Trung Quốc thách thức Mỹ
Dù không đề cập rõ thời điểm cụ thể việc hoàn tất quá trình cải tạo phi pháp nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định cho biết sau khi cải tạo xong, họ sẽ “xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện đầy đủ các chức năng kèm theo”. Phía Trung Quốc còn gửi thông điệp cứng rắn rằng 7 hòn đảo được họ "làm móng" xong sẽ được xây dựng phục vụ mục đích quân sự bên cạnh chức năng cứu nạn, nghiên cứu môi trường. 
Đây là những hòn đảo và đá thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp. Sau thời gian âm thầm cải tạo, giờ Bắc Kinh đã dám đăng đàn công khai nói về việc bồi đắp các đảo bất chấp luật pháp quốc tế. Đó giống như một lời thách thức ngang nhiên với cộng đồng quốc tế, mà hơn hết là Mỹ. 
Tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc được đưa ra lúc này không khác gì sự đáp trả những phê phán của Mỹ. Bởi 3 ngày trước khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc cải tạo đảo trái phép trên quần đảo Trường Sa. 
Đây không phải lần đầu tiên, Mỹ - Trung đốp chát về vấn đề Trung Quốc cải tạo phi pháp các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa. Hồi tháng 4, Hải quân Mỹ đã ra báo cáo cho biết Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo nhân tạo trong vùng biển quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), và “dường như xây nhiều cơ sở lớn hơn, có thể hỗ trợ cả hai mảng thực thi luật hàng hải cùng các hoạt động hải quân”. 
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đăng đàn nói bất chấp lý lẽ: “Các hoạt động xây dựng có liên quan hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Điều đó là công bằng, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào”. 
Việc Trung Quốc ngang nhiên nhận chủ quyền ở Trường Sa khiến Tổng thống Mỹ phải trực tiếp lên tiếng. Giữa tháng 4, khi công du Jamaica, ông Barack Obama đã tuyên bố thẳng thừng: “Điều chúng tôi quan ngại là Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và đang sử dụng sức mạnh của mình để buộc các nước khác phải phục tùng”.
Liệu Mỹ có tuốt gươm khỏi vỏ?
Về mặt chiến lược và giao thương hàng hải, Biển Đông là chìa khóa trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ. Hằng năm, có tới 50% (trong 160 triệu tấn dầu) và 70% hàng hóa của Trung Quốc đi qua khu vực này. Trung Quốc không muốn huyết mạch của họ trong tay kẻ khác nên họ muốn kiểm soát Biển Đông bằng mọi giá, kể cả thiết lập cơ sở quân sự phi pháp trên Biển Đông. 
Nhưng cũng có tới 90% hàng hóa của Mỹ và hàng hóa đồng minh chuyên chở qua Biển Đông. Với Nhật Bản, 70% lượng dầu nhập khẩu và 42% lượng hàng hóa xuất khẩu phải đi qua vùng biển này... Nếu Trung Quốc kiểm soát được vùng Biển Đông thì họ giống như nắm được mạch máu của nền kinh tế Mỹ, Nhật. Khi ấy, Mỹ và Nhật sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc và dễ nhồi máu cơ tim nếu bị Trung Quốc phong tỏa huyết mạch. 
Cả Mỹ và Nhật đều hiểu rằng không thể để Trung Quốc độc bá Biển Đông và phải ngăn chặn Bắc Kinh biến các đảo, đá thành căn cứ quân sự giữa vùng biển Trường Sa. Các đảo, đá bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành căn cứ quân sự ở Trường Sa giống như cục máu đông với huyết mạch kinh tế của Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, việc chỉ cử tàu chiến qua lại để thực thi quyền tự do hàng hải hay cho máy bay “đi dạo” trên vùng trời Biển Đông liệu có đủ để răn đe Trung Quốc? 
Hơn nữa, Mỹ và Nhật cũng ý thức được rằng sở dĩ Trung Quốc giờ đây ngang nhiên thách thức cộng đồng quốc tế chuyện Biển Đông là do họ tự tin về sức mạnh quân sự do có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt là việc tác chiến xa bờ. 
Báo cáo của tình báo hải quân Mỹ cho biết về một số mặt hải quân Trung Quốc hiện giờ lớn hơn lực lượng của Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Philippines (những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc) cộng lại. Riêng từ năm 2012 đến 2015, hải quân PLA có thêm 50 tàu chiến, tăng 25% tổng lực lượng. Không những vậy, tốc độ “đẻ tàu” của hải quân PLA trong tương lai sẽ không ngừng lại mà tỷ lệ thuận với tham vọng của Bắc Kinh. Điều đáng nói, các tàu chiến mới đóng của Trung Quốc được đánh giá là khá hiện đại dù chưa được thử lửa thật sự. 
Chẳng hạn khu trục hạm mới nhất của hải quân PLA thuộc lớp Lạc Dương III có thể trang bị ASSM YJ-18. Loại tên lửa này được cải tiến có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn các tên lửa cũ và là sát thủ với tàu nổi của Mỹ. Chuyên gia quân sự Andrew Erickson của Trường hải chiến Mỹ nói rằng tên lửa YJ-18 “đặt ra những thách thức nguy hiểm cho hệ thống phòng không của tàu chiến Mỹ và đồng minh”. 
Ngoài ra, hải quân PLA còn tin vào những cú đấm chìm là lực lượng tàu ngầm. Tình báo Hải quân Mỹ cho biết hải quân PLA hiện có 5 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân, 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể gắn đầu đạn hạt nhân, và 57 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel. Trong tương lai số tàu này còn đông hơn nữa nên họ tự tin có thể đối phó với cả hạm đội 7, hạm đội 3 thậm chí cả hạm đội 5 của Mỹ nếu "có biến" ở Biển Đông. 
Trong mọi trường hợp, Mỹ muốn làm chủ Biển Đông mà không phải đối đầu trực diện với Trung Quốc. Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh là giúp các nước láng giềng có chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền. Với Nhật, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã sửa đổi hiến pháp để có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể và gửi nhiều gói viện trợ quân sự cho các nước ASEAN.
Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông nhiều hơn và gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Hậu thuẫn quân sự, ủng hộ ngoại giao với các nước có lợi ích hợp pháp tại Biển Đông là cách mà Mỹ đang gắng làm để chống lại tham vọng Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng và đe dọa sức mạnh thống trị của Mỹ thì liệu gươm của Mỹ còn để mãi trong vỏ?
Thảo Anh/Duyên dáng Việt Nam