NGUYỄN HƯỜNG 20/09/15 06:20
(GDVN) - Khi một nước nổi lên muốn thay đổi luật chơi, thay đổi hiện trạng, thay đổi chủ quyền đất đai biển đảo thì Tokyo cũng cần phải có các biện pháp mạnh đối phó.
Tờ Reuters ngày 19/9 đưa tin cho biết, sau nhiều tháng đấu tranh gay gắt trong nội bộ, Quốc hội Nhật Bản sáng nay đã nhất trí thông qua dự luật cho phép lực lượng vũ trang nước này tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Thủ tướng Shizo Abe, người hỗ trợ lớn nhất dự luật này, đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh động thái trên khi cho rằng nó là biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân và ngăn ngừa xung đột vũ trang.
Dự luật được thông qua nhờ sự nỗ lực rất lớn của đảng cầm quyền LDP của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng liên minh Komeito.
Ông Abe cũng nhấn mạnh trong tuyên bố rằng ông cảm thấy "rất khó giải thích cho công chúng về ý nghĩa của luật này".
Theo luật mới, Lực lượng Phòng vệ (quân đội Nhật Bản) có thể được triển khai trong khuôn khổ phòng thủ tập thể khi sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa cũng như nhằm giúp đỡ bảo vệ các quốc gia thân thiện, đồng minh hoặc bạn bè bị tấn công sự từ bên ngoài.
Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản cũng đề ra một số điều kiện ràng buộc kèm theo nhằm trấn an dư luận trong nước về việc triển khai quân đội ở nước ngoài như: chỉ điều quân khi không còn có giải pháp nào khác, triển khai sức mạnh ở mức tối thiểu nhất, cuộc xung đột đó phải đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản và quyền sống, quyền tự do của người dân.
Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của đảng cầm quyền LDP của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng liên minh Komeito. Họ đã vượt qua sự phản đối quyết liệt đến giờ chót của phe đối lập, tìm mọi cách trì hoãn việc thông qua dự luật.
Việc mở rộng hoạt động cho Lực lượng Phòng vệ là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của Thủ tướng Abe kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2012.
Theo ông Abe, sự thay đổi này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Nhật Bản rất lo ngại về các nguy cơ an ninh đến từ Triều Tiên, tổ chức Hồi giáo IS, những hành động của Trung Quốc ở Hoa Đông cũng như Biển Đông.
Bước cải cách mới này của Nhật Bản nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ phía Mỹ vì nó sẽ chia bớt gánh nặng về an ninh khu vực cho Washington, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các láng giềng có tranh chấp như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên.
Bình luận về động thái trên của Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Lê Văn Bàng nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, đây là bước đi rất hợp lý và tốt cho Nhật Bản cũng như tình hình chung của khu vực trong bối cảnh hiện nay.
Trong 20 năm trước hay 10 năm trước, Nhật Bản không cần phải làm như vậy. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi có một nước nổi lên muốn thay đổi luật chơi, thay đổi hiện trạng, thay đổi chủ quyền đất đai biển đảo thì Tokyo cũng cần phải có các biện pháp mạnh mẽ để cân bằng lại.
Việc mở rộng quyền cho Lực lượng phòng vệ không chỉ mang lại ý nghĩa răn đe chiến lược to lớn. Nó phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho những kẻ muốn phá luật, phá hoại an ninh trong khu vực rằng Tokyo đã sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ của mình một cách hợp pháp và cứng rắn khi cần thiết.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khả năng bùng nổ xung đột ở trên biển quy mô lớn thì không có nhiều, nhưng một biện pháp vẫn luôn cần thiết./.
Nguyễn Hường
No comments:
Post a Comment