây, nhiều người dân cũng không nghĩ rằng những biểu hiện trên là một dạng bệnh lý về tâm thần. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, nhờ công tác phổ biến, giáo dục kiến thức về tâm thần học được các cơ quan chức năng thực hiện mà nhiều người đã nhận thức được. Từ đó, họ sớm phát hiện, tìm đến cơ quan y tế để được điều trị kịp thời.
- - Như vậy, có thể giải thích được vì sao người đi đường ngày càng nóng nảy, tội ác do va chạm giao thông ngày càng tăng cao, thưa ông?
Chính vì thế, khi có va chạm xảy ra, nhiều người không kìm chế được và nảy sinh tranh cãi. Nhiều trường hợp sử dụng bạo lực để giải quyết. Chúng ta có thể thấy rỗ hành vi bạo lực giải quyết mâu thuẫn giao thông đang ngày càng tăng cao. Người ta sẵn sàng cầm dao đâm chết người chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường.
Như vậy, văn hóa giao thông vốn đã rất kém thì giờ thực này lại càng trở nên nguy cấp hơn nữa.
- Như vậy, rõ ràng tác động tiêu cực của tình trạng tắc đường tới sức khỏe, tinh thần người dân là rất nghiêm trọng. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để hạn chế, hoặc ít nhất, không để tình trạng tắc đường thêm xấu đi?
Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc đường như hiện nay là do trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước chưa tiên lượng được tốc độ gia tăng các phương tiện. Chính vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng đường xá không đồng bộ, không phù hợp. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng không quyết liệt trong việc thực hiện quy hoạch đường xá.
Tôi lấy ví dụ, cách đây khoảng hơn 30 năm, ở khu vực đường Giải Phóng, đoạn từ Ngã Tư Vọng tới gần Bến xe phía Nam là hồ nước rộng mênh mang, chứ chưa có nhà cửa gì cả. Sau này, chúng ta lấp hồ này đi, dự kiến là sẽ xây dựng đường xá rộng rãi.
Khi đó, cơ quan chức năng cũng tiến hành cắm mốc. Nhưng sau đó, mốc giới không có ý nghĩa gì cả, chúng ta đã để người dân xây dựng nhà cửa lên xung quanh, lấn hết ra cả mốc giới. Chính vì thế, đường Giải Phóng hiện nay là rất hẹp so với nhu cầu đi lại của người dân.
Ai cũng biết rằng, để xóa bỏ tình trạng tắc đường thì chúng ta phải mở rộng các tuyến đường hiện tại, đồng thời mở thêm các đường mới. Tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện trong một thời gian ngắn.
Bởi muốn mở đường thì chúng ta phải tiến hành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, luật pháp hiện nay lại cho người dân sử dụng đất quyền to quá. Chính vì thế, việc giải phóng mặt bằng là rất phức tạp. Hiện chúng ta có rất nhiều con đường đắt nhất hành tinh cũng là vì phải bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân quá cao.
Nếu cần thiết thì chúng ta cũng phải sửa luật sao cho chặt chẽ, làm sao để giao đất cho người dân sử dụng nhưng phải dễ dàng cho Nhà nước khi tiến hành thu hồi đất. Nếu làm được như vậy, tôi hy vọng 30-40 năm nữa, chúng ta sẽ không phải đối mặt với tình trạng tắc đường nữa.
Trước mắt, tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước cần phải thực hiện ngay một số giải pháp để hạn chế phần nào tình trạng tắc đường. Đó là, chúng ta cần phải tìm cách hạn chế số lượng các phương tiện lưu thông trên đường.
Nhưng chúng ta đã biết, số phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy hiện nay là rất lớn. Phải làm sao để người dân tự nguyện từ bỏ phương tiện này để chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Muốn như vậy, thì hệ thống giao thông công cộng phải được trang bị tốt lên. Chúng ta đang xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đó sẽ là một hình thức giao thông hiện đại, thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường ngay hệ thống xe bus.
Với điều kiện tại Hà Nội hiện nay, cần phải có cả loại xe cỡ lớn, cỡ vừa, cỡ nhỏ... để có thể đưa người dân di chuyển từ các tuyến phố lớn tới phố nhỏ, len lỏi vào các con ngõ nơi người dân sinh sống, làm việc. Có như thế thì người dân mới ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng được.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục văn hóa giao thông cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Cần đưa văn hóa giao thông vào mọi cấp học, kể cả mẫu giáo. Học phải đi đôi với hành, cần phải cho các em thực hành những tình huống cụ thể.
Chẳng hạn, cứ để các em đi đúng luật, sau đó có người đi lên chen lấn, cản trở… cho các em "bực bội". Sau đó sẽ giải thích rằng, đâu là hành vi đúng, hành vi sai. Từ đó, văn hóa giao thông sẽ ngấm vào những đứa trẻ, khi lớn lên, chúng sẽ không chen lấn nhau ngoài đường như nhiều người lớn hiện nay nữa.
No comments:
Post a Comment