Thursday, July 30, 2015

Nhiều lo ngại Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông

WASHINGTON, DC (NV) - Giới chuyên viên, chính trị gia chung một sự lo ngại là Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) trên Biển Đông ở một thời điểm nào đó như đã từng làm tại biển Hoa Đông.


Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc tại Manila ngày 10 Tháng Bảy. (Hình: JAY DIRECTO/AFP/Getty Images)

Họ tin rằng vấn đề chỉ còn là thời gian khi các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, mà Trung Quốc đang gấp rút tiến hành, hoàn tất mọi sự xây dựng cơ sở, cảng biển, phi trường biến những nơi này thành các cứ điểm quân sự quy mô, tân tiến trong tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

“Họ (Trung Quốc) xây dựng phi đạo, họ sẽ mang võ khí đến đó, và chuyện kế tiếp mọi người sẽ thấy Trung Quốc sẽ làm là khi máy bay Hoa Kỳ bay ngang, dù máy bay dân sự hay quân sự, họ sẽ đòi phải khai báo, tức là thiết lập ADIZ (Air Defense Indentification Zone), được hiểu là họ xác định chủ quyền lãnh thổ,” Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Mỹ, nhận định như thế khi nói chuyện ở Viện Nghiên Cứu Hudson tại Washington, DC, hồi tuần trước, theo tường thuật của đài VOA.

Hồi Tháng Mười Một, 2013, Bắc Kinh gây ngạc nhiên cho các nước trong khu vực và cả thế giới khi họ tuyên bố thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông, nơi có cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật về quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Hoa Kỳ, Nhật và nhiều nước khác không công nhận lời tuyên bố vừa kể của Bắc Kinh. Ngay thời gian đó, Hoa Kỳ và Nhật đã cho phi cơ quân sự bay qua vùng đó mà không thông báo trước nhưng không thấy Bắc Kinh dọa bắn.

ADIZ là vùng không gian trên đất liền hoặc trên biển thuộc chủ quyền của một nước được loan báo để đòi phi cơ của các nước khác phải khai báo để kiểm soát các lộ trình bay, phục vụ nhu cầu an ninh lãnh thổ.

Nam Hàn và Nhật cũng từng tuyên bố ADIZ ở vùng xa bên ngoài không phận của nước họ và chồng lấn với nhau. Khi thiết lập ADIZ, nước tuyên bố có thêm thời gian cần thiết để phản ứng khi có các phi cơ của địch xâm phạm.

Khu vực Biển Đông là vùng đang có tranh chấp chủ quyền của nhiều nước gồm cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Các nước phía Nam yếu sức về quân sự so với Trung Quốc nên Bắc Kinh ngang nhiên lấn tới, xây dựng một loạt bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Theo nhận định của ông Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc (Australia Strategic Policy Institute), Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông sau khi ông Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ vào Tháng Chín tới đây.

“Sau thời điểm đó, và sau khi nước Mỹ kẹt trong mùa tranh cử tổng thống, tôi có cảm tưởng rằng Trung Quốc sẽ đi bước kế tiếp này nhằm củng cố sự kiểm soát khu vực,” ông Jenning nói trong cuộc hội thảo về tranh chấp Biển Đông tại Việt Nghiên Cứu Chiến Lược và Chính Sách (CSIS) ở Washington, DC, ngày 21 Tháng Bảy vừa qua.

Gần đây, trong một cuộc điều trần tại Hạ Viện Mỹ về vai trò của Hoa Kỳ đối với an ninh trên Biển Đông, ông Andrew Erickson, một giáo sư tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, nói rằng ông tin Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông trong vòng hai năm.

Theo ông, Trung Quốc đã xây dựng phi đạo dài 3,000 mét trên đảo nhân tạo Đá Thập cùng với những căn cứ lớn tại đây. Sự sử dụng hợp lý nhất của phi trường tại đây là hậu thuẫn cho lời tuyên bố ADIZ của Trung Quốc trong tương lai.

Theo ông Erickson, không có luật lệ nào cấm Trung Quốc lập ADIZ. Tuy nhiên, cũng theo ông, Hoa Kỳ phải quan tâm về cách Trung Quốc quản lý ADIZ thế nào.

“Đó là cách Trung Quốc áp dụng cho tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông. Họ tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp khi máy bay bay vào vùng này mà không theo các đòi hỏi của Trung Quốc.”

Theo ông Erickson nhận định, "điều đó ngược với các nguyên tắc căn bản của luật lệ quốc tế.”

Khi bị chất vấn tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực Shangri-La ở Singapore cuối Tháng Năm vừa qua, Tướng Tôn Kiến Quốc, phó tổng  tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đe dọa rằng Bắc Kinh có thể thiết lập ADIZ tại Biển Đông khi nào họ muốn.

Hồi giữa Tháng Sáu vừa qua, ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Châu sự vụ, nói với báo giới rằng các bãi đá ngầm nay đã thành các đảo nhân tạo rộng lớn và có triển vọng trở thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa di ngược lại với mục đích làm giảm căng thẳng vùng này.

Ngày Thứ Ba vừa qua, Trung Quốc mở cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông với sự tham gia của ít nhất 100 chiến hạm cùng hàng chục máy bay, các tiểu đoàn pháo binh và hỏa tiễn không ngoài mục đích phô trương sức mạnh quân sự, đe dọa các nước khác tranh chấp chủ quyền biển đảo. (TN)

07-29- 2015 5:21:26 PM

No comments:

Post a Comment