Theo daikynguyenvn-08-07-2015
Háng Đồng là xã vùng cao khó khăn bậc nhất huyện Bắc Yên (Sơn La). Nơi đây có 100% người dân tộc Mông sinh sống. Để đến trường, học sinh bản xa phải vượt núi mất nửa ngày đường trong sương mù mới đến được lớp học. Các em học sinh nơi đây sống trong cảnh thiếu thốn, nhiều lần nhịn đói tới lớp. Mùa đông, gió lùa vào, học sinh ngồi học mà người run lên bần bật vì lạnh. (Ảnh minh họa/danviet.vn)
Theo thông tin công bố trên Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 4, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố đề xuất mới là từ 2015 đến hết năm 2030, các địa phương sẽ xây mới thêm khoảng 58 tượng đài Hồ chủ tịch trên cả nước.
Theo đó, với tổng 134 tượng đài đã có, dự kiến từ nay cho đến hết năm 2030, cả nước sẽ có tổng cộng 192 tượng đài Hồ chủ tịch đã và sẽ được hoàn thành được tại nhiều địa phương.
Tổng mức đầu tư dự kiến chưa được công bố, nhưng thường là do địa phương quyết định, dựa theo cân đối thu-chi từ ngân sách địa phương, và được hỗ trợ thêm từ ngân sách trung ương. Công việc sẽ vẫn được tiến hành theo quy trình đang áp dụng, tức địa phương gửi đề án, dự toán kinh phí…, trung ương xét duyệt, động thổ nhân một ngày nào đó và rình rang khánh thành. Và nếu dư luận có bức xúc về kinh phí xây dựng tại một địa phương nào đó với con số hàng nghìn tỷ, thì một động thái quen thuộc sẽ được lặp lại là trung ương yêu cầu UBND tỉnh báo cáo về việc đầu tư, sau đó là xem xét và sửa lại đề án.
Vậy đề án được chỉnh sửa lại với mục đích chủ yếu là để đối phó dư luận, chứ không phải vì lãng phí và không hiệu quả.
Nếu thông tin không được công bố, dư luận không có cơ hội phản ánh ý kiến đối với việc đầu tư công lãng phí, thì từ trung ương tới địa phương liệu có xem xét lại dự án hay không?
Đó là khi công trình còn nằm trên giấy. Nếu công trình đã được hoàn thành rồi, thì đương nhiên sẽ có phê bình và rút kinh nghiệm. Mất mát vẫn là người dân, khi tiền bị đổ vào các công trình không thiết thực. Trong khi đó các công trình công gắn liền với đời sống, như đường giao thông, bệnh viện, trường học, phúc lợi xã hội… vẫn trong tình trạng xập xệ hay bị sụt lún chỉ sau 2 tuần khánh thành, dân đói trong mùa giáp hạt phải đi xin gạo cứu đói khẩn cấp.
Ngay mới đây thôi, 8 tỉnh gồm Nghệ An, Hà Nam, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng, Ninh Bình vẫn phải xin hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn 561.000 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015) (tổng số gạo xin hỗ trợ là 9.080 tấn). Thế nhưng, chưa đầy 4 tháng sau, tháng 5/2015, thành phố Tuyên Quang cho khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” có tổng mức đầu tư chỉ riêng giai đoạn I đã là 199,642 tỷ đồng, theo thông tin từ báo Tuyên Quang.
Lấy con số trên chia cho 561.000 người bị đói trong Tết nói trên thì bình quân mỗi người sẽ nhận được 356.000 đồng, đủ để mua hơn 30 kg gạo/người. Một phép tính nhỏ cho thấy hơn nửa triệu người tại 8 tỉnh sẽ không bị đói nếu gần 200 tỷ trên được sử dụng đúng đắn.
Như vậy, nếu xây mới 58 tượng đài trên 64 tỉnh thành, không kể 134 tượng đài đã có rồi – thì tổng ngân sách cần phải chi sẽ là bao nhiêu? Chỉ riêng công trình tượng đài tại Sơn La đã có tổng kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng.
Đem con số này nhân với 57 tượng đài còn lại, con số sẽ là bao nhiêu? Bao nhiêu loại thuế, phí mới sẽ được đặt ra? Người dân còn phải đóng bao nhiêu thuế, phí để thỏa mãn những đề án vô tri vì lòng người vô tri này?
Phan A
No comments:
Post a Comment