Thursday, July 2, 2015

VN: Lợi ích và rủi ro khi tham gia AIIB

Theo BBC-1 tháng 7 2015


 Việt Nam đã ký vào điều lệ hoạt động của AIIB hôm 29/6
Việc tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lẫn rủi ro, theo ý kiến một chuyên gia trong nước.
Ý kiến trên được kinh tế gia Phạm Chi Lan đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 1/7.
Trước đó, Việt Nam đã ký vào điều lệ hoạt động của AIIB tại buổi lễ tổ chức ở Bắc Kinh hôm 29/6, với sự có mặt của đại diện từ 57 nước.
Bảy quốc gia là Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi và Thái Lan, đã từ chối ký với lý do chưa được ủng hộ ở trong nước.
Các nước này nói có khả năng sẽ ký vào cuối năm nay.
BBC: Trước hết, bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi và rủi ro mà Việt Nam có được khi tham gia AIIB?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ rằng tham gia ngân hàng AIIB có thể giúp Việt Nam vay vốn để đáp ứng những nhu cầu về hạ tầng.
Việt Nam có nhu cầu rất lớn về hạ tầng để kết nối với các nền kinh tế trong ASEAN. ASEAN cũng có nhu cầu kết nối với các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc.
Nhưng điều quan trọng là khi vay thì điều kiện thế nào và ai sẽ khống chế việc cho vay, cũng như nhà thầu.
Lâu nay các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc thì buộc phải dùng nhà thầu của Trung Quốc, vừa kéo dài thời gian, chất lượng kém, tăng thêm vốn so với dự toán, làm thua thiệt nhiều mặt.
Một ví dụ điển hình là dự án đường sắt trên cao của Hà Nội.
Hôm trước ông Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nói không thay nhà thầu được dù họ làm rất dở, vi phạm nhiều quy tắc về an toàn lao động, gây ra nhiều rủi ro cho người đi đường, làm người dân mất niềm tin về dự án.
Nguyên nhân là vì vay vốn của Trung Quốc nên phải buộc dùng nhà thầu của họ, dù nhà thầu không có kinh nghiệm, không có chất lượng, cũng không có trách nhiệm.
Bao nhiêu rủi ro đó Viêt Nam lãnh hết về phía mình.
Khi vay từ AIIB thì tôi chỉ mong rằng đó là vì đó là ngân hàng quốc tế, có nhiều nước tham gia, nên sẽ giúp giám sát các dự án dùng vốn cho vay tốt hơn, không như các dự song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.
BBC: Các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi cho vay hoặc ra tay cứu trợ các nền kinh tế khác thì luôn kèm theo các điều kiện cải cách sâu rộng. Trung Quốc thì lại luôn nhấn mạnh họ sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của các bên nhận vốn hỗ trợ. Bà có nghĩ đây là cách mà Trung Quốc muốn giảm tầm ảnh hưởng của các định chế tài chính khác hay không?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ Trung Quốc cũng muốn tăng tầm ảnh hưởng theo cách đó.
Nhưng cá nhân tôi thì cho rằng khi vay mà kèm theo cải cách thì cũng là đúng đắn thôi. Việt Nam rất cần học bài học từ Hy Lạp để thấy cải cách là rất cần thiết cho bản thân mình chứ không phải cho chủ nợ.
Tại Việt Nam lâu nay cũng dấy lên mối lo về nợ công. Chính nhà nước cũng nói cải cách đầu tư công là cải cách cần thiết nhất, nhưng chưa làm được.
Những lần hội nhập như Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương tới đây, Việt Nam đều đứng trước sức ép cải cách, nhưng sức ép đó là cần thiết để nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế và những chuẩn mực quốc tế như tính minh bạch, trách nhiệm giải trình các dự án đầu tư công với xã hội.


Không nên coi sức ép từ các tổ chức cho vay là điều xấu. Nếu bản thân có nhu cầu cải cách thực sự thì điều đó sẽ làm thúc đẩy động lực cải cách ở trong nước.
Việt Nam cần học bài học từ Hy Lạp để biết rằng không phải khi nào những khoản vay dễ dãi, không kèm theo các điều kiện cải cách, cũng là tốt. Những khoản vay đó sau này lại trở thành gánh nặng nợ mà người dân, đất nước phải trả.
BBC: Nếu không kèm theo các điều kiện cải cách thì ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng rõ ràng sẽ đứng trước nhiều rủi ro khi cho vay. Theo bà họ dựa vào những cơ sở nào để chấp nhận rủi ro này?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Trung Quốc có nguồn lực rất lớn về tài chính để có thể cho vay. Họ cũng dư thừa lực lượng xây dựng, sản xuất cũng như vật tư và muốn kiếm chỗ để đầu tư.
Ngay cả khi có rủi ro cho họ thì cũng có thể bù đắp lại bằng lãi mà các công ty Trung Quốc kiếm được khi tham gia các dự án.
Một số nhà tài trợ song phương cũng thường tính theo cách đó, muốn cho nước khác vay để có tiền tiêu thụ hàng hóa của họ và có việc làm cho công ty của họ.
BBC: Theo bà liệu việc gia nhập AIIB có khiến Việt Nam xa dần ra khỏi các hoạt động hợp tác với IMF hay Ngân hàng Thế giới không?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Tôi tin là Việt Nam vẫn tiếp tục gắn bó với IMF, Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á, là những tổ chức đã giúp Việt Nam về nhiều mặt lâu nay, thông qua vốn ODA hay các chương trình cải cách theo hướng thị trường.
Việt Nam vẫn chưa cải cách được theo đúng mong muốn của mình, và chính Việt Nam ý thức được điều đó, chứ không phải do sức ép từ Ngân hàng Thế giới hay IMF. Nhiều khi ở trong nước, chúng tôi vẫn cho là tiếng nói của các tổ chức này vẫn chưa đủ mạnh để Việt Nam phải cải cách.
Tôi cũng không cho rằng việc tham gia AIIB sẽ làm giảm nhẹ ý muốn cải cách tại Việt Nam, vì yêu cầu cải cách cũng như định hướng cải cách tại Việt Nam thì đã quá rõ rồi.
Không một lãnh đạo nào tại Việt Nam dám khước từ nhu cầu cải cách của Việt Nam. Tất cả các lãnh đạo của Đảng, Quốc hội hay chính phủ đều nói đến cải cách và chính nghị quyết của Đảng Cộng sản cũng thừa nhận Việt Nam phải tiến hành cải cách.
Chiến lược 10 năm từ 2011-2020 bao gồm ba cải cách chiến lược, trong đó đứng hàng đầu là cải cách thể chế. Tái cơ cấu kinh tế cũng đòi hỏi cải cách đầu tư công, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng. Đây là các cải cách mà chính quyền đã đề ra và đang dẫn dắt.
Tôi không nghĩ việc tham gia ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng sẽ làm giảm nhẹ nhu cầu cải cách tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment