Sunday, July 5, 2015

Việt Nam đổi mới lần hai?


Dư luận Việt nam trong thời điểm hiện nay đều hướng về một chủ đề: Phải chăng Việt Nam đang bước vào cánh cửa đổi mới lần thứ hai.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, người có vai trò quyết định trong chính sách mở cửa năm 1986, dư luận không quan tâm nhiều đến bài diễn văn đề cao lịch sử mở cánh cửa sống còn của chế độ, mà toàn bộ sự quan tâm hướng về chuyến đi thăm chính thức Hoa Kỳ của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
26 năm trước, ông Nguyễn Văn Linh và những lãnh tụ chủ chốt của công cuộc đổi mới sang Trung Quốc.
Tuy còn nhiều điều chưa rõ trong các mục đích không công khai của chuyến đi này nhưng hẳn nhiên mô hình đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị theo kiểu Trung Quốc là trọng tâm chọn lựa xuyên suốt.
Bây giờ, 26 năm sau, lần đầu tiên, nước Mỹ tự do - dân chủ phá lệ đón ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ thực quyền của độc đảng cầm quyền nhưng không có chính danh quan chức nhà nước; qua đó, dư luận người Việt trong và ngoài nước đang đặt câu hỏi.
Phải chăng, các mục tiêu về kinh tế và các mục tiêu khác, trong chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là bước đệm để hướng đến nội dung mở cửa về chính trị, đổi mới Việt nam lần thứ hai?

Biển Đông tạo thời cơ

null

Ông Trọng gặp cựu Tổng thống Clinton ở Hà Nội hôm 02/07
Nếu tin rằng việc Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng bí thư cộng sản Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng nhằm phát ra tín hiệu Việt Nam sẽ đổi mới chính trị thì yếu tố biển Đông phải được coi là hàng đầu.
Mỹ chủ động chiến lược xoay trục về Châu Á, Việt Nam xoay trục về phía Mỹ cũng là chủ động chiến lược.
Đừng đặt ra lúc này là Việt Nam xoay trục toàn diện hay chỉ là từng bước. Sự bức bách tham vọng phi pháp của Trung Quốc chiếm trọn biển Đông dồn Việt Nam vào cận cảnh mất hết chủ quyền biển; và điều đáng phẫn nộ có thể thấy qua phát ngôn điển hình từ một tướng Trung Quốc rằng: Mỹ có thể tuần tra biển Đông nhưng Nhật thì không.
Người ta thấy trong tầm nhìn hướng ra biển của Trung Quốc không hề có Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền vùng biển Đông.
Có thể, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và sẽ quân sự hóa trái pháp luật quốc tế là hướng về đại cục tranh giành vị thế cường quốc Thái Bình Dương với Mỹ và nhằm trọng tâm vào Nhật Bản, quốc gia lệ thuộc sinh tử vào tuyến hàng hải quốc tế này.
Sau nhiều năm thụ động yếu ớt phản đối và trước sức ép ngày càng quyết liệt của dư luận, chính thể Hà Nội chọn xoay trục về phía Mỹ không chỉ chứng minh với Trung Quốc là vẫn có tư thế quyết định tương quan cán cân bàn cờ của cả vùng Thái Bình Dương, mà còn cứu lấy sinh mạng chính trị của mình trước phán quyết lòng dân.
Dù Trung Quốc hứa hẹn Thái Bình Dương đủ rộng cho cả hai siêu cường và Mỹ có lợi ích không phải là hạng hai nếu chia đôi với Trung Quốc, nhưng hẳn là người Mỹ vốn đang bá chủ đại dương đã nghĩ. Sao tôi phải ăn chia với anh trên cái thuộc về tôi.
Điều trớ trêu là hơn 40 năm trước, Mỹ ngó lơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng hòa trong tay chế độ cộng sản, thì hôm nay Hoa Kỳ đặt cặp đôi cơ hội giữ chủ quyền biển Đông và đổi mới chính trị vào tay chế độ Hà Nội.

Bị chọn hay được chọn?


null

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nhật hoàng Akihito tại Tokyo hôm 03/07
Những ngày đầu tháng 7/2015, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nước sông Mê Kông- Nhật Bản, diễn ra ở Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày và nhấn mạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế VN nhằm đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế về kinh tế thị trường.
Trước thềm là một thành viên của Khối kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, thì tiêu chuẩn về một nền kinh tế thị trường thật sự không thể tách rời những chuẩn mực về một nền chính trị dân chủ đa nguyên.
Thế thì những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Hà Nội để Việt Nam được là thành viên chính thức của TTP là sự tự nguyện chọn lựa không chỉ về lợi ích kinh tế mà nội hàm nhằm cả nội dung đổi mới về chính trị.
Đổi mới các nguyên tắc chính trị cốt lõi nào? Minh bạch các giá trị dân chủ và dân quyền ra sao? Hẳn nhiên là điều mà chính thể Hà Nội không thể gật đầu để được việc rồi lại làm theo kiểu được chim quên ná vì họ được quyền chọn và đã chọn.
Dư luận từ các giới quan sát thời cuộc có khuynh hướng thân nhà nước đã cho rằng. Việt Nam đã và đang nắm bắt được thời cơ. Theo họ, công cuộc đổi mới chính trị sẽ là cơ may cứu đảng cầm quyền và họ tin, nếu đảng chấp nhận lộ trình đổi mới thì đảng sẽ tiếp tục cầm quyền nhiều thập niên nữa.
Phía số đông đối lập thì hoài nghi việc chế độ nghiêm túc thực hiện các cam kết, nhưng vẫn hình dung việc ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ lần này cũng do yếu tố đảng cộng sản cầm quyền bị dồn vào thế phải chọn đổi mới để cứu sinh mệnh chính trị của đảng.
Nếu có tâm điểm chung nào đó giữa hai luồn dư luận lúc ông nguyễn Phú Trọng đặt chân lên đất Mỹ thì điều đó là: Cột mốc đầu tiên, khả tín của con đường đổi mới chính trị đã hiện hữu.
Đổi mới chính trị sẽ có đủ cơ hội cho tất cả khuynh hướng chính trị nổi và ngầm, trong và ngoài Việt Nam, trong đó trước mắt là đảng cầm quyền giữ được quyền chủ động chính trị cho tương lai của chính họ.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của ông Trần Tiến Dũng từ Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment