QUẢNG TRỊ (NV) - Một cựu sĩ quan công an đã sử dụng hài cốt của 70 liệt sĩ bị Cộng Sản Việt Nam bỏ quên, làm phương tiện để chiếm đoạt khoảng tám tỷ đồng.
“Cậu Thủy” (trái) tại hiện trường một vụ tìm hài cốt liệt sĩ ở Quảng Trị hồi tháng 8 năm 2013. (Hình: Tuổi Trẻ)
Viện Kiểm Sát tỉnh Quảng Trị vừa truy tố: Nguyễn Văn Thúy, 56 tuổi, ngụ tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; Mẫn Thị Duyên, 53 tuổi, vợ ông Thúy; Nguyễn Văn Hoành, 46 tuổi, em ruột ông Thúy; Mẫn Đức Phương, 27 tuổi, em ruột bà Duyên; Nguyễn Trường Sơn, 28 tuổi và Nguyễn Anh Chiều, 32 tuổi, cùng là con rể ông Thúy. Vũ Đức Chung, 69 tuổi, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum - về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “xâm phạm mồ mả, hài cốt,” “trộm cắp tài sản.”
Năm 2008, ông Thúy, một cựu sĩ quan công an từng ở tù vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” tự nhận và được nhiều cá nhân và tổ chức, kể cả báo giới quảng bá là một “nhà ngoại cảm.” Danh hiệu “nhà ngoại cảm” xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 2000, dùng để chỉ những người có khả năng liên lạc với người chết để hỏi han về chỗ họ bị vùi thây cho thân nhân tìm tới cải táng.
Sở dĩ các “nhà ngoại cảm” được nhiều giới tung hô, có “đất dụng võ” vì tại Việt Nam vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ từng “hy sinh” để Cộng Sản Việt Nam thống trị toàn cõi Việt Nam, bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam lãng quên. Thân nhân của họ thì không an lòng bởi không biết họ bị vùi lấp ở đâu.
Việt Nam có hàng chục “nhà ngoại cảm” nổi tiếng và ông Thúy là một trong số này. Từ khi trở thành “nhà ngoại cảm,” ông Thúy được gọi là “cậu Thủy.”
Sau một thời gian giúp nhiều gia đình tìm hài cốt liệt sĩ là thân nhân của họ, tháng 7 năm 2013, “cậu Thủy” chính thức được Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội Việt Nam (hoạt động bằng vốn do ngân sách của nhà cầm quyền trung ương cung cấp) hỗ trợ để “tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” tại Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước, nhân dịp 65 năm “Ngày Thương Binh-Liệt Sĩ.”
“Cậu Thủy” đã tìm được 79 hài cốt liệt sĩ và được Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội Việt Nam bồi dưỡng khoảng bảy tỷ đồng. Sau đó người ta mới phát giác, “cậu Thủy” không có khả năng liên lạc với người chết. Dựa trên thông tin về đơn vị, địa điểm thiệt mạng do thân nhân của liệt sĩ cung cấp, “cậu Thủy” cho người đem hài cốt mà “cậu Thủy” tích trữ đi chôn trước, rồi mới chỉ chỗ cho thiên hạ đi tìm, đào sau.
Để tăng độ tin cậy về hài cốt tìm được đúng là của liệt sĩ (có sự tương đồng về mức độ bị phân hủy theo thời gian), “cậu Thủy” cho người đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, Đắk Lắk... đào trộm. Đồng thời còn làm cũ, chôn kèm: dép râu, ba lô, võng... Đáng chú ý là vì nhu cầu tìm kiếm hài cốt của thân nhân liệt sĩ thì lớn, số lượng hài cốt liệt sĩ có thể đào trộm tại các nghĩa trang liệt sĩ lại có hạn nên “cậu Thủy” thường chia một bộ hài cốt thành... nhiều phần!
Theo cáo trạng, “cậu Thủy” tổ chức đào và lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt liệt sĩ nhưng đến khi bị bắt, “cậu Thủy” đã “tìm được” 105 liệt sĩ mất tích. Chưa kể, trong kho của “cậu Thủy” vẫn còn một số hài cốt nữa nhưng không thể xác định là bao nhiêu bộ!
Hàng trăm ngàn người đã chết khi giúp Cộng Sản Việt Nam “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.” Họ trở thành liệt sĩ và dù nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam “đời đời nhớ ơn” nhưng đến nay, cha mẹ, anh em, con cháu của họ vẫn không biết thi thể của họ bị vùi lấp ở đâu.
Thập niên 1980, 1990, nhà cầm quyền nhiều địa phương ở Việt Nam từng tổ chức một số đợt “tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.” Có hàng chục scandal liên quan đến các vụ “tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” đó. Phổ biến nhất là lập khống số lượng hài cốt tìm được và xây mộ giả để lấy tiền. Có nơi như Đồng Nai, các “đồng chí, đồng đội” còn chẻ xương, cắt sọ hài cốt liệt sĩ để tăng số lượng hài cốt tìm được.
Đó cũng là lý do phong trào “tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” xẹp xuống, nhường chỗ cho phong trào “ngoại cảm.” Phong trào nào cũng có nhiều liệt sĩ Cộng Sản Việt Nam “hy sinh” không chỉ một lần. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment