Công nhân ngành may mặc Campuchia biểu tình, yêu cầu giới chủ TQ tăng lương và cải thiện điều kiện lao động, vào dịp Lễ quốc tế Lao động 1.5.
Washington Post, các công ty Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn cẩu thả, nhận lấy rất nhiều lời chỉ trích, còn phải đối mặt với trát kiện tụng từ tòa án.
Tại TQ, việc lập quan hệ tốt với các quan chức, khéo “bôi trơn” thì làm ăn sẽ thành công, luật pháp lại lỏng lẻo nên rất dễ “lách luật”. Nhưng khi ra nước ngoài, các công ty Trung Quốc làm ăn ẩu ở nước ngoài bị “sốc văn hóa”, Washington Post nhận định như vậy.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp TQ không cần quan tâm đến “chuỗi giá trị toàn cầu” cũng như không có kinh nghiệm làm ăn tại nước ngoài, nên họ luôn đạt được những số liệu tăng trưởng đẹp đẽ tại “sân nhà”.
Nhưng khi nền kinh tế TQ giảm tốc, ngành công nghiệp thép và xi măng đang phải đối mặt với “khủng hoảng thừa”, chi phí nhà đất và lao động tăng, thì các doanh nghiệp bị buộc phải đa dạng hóa đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, để bắt kịp với kinh tế thế giới và học hỏi để tồn tại.
Đi đến đâu, TQ tự bôi xấu đến đó…
Quá trình “bơi ra biển lớn” của các doanh nghiệp TQ không hề thuận buồm xuôi gió. Và trên thực tế đã nhiều doanh nghiệp làm rất rất nhiều chuyện ẩu, rất đáng bị lên án.
Tại Mỹ, các công ty TQ đối mặt với việc thiệt hại hàng trăm triệu USD, khi bị cáo buộc sử dụng tường thạch cao nhập khẩu có chứa chất độc đối với hệ hô hấp và ăn mòn thiết bị điện để xây dựng lại hàng ngàn căn nhà bị sập trong cơn bão Katrina.
Tại bang Texas, tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc AVIC bị kiện bởi cựu đối tác kinh doanh Tang Energy, vì có hành vi gian lận trong thỏa thuận phát triển điện gió, gây cạnh tranh không lành mạnh và có nguy cơ phải chịu phạt 7,5 tỉ USD.
Báo Dallas Morning trích lời ông E. Patrick Jenevein III, tổng giám đốc Tang Energy: “ Tại TQ, các tập đoàn nhà nước thao túng cả tòa án. Công lý nằm trong tay họ. Họ không bao giờ phải bận tâm về việc phải cạnh tranh công bằng cả”.
Nhưng tại nước ngoài, các tập đoàn này không thể “tự tung tự tác” như vậy nữa.
Tại Ba Lan, hợp đồng xây dựng đường cao tốc chuẩn bị cho giải bóng đá Euro 2012 giữa công ty trách nhiệm hữu hạn kĩ thuật công trình Trung Quốc COVEC với chính phủ Ba Lan đã bị hủy bỏ, vì chi phí tăng vọt.
Trước đây khi làm dự án xây dựng, COVEC đã không tính toán chi phí bảo vệ môi trường và chi phí xây dựng một đường hầm tại một ngã tư.
… Và chỉ giỏi bắt nạt nhân công địa phương
Tại các nước phương Tây, doanh nghiệp TQ bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường và hối lộ quan chức.
Tại khắp các nước, các doanh nghiệp TQ bị chỉ trích gay gắt vì sử dụng lao động người TQ thay vì lao động địa phương. Họ còn bị cáo buộc ngược đãi lao động địa phương.
Nhiều quản đốc người TQ luôn phàn nàn công nhân Campuchia không siêng năng bằng công nhân người TQ. Họ đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này, tăng năng suất nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Theo báo Phnom Penh Post, vào tháng 6, một quản đốc người TQ đã la mắng những công nhân Campuchia vì lười làm việc. Sau khi tan ca, nhóm công nhân này đã quay lại xưởng vào ban đêm và giết người quản đốc bằng rìu.
Khi Myanmar chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ dân chủ quân quản, các công ty khai thác mỏ và xây dựng đập của TQ đã phải học đối mặt với công luận.
Ông Li Guanghua, tổng giám đốc Công ty đầu tư năng lượng TQ cho biết, công ty ông đã học được “một bài học đau đớn”, sau khi dự án xây đập Myitsone năm 2011 bị đình chỉ vì những nghi vấn mà dư luận đặt ra, về tác động về mặt môi trường của con đập cũng như lợi ích mà Myanmar thu được từ việc xây đập này.
Hiện tại, công ty đã cẩn thận hơn khi trao đổi với các tổ chức địa phương, những chính trị gia đối lập và phương tiện truyền thông trong nỗ lực tái khởi động dự án xây đập thủy điện này.
Khi tăng trưởng trong nước giảm và chi phí lao động tăng, nhiều doanh nghiệp TQ tìm đến thị trường nước ngoài để phát triển. Nhưng khi ồ ạt ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải làm ăn tại các nước có chế độ chính trị khác nước mình.
Từ Mỹ đến Châu Á, ở nơi nào các doanh nghiệp TQ cũng phạm những điều sai trái, thậm chí ở Campuchia, nơi TQ là nhà đầu tư lớn trong ngành công nghiệp may mặc, cũng không ngoại lệ.
Ông He Enjia, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dệt may thuộc Phòng thương mai TQ tại Campuchia phàn nàn: “Mọi nghiệp đoàn tại đây đều có ác ý. Mọi thứ đã thay đổi ở Campuchia trong vòng 2 năm qua. Lúc trước chủ nhà máy có thể thuê cảnh sát để đàn áp các công nhân nổi loạn, nhưng bây giờ thì không được làm vậy nữa”.
Ở nước ngoài, các doanh nghiệp TQ phải học cách làm ăn trong một môi trường đòi hỏi sự minh bạch cao và phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về lao động, bảo vệ môi trường.
Nền kinh tế TQ đang yếu đi
Theo các chuyên gia, tình trạng hiện tại của doanh nghiệp TQ giống hệt những gì các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TQ trong hơn 20 năm trước đã trải qua.
Theo ông Thilo Hanemann, người phụ trách mảng khảo sát đầu từ toàn cầu của Rhodium Group (New York), trước đây doanh nghiệp nước ngoài khi vào TQ rất khó làm quen với môi trường làm ăn tại nước này.
Nay, các doanh nghiệp TQ cũng phải trải qua điều tương tự, thậm chí còn phức tạp hơn. Thị trường nước ngoài hoàn toàn khác với môi trường pháp lý trong nước mà họ đã quen thuộc.
Vốn đầu tư chảy ra khỏi TQ đã khiến cho ngân hàng trung ương nước này khó lòng duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ so với USD. Việc liên tục phá giá đồng NDT tuần qua, về lý thuyết sẽ giúp tăng giá trị vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp TQ.
Nhưng song song đó, nếu những nhà đầu tư nghĩ rằng giá trị đồng NDT sẽ còn bị suy yếu thì điều này sẽ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Đóng vai trò là động lực quan trọng trong đầu tư ra nước ngoài chính là doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này dùng tiền chính phủ đầu tư xây dựng đường xá, đập thủy điện và các cơ sở hạ tầng khác tại khắp các nước ở Châu Phi và Châu Á.
Bù lại, họ nhập khẩu các nguyên liệu thô cần thiết cho TQ, như dầu và quặng sắt từ các nước này.
Không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, nhiều công ty tư nhân, từ các công ty may mặc tìm kiếm lao động giá rẻ ở Đông Nam Á, đến những công ty IT tìm kiếm thị trường mới, cũng đua nhau đầu tư ra nước ngoài nhờ vào việc chính phủ TQ tự do hóa các quy định về đầu tư.
Theo số liệu chính thức, trong năm 2014, số tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp TQ đạt đến 103 tỉ USD, tăng 14%, và nếu tính cả đầu tư nước ngoài thông qua bên thứ ba, đầu tư nước ngoài lần đầu tiên cao hơn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào TQ.
Dù số liệu này không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng đây sẽ là một cột mốc quan trọng với TQ.
Tuy nhiên, theo ông Hanemann, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài không có nghĩa là kinh tế TQ đã hòa nhập vào kinh tế thế giới: “Điều này không thể hiện kinh tế TQ mạnh lên, mà là đang yếu đi”.
Cẩm Bình (theo Washington Post)
No comments:
Post a Comment