TP - Lực lượng Bộ đội Biên phòng huyện Lý Sơn xác nhận, thêm một tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cướp phá trắng trợn ở vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 28/6.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản quanh khu vực biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Vnexpress.
“Tình hình mỗi lúc một căng, từ đầu năm đến giờ bà con không làm ăn gì được. Chưa thời điểm nào phía Trung Quốc vây cướp, bố ráp ngư dân quyết liệt như hiện nay. Ngư trường đang dần hẹp lại”, ông Lê Khuân Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết
Cướp sạch
Sáng 1/7, sau khi cho tàu QNg 96093 vào Lý Sơn, làm thủ tục trình báo với chính quyền và lực lượng BĐBP huyện Lý Sơn và được xác nhận về vụ bị tàu Trung Quốc cướp hải sản, xua đuổi tàu ở Hoàng Sa, anh Nguyễn Chí Thạnh (thôn Tây, An Hải, Lý Sơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng cho tàu vào cảng Sa Kỳ sửa chữa để tiếp tục vươn khơi.
Anh Thạnh kể, tàu cá QNg 96093 có 12 ngư dân vừa bị Trung Quốc truy đuổi, khống chế, cướp phá tài sản khi đang đánh bắt ở vùng biển gần đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam). Chuyến biển kéo dài được gần 12 ngày, đến ngày 28/6, khi tàu anh lâm nạn. “Lúc đó khoảng 9 giờ, khi đang đánh bắt cách đảo Bạch Quy về phía Nam khoảng 1 hải lý thì xuất hiện hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 44044 và 33101, hai tàu này liên tục phát loa rồi áp sát, cho người nhảy lên tàu tui, cướp toàn bộ 3 tấn cá thành quả mấy ngày đánh bắt. Chưa hết, họ lấy luôn 1 máy định vị, 5 bành dây hơi và một số thiết bị nghề cá khác, ước thiệt hại trên 130 triệu đồng” - anh Thạnh kể. Chưa hết, toàn bộ gạo, thức ăn, nước ngọt… cũng bị lấy sạch. Riêng dầu chỉ đủ cho tàu anh Thạnh chạy về tới bờ.
Khốn khổ vì bị cướp liên tục
Khốn khổ vì bị cướp liên tục
Riêng tàu của anh Nguyễn Chí Thạnh đã nhiều lần bị cướp, đánh đập ở Hoàng Sa. Anh Thạnh kể, mùa biển năm 2014, anh 2 lần gặp nạn tại ngư trường Hoàng Sa, lần đầu vào cuối tháng 6, trong lúc giong tàu vươn khơi ra Hoàng Sa, vì bất cẩn nên con tàu cá trị giá gần 1 tỷ đồng đã bị ngọn lửa thiêu cháy rụi, 15 lao động trên tàu phải lênh đênh “đu” nhau trên biển gần một ngày mới được tàu Hải quân phát hiện và kịp thời ứng cứu. Sau tai nạn đó anh gần như trắng tay.
Cuối năm 2014, anh vay mượn bạn bè, người thân mua con tàu cá công suất 260 CV, trị giá trên 1 tỷ đồng để vươn khơi làm ăn, ngay chuyến biển đầu tiên, tàu bị Trung Quốc tấn công, cướp toàn bộ ngư cụ tại ngư trường Hoàng Sa, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng, trở về bờ với xác con tàu, anh kiệt quệ, bởi bao nhiêu tài sản, vốn liếng đều bị cướp, phá hết. Năm 2009, anh Nguyễn Chí Thạnh cũng là một trong 3 thuyền trưởng bị bắt giữ ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Sau đó, Tiền Phong là tờ báo đầu tiên phản ánh vụ việc ngư dân Quảng Ngãi thường xuyên bị cướp ở Hoàng Sa. Vụ việc được cấp Trung ương lên tiếng can thiệp và sau đó, anh Thạnh trở về nhưng tàu bị thu giữ.“Từ đầu năm đến nay, chính quyền và các ngành chức năng của huyện liên tục nhận được phản ánh của ngư dân bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa. Chúng tôi đã chỉ đạo cho các ngành chức năng và Nghiệp đoàn nghề cá hỗ trợ kịp thời để ngư dân khắc phục hậu quả, yên tâm sản xuất”.Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn
Ông Lê Khuân cho biết: Vài năm trở lại đây, nhiều ngư dân Lý Sơn tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa liên tục bị tấn công, cướp tài sản, trong số đó có không ít ngư dân đã trở nên trắng tay vì mất toàn bộ tài sản, vốn liếng, nếu tình trạng này kéo dài e rằng việc làm ăn của ngư dân sẽ ảnh hưởng, chúng tôi mong rằng cần có sự hỗ trợ và bảo vệ ngư dân để họ yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích, 6 tháng đầu năm nay, đã có 23 tàu cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc cướp tài sản, uy hiếp xua đuổi. “Trung bình mỗi tháng có 4 tàu bị cướp”, ông Thích cho biết.
No comments:
Post a Comment