Sunday, August 16, 2015

Thẩm phán tòa tối cao Mỹ cổ võ tự do báo chí tại Việt Nam

SÀI GÒN 16-8 (NV) - Để có công bằng xã hội, Việt Nam cần có các thẩm phán và ký giả không bị trả thù khi đụng chạm các vấn đề nhậy cảm. Một thẩm phán tòa tối cao Hoa Kỳ nói tại Sài Gòn.


Nữ thẩm phán tòa tối cao Hoa Kỳ, bà Ruth B. Ginsburg,  diễn thuyết ở Sài Gòn hồi tuần qua. (Hình: VOA)

Theo đài VOA tường thuật, nữ thẩm phán tòa án tối cao Hoa Kỳ, bà Ruth Bader Ginsburg, đến Việt Nam hồi tuần qua nói chuyện về công bằng xã hội, cải cách tư pháp và sự cần thiết của những người ký giả chuyên nghiệp hành nghề trong tinh thần độc lập. Bà dùng những chuyện tiến bộ xã hội từ nước Mỹ để làm thí dụ dẫn chứng.

Nữ thẩm phán Ginsburg có thành tích suốt đời cổ võ cho công bằng xã hội và công bằng giới tính, nói với các người ngồi nghe bà diễn thuyết rằng trước kia, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ cũng không bảo vệ giới phụ nữ.

Bà kể rằng khi còn là một nữ sinh viên ngành luật tại đại học Harvard, không có nhà vệ sinh dành riêng cho phái nữ. Khi trở thành giáo sư luật tại đại học Columbia, bà được hưởng tiền hưu bổng ít hơn các giáo sư nam giới. Bà đã đấu tranh chống các bất bình đẳng đó cũng như các bất bình đẳng khác mà sau đó, người ta thấy được giải quyết qua các vụ kiện tại tòa án.

Theo bà cho biết, mọi chuyện theo nhau tiến triển, như bây giờ có tới 50% luật sư trên cả nước Mỹ là phụ nữ so với 3% của thời thập niên 1950.

“Tôi hiện rất già”. Bà Ginsburg năm nay 82 tuổi, nói với các người dự khán. “Khi tôi học ở trường đại học luật khoa, nước Mỹ không có các đạo luật chống kỳ thị.”

Theo bà cho biết, điều bất bình đẳng cũng áp dụng cho các các người Mỹ da đen từng theo học ở các trường “vô cùng không bình đẳng” cho tới khi có phán quyết của tòa án tối cao liên bang năm 1954 qua vụ kiện Brown chống học khu (Brown Versus Board of Education) dẫn tới việc bãi bỏ các trường học dành riêng cho người da trắng và trường cho người da đen.

Việt Nam hiện nay đang do đảng Cộng sản thống trị. Luật lệ được quy định theo nhu cầu cai trị độc tài đảng trị của đảng CSVN. Tuy hiến pháp công nhận các quyền tự do căn bản của công dân, nhưng khi biến thành luật thi hành thì giới hạn các quyền này trong cơ chế “xin-cho” tùy tiện hoặc cấm hẳn. Hệ thống tư pháp nằm trong sự điều động chi phối của các đảng viên Cộng sản nên không hề có sự công bằng.

Ở các nước dân chủ thật sự, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp hoàn toàn độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau. Việt Nam ngược lại, quyền hành lệnh lạt nằm trong một số người ở trong đảng. Chính vì thế, chỉ riêng trong lãnh vực tư pháp, mọi người đều hiểu rõ nhóm từ “án bỏ túi”. Thẩm phán tuyên án chỉ là rút trong túi ra đọc cái bản án cho cấp trên “chỉ đạo”, đặc biệt là các bản án có tính cách chính trị.

Ở Việt Nam, cũng không hề có tự do thông tin, báo chí mà ở nước Mỹ được gọi là “đệ tứ quyền”. Dù chế độ Hà Nội đang sửa đổi lại luật báo chí nhưng không hề có điều khoản nào cho phép tư nhân ra báo hay làm truyền thông. Toàn thể guồng máy thông tin, tuyên truyền nằm gọn trong tay của đảng Cộng sản và các cơ quan ngoại vi của đảng độc tài này.

Các cơ quan truyền thông đều phải có một “cơ quan chủ quản”, tức một cơ quan của đảng hay nhà nước CSVN đứng làm trùm. Tổng biên tập của những cơ quan truyền thông này nhiều khi không biết gì về báo chí, truyền thông nhưng được đảng hay nhà nước đưa từ đâu đó tới để chỉ huy, nắm đầu. Cho dù 'tổng biên tập' là người sống với nghề viết báo, cũng vẫn phải là người được chế độ tin cậy sự trung thành và tuân phục lệnh “ở trên”.

Một người trong cử tọa nói với bà Ginsburg rằng “Nhiều quan chức chính quyền tham nhũng tiền bạc của các dự án”. Nhiều người tham dự cuộc nói chuyện của bà được mời thảo luận về những vấn nạn khẩn thiết nhất của Việt Nam. Một người nói nước Việt Nam cần minh bạch hơn để trừ diệt tham nhũng.

“Để có thể đạt được giải pháp đó, phải chăng nước quý vị cần có tự do báo chí?” Bà Ginsburg trả lời bằng câu hỏi. “Nếu các nhà báo, phóng viên báo chí hay truyền hình có thể viết hay nói một cách tự do mà không sợ bị nhà cầm quyền phản ứng?”

Bà Ginsburg diễn thuyết cho tổ chức “Sáng Kiến Giới Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á Châu” (Young Southeast Asian Leaders Initiative) gọi tắt là YSEALI, một tổ chức do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nhằm bồi đắp khả năng và sự quan hệ trong khu vực. Bà đã trả lời nhiều câu hỏi khác nhau nhau từ công bằng xã hội đến công bằng tư pháp.

Trước khi đến Sài Gòn bà Ginsburg đã tới Hà Nội gặp mặt một số chức sắc như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chánh án tòa tối cao Trương Hòa Bình, theo bản tin của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Khi được hỏi làm thế nào để Việt Nam cải thiện hệ thống tư pháp, bà Ginsburg cho hay mọi quốc gia đều cần có một hệ thống tư pháp độc lập. Như ở nước Mỹ, thẩm phán tòa án tối cao (Supreme Court) được tổng thống chỉ định qua sự biểu quyết chấp thuận hay không của quốc hội. Các vị này ngồi ghế thẩm phán đó suốt đời (lifetime), không sợ bị cắt lương hay sợ bị cách chức do dù đưa ra phán quyết không được nhiều người hài lòng.(TN)
08-16- 2015 12:37:26 PM

1 comment:

  1. Người Việt mong rằng với sự xuất hiện của bà Phó Chánh Án TCPV Hoa Kỳ tại Hà Nội, và Saigon cho thấy dấu hiệu của sự cải tổ ngành Tư pháp chăng? Cái cần nhất là sự độc lập của ngành tư pháp và tự do báo chí, đệ tứ quyền bên cạnh tam quyền phân lập thì mới co dân chủ tự do thực sự. Dấu hiệu của sựTHAY ĐỔI CƠ CHÊ CHÍNH TRỊ sẽ bắt đầu bằng sự cải cách tư pháp trước tiên, đó là điều người dân Việt mong muốn.

    ReplyDelete