Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-05
Một loại san hô biển-Smithsonian
Tình trạng những khu vực san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông bị hủy hoại do hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành được giới khoa học quốc tế lên tiếng.
Trong khi đó những rạn san hô dọc ven bờ biển dài của Việt Nam lâu nay thế nào và được bảo vệ ra sao?
Câu trả lời được giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang giải đáp trong cuộc trả lời phỏng vấn của biên tập viên Gia Minh sau đây. Trước hết giáo sư Nguyễn Tác An trình bày.
Giáo sư Nguyễn Tác An: Tại Việt Nam vừa qua có điều đáng báo động là lượng san hô của Việt Nam có thể giảm đến 30%. Tại Khánh Hòa nơi tôi đang ở được đánh giá có san hô đa dạng nhất Việt Nam, gần bằng Philippines với 410 loài, thì Khánh Hòa có 385 loài.
Thế nhưng do sự phát triển chưa hợp lý cộng với nhiệt độ nóng lên từ đó san hô bị hủy hoại tương đối nhiều. Nếu với xu thế như vậy thì khoảng 30 đến 50 năm nữa, ven bờ Việt Nam sẽ không còn cảnh quan về san hô như hiện nay.
Ngay ở tỉnh ( Khánh Hòa) chúng tôi đang họp để bàn lại, đề xuất địa phương và Nhà nước phải tiến hành cấp tốc công tác bảo tồn, bảo vệ những rạn san hô có nguy cơ bị hủy hoại.
Trước mắt phải xác định lại rất cụ thể nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Và về mặt kỹ thuật, trước đây tôi cũng chủ nhiệm đề tài nuôi cấy san hô nhân tạo, cất công làm cho ven bờ và có kết quả, đã phục hồi lại một số rạn san hô, phục hồi lại các nguồn lợi sinh học trong các rạn ( san hô). Nhưng sau đó chuyển giao cho ngư dân để họ thực hiện, vì sinh kế nên họ không làm tốt được.
Vấn đề cực kỳ khó khăn nhưng từ góc độ đề xuất vừa qua thì địa phương cũng như nhà nước; nhất là những địa phương phát triển kinh tế biển như Khánh Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo… người ta đang tập trung lại để bàn về cách bảo vệ, bảo tồn như thế nào. Việc này đang còn tiến hành.
"Điều quan trọng nhất là khoa học có thể làm được; nhưng người thực sự phát triển ra chính là cộng đồng ngư dân ven biển. Khó khăn hiện nay là làm sao cho ngư dân đồng lòng và Nhà nước tạo ra sinh kế để họ ( ngư dân) thực hiện những việc như vậy"-Giáo sư Nguyễn Tác An
Gia Minh: Nhưng giáo sư nói chỉ còn chừng từ 30 đến 50 năm nữa ( sẽ không còn cảnh quan san hô ven biển Việt Nam như hiện nay) mà không ra được những kế hoạch cụ thể thì tình hình cũng nguy cấp lắm phải không?
Giáo sư Nguyễn Tác An: Đến nay tuy chậm nhưng nếu không thực hiện được những đề tài đã nghiên cứu mà trước đây tôi thực hiện đề tài san hô với kinh phí 4 tỷ đồng làm được những mô hình nuôi cấy san hô và phục hồi nó rồi tạo ra được cảnh quan san hô phục hồi sau 3 năm; kết quả khả quan và tất cả đều được chuyển giao cho người ngư dân. Điều quan trọng nhất là khoa học có thể làm được; nhưng người thực sự phát triển ra chính là cộng đồng ngư dân ven biển. Khó khăn hiện nay là làm sao cho ngư dân đồng lòng và Nhà nước tạo ra sinh kế để họ ( ngư dân) thực hiện những việc như vậy.
Mặc dầu đã ra quyết định nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, hủy hoại, tàng trữ, vận chuyển, mua bán. Nhưng tình trạng khai thác san hô vẫn không ngăn chặn được (Đá san hô khai thác trái phép bị tạm giữ ở UBND xã Bình Hải)
Vấn đề này khó nhưng nếu không làm thì sẽ mất hết các nguồn lợi, mất hết tiềm năng để phát triển những ngành kinh tế khác nữa như nghề nuôi cá, đánh cá, du lịch … và nhiều thứ khác mất theo.
Nhà nước đã thấy chuyện này.
Gia Minh: Ông nói ngư dân là người thực hiện quan trọng, vậy ngoài việc tạo sinh kế thì việc giáo dục cho họ được thực hiện đến đâu rồi?
"Phát triển kinh tế biển, khoa học biển thì Việt Nam thường dựa vào sự hợp tác quốc tế vì thực tế tiềm lực để nghiên cứu, để phát triển, rồi tiềm lực kinh tế, tiềm lực tri thức- công nghệ của Việt Nam ở mức độ ‘khiêm tốn’-Giáo sư Nguyễn Tác An
Giáo sư Nguyễn Tác An: Hiện nay có nhiều giải pháp để tạo ra sinh kế cho ngư dân, cho cộng đồng kinh tế ven biển. Ví dụ ngoài những nghề truyền thống của họ như nuôi trồng thủy sản, nuôi bè, lồng, nuôi tôm, rồi phục hồi rừng ngập mặn …, hổ trợ cho họ đầy đủ những điều kiện để tiến ra khai thác xa hơn, còn có những ngành nghề khác như du lịch biển ‘homestay’ để làm sao họ cũng được tham gia và hưởng lợi trong ngành kinh tế này. Tất cả những việc này đã được ‘nhem nhóm’ đề xuất lên và hiện nay đang triển khai thí điểm. Và xây dựng các khu công nghiệp ven biển để giản cư dân ở khu vực này ra
Đó là những giải pháp mà Nhà nước đang làm nhưng hiệu quả thì thời gian sẽ đánh giá và sẽ bổ sung những gì chưa tốt.
Theo các nhà khoa học, nếu như Nhà nước không quyết tâm bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học sẽ dẫn đến mất an ninh là tất nhiên!
Gia Minh: Và cần có hợp tác xuyên quốc gia, thì các nước hợp tác với Việt Nam ra sao và Việt Nam tận dụng sự hợp tác nảy như thế nào để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực bảo vệ san hô cũng như môi trường vùng biển?
Giáo sư Nguyễn Tác An: Anh cũng biết phát triển kinh tế biển, khoa học biển thì Việt Nam thường dựa vào sự hợp tác quốc tế vì thực tế tiềm lực để nghiên cứu, để phát triển, rồi tiềm lực kinh tế, tiềm lực tri thức- công nghệ cũa Việt Nam ở mức độ ‘khiêm tốn’. Do đó Việt Nam cũng đã ký kết được khoảng 10 hiệp ước để hợp tác với các nước nghiên cứu. Như sắp đến sẽ tiếp tục chương trình gọi là nghiên cứu sinh thái nhiệt đới, và những giải pháp phục hồi san hô mà trước đây tôi làm chủ trì mà chủ yếu có sự cộng tác của các chuyên gia nước ngoài.
Vừa rồi trong hội nghị quốc tế về hợp tác phát triển công nghệ-kỹ thuật biển có một khó khăn rất cơ bản: đó là các nước bây giờ vấn đề an ninh biển trở nên hàng đầu từ đó mô hình báo cáo càng ngày càng khó khăn hơn vì không nước nào mất chủ quyền, an ninh của mình. Hợp tác quốc tế gặp trục trặc như thế; nhưng tôi nghĩ điều đó có thể khắc phục được vì thực ra việc bảo vệ san hô, bảo vệ đa dạng sinh học biển không phải là vấn đề của một quốc gia nào hết mà đó là một vấn đề của khu vực, vấn đề của quốc tế mà theo tôi nghĩ IOC sẽ làm chuyện này và hợp tác quốc tế sẽ có thiện chí hơn.
Gia Minh: Cám ơn giáo sư.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hw-r-costal-reef-protect-07052015053038.html/07052015-hw-r-costal-reef-protect.mp3
No comments:
Post a Comment