Cơ quan chức năng đã phải huy động lực lượng lớn để "bảo vệ thi công".
Cho rằng đất của gia đình được cấp và sử dụng từ năm 1978 nhưng khi dự án thi công cầu vượt đường sắt và QL1A tại Ngã tư Quán Bánh (TP.Vinh, Nghệ An) không đền bù, một số hộ gia đình xóm 2, xã Nghi Phú đã quyết liệt ngăn cản thi công, gây náo loạn cả một vùng.
Xô xát giữa dân và cơ quan chức năng
Sáng 7.7, UBND TP.Vinh huy động lực lượng đông đảo gồm cảnh sát, dân quân, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể để “bảo vệ thi công” hạng mục thuộc dự án cầu vượt đường sắt và QL1A tại Ngã tư Quán Bánh. Tại đây, họ đã xô xát gay gắt với một số gia đình. Khi thấy công an và lực lượng chức năng xuất hiện, một trong số chủ hộ là ông Phan Tiến Dũng đã đề nghị được gặp người chỉ huy cuộc “bảo vệ thi công” để làm việc, tuy nhiên không thấy ai xuất hiện.
Khi lực lượng chức năng tiến hành bao vây để máy móc thi công, ông Phan Tiến Dũng, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, bà Phạm Thị Hồng và một số người khác đã không đồng tình với việc thi công, có lời nói và một số hành vi ngăn cản.
Xô xát đã nổ ra giữa lực lượng “bảo vệ thi công” và dân. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa nằm lăn dưới chân máy múc, cơ quan chức năng rất vất vả mới đưa được bà này ra khỏi vị trí. Có hai người bị cưỡng chế đưa ra khỏi nơi thi công là ông Nguyễn Viết Cường và Nguyễn Hồng Phúc. Theo người nhà trình bày, hai người này bị đưa về tạm giữ tại trụ sở UBND xã Nghi Phú. Hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo nhau đến xem. Đến trưa, trước lực lượng chức năng đông đảo, hai hộ Nguyễn Thị Hồng và Phan Tiến Dũng đành chấp nhận để máy múc xúc đất ngay sát hiên nhà.
"Quan" xui dân đi kiện
Ông Phan Vĩnh (SN 1933) phản ánh, năm 1992, ông nhận chuyển nhượng của ông Hồ Ngọc Ảnh thửa đất 200m2 tại xóm Tân Phú 2, xã Nghi Phú. Bản đồ đo đạc năm 1993 cho thấy thửa đất của ông Vĩnh có diện tích 197m2. Năm 2002, ông Vĩnh chuyển nhượng đất cho con trai là Phan Tiến Dũng. Tới khi ông làm bìa đỏ vào năm 2004 chỉ còn lại diện tích 161m2, diện tích 36m2 mà ông đã sử dụng từ trước 1993 không được phản ánh vào bìa.
Đến năm 2015, khi thi công dự án cầu vượt đường sắt và QL1A tại Ngã tư Quán Bánh, UBND TP.Vinh không ban hành quyết định thu hồi đất, đền bù cho ông Dũng phần diện tích 36m2 giáp đường, nhưng lại lập phương án đền bù tài sản trên đất.
Ông Dũng và ông Vĩnh có đơn khiếu nại, nhưng UBND TP.Vinh cho rằng, đất trong bìa đỏ hộ ông Dũng chỉ có 161m2, nay thi công không ảnh hưởng đến diện tích nói trên, nên không đền bù.
Tại công văn số 2357 ngày 2.5.2015, UBND TP.Vinh thừa nhận nguồn gốc thửa đất của ông Dũng nhận chuyển nhượng của bố là ông Phan Vĩnh. Năm 1993, bản đồ đo đạc thể hiện thửa đất này có diện tích 197m2. Nhưng đến lần đo đạc năm 2001, thửa đất nói trên chỉ còn 161m2, phần đất 36m2 thuộc về đất “lưu không”.
Khi PV hỏi vì sao không đền bù diện tích 36m2 nói trên cho hộ ông Dũng, ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh - giải thích rằng, phần đất đó "đã được hiến rồi”, đã “giao cho người khác sử dụng rồi”.
Tìm hiểu, PV được biết, các gia đình chưa hiến, đất cũng chưa giao cho ai sử dụng hay chưa có quyết định thu hồi, vậy mà ông Tĩnh lại cho rằng, do từ khi cấp bìa đến nay, các gia đình không có ý kiến gì cả, coi như đã “thu hồi rồi”. “Bìa là chứng lý cao nhất. Nếu việc cấp bìa là sai thì sao anh không kiện đi? Tôi không thể làm việc của anh cấp bìa được. Nếu thế thì anh kiện anh cấp bìa đi, rồi ra tòa mà xử, nếu xử thêm được phần đó thì tôi sẽ lập phương án bổ sung. Còn bây giờ tôi làm đền bù là tôi cứ theo bìa tôi làm”, ông Tĩnh quả quyết.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng (bệnh binh) cũng tương tự hộ ông Dũng. Đất của bà Hồng được cấp và sử dụng từ năm 1978, nhưng sau này làm lại bìa, chính quyền đã “xén” khoảng 60m2 giáp đường. Do đó, nay bà Hồng không được đền bù. Một trường hợp khác là ông Đức đất cũng sử dụng từ trước năm 1990, nhưng nay không được đền bù nên đang tiếp tục khiếu kiện. "Tôi sẽ viết đơn lên UBND tỉnh, lên Bộ trưởng Đinh La Thăng để hỏi về việc này", ông Dũng bức xúc nói.
No comments:
Post a Comment