(LĐĐS) - Số 33 ĐÀO TUẤN - TUANDDK@GMAIL.COM
Bài tập kỹ năng sống của học sinh lớp 1 gây tranh cãi.
Câu chính xác là “Chẳng ai mang quả càphê để gọt vỏ làm đồ tráng miệng, không ai rang xoài lên để xay pha nước uống, cũng như chẳng ai mang hoa hồng để luộc làm rau ăn”. Đúng quá rồi còn gì! Mỗi thứ trên thế gian này đều có một “sứ mệnh”! Và tác giả của phát ngôn “chuẩn tiến sĩ” này là Phan Quốc Việt - TS ngành toán - người “tạo sóng” suốt tuần qua với bài học dũng cảm dạy cho học sinh lớp 1 “dẫm lên thảm thủy tinh”.
Và ông còn bật mí, ngoài thủy tinh còn có… kim tiêm nữa: Bài học về lòng dũng cảm còn có phần học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, sau đó tự bôi thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại.
Theo ông, trẻ nhỏ hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sợ hãi. "Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết".
Ôi trời! Học sinh lớp 1. Nghĩa là 6 tuổi. Trong một xã hội bạo lực đến ngay lập tức thậm chí chỉ sau một vụ quẹt xe. Và kim tiêm đầy đường. Nói dại miệng. Chúng dũng cảm, chúng “làm chủ cảm xúc” không đúng lúc, chúng nghịch dại một cái thì cái lưỡi có dẻo, cái miệng hoạt ngôn đến cỡ Trương Nghi, Tô Tần cũng cãi chẳng lại đâu!
Huống chi chết vì sợ hãi thì ít chứ chết vì ngu thì đầy!
Có người bênh cách thức mà sách giáo khoa dạy không phải không có lý. Chẳng hạn, theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3cm2 và độ dày 3cm thì không thể cắt vào chân… Đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân. Rằng, “người ta” đã thực hành trải nghiệm cả chục năm rồi. Rằng, có những điều chúng ta tưởng, hoặc mặc định là nguy hiểm, lại không hề nguy hiểm.
Chỉ có điều, như tôi chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ đồng ý để con cái mình học bài học dũng cảm bằng cái cách mà có người đã so sánh quá “chuẩn tiến sĩ” là “y như sơn đông mãi võ”. “Không sợ hãi” trước mảnh sành, mũi kim phải chăng giống với cách tạo một cỗ máy gan lì hơn là giáo dục một con người với lòng dũng cảm. Tại sao đứa trẻ của chúng ta phải giẫm mảnh thủy tinh để chứng minh cho sự dũng cảm của người khác khi liều lĩnh nhét mảnh thủy tinh và kim tiêm vào sách giáo khoa?!
Rau là rau mà hoa là hoa. Nếu như hoa hồng không thể luộc thay rau thì nhà trường cũng không thể trở thành một gánh mãi võ. Nếu hoa muống không thể cắm vào lọ thì thủy tinh, kim tiêm không thể là thước đo của lòng dũng cảm.
No comments:
Post a Comment