Ngày hôm nay, 30 tháng 7 năm 2015, sau 4 năm rong ruổi “chạy giặc”, tôi ở chốn tha hương gieo xuống bàn phím những dòng chữ viết về anh. Còn anh, vẫn đang phải một mình đối chọi với bóng đêm, cô đơn sau song sắt của nhà tù oan nghiệt, hứng chịu những cực hình của những người “đầy tớ” khát máu.
Vươn lên từ nghèo khó
Đặng Xuân Diệu |
Anh - một con người kỳ dị với tính cách khác thường so với mọi người. Nhưng có lẽ, những điều kỳ dị đó đã giúp anh kiên cường và vững chãi trong suốt 4 năm qua - trong tổng số 13 năm tù mà anh đang gánh chịu.
Với tư cách là một người em, tôi hết sức kính phục anh. Anh cũng chính là một tấm gương mẫu mực để cho tất cả những anh em trong nhà và bạn bè noi theo.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo, cha mất sớm, các anh em phải đỡ đần nhau để cùng lớn lên và trưởng thành.
Từ nhỏ, anh đã luôn xuất sắc và đi đầu trong việc học tập. Mặc dù hoàn cảnh gia đình éo le, hàng ngày anh phải vừa đi học, vừa phụ giúp các anh chị lo toan công việc. Nhưng thành thích học tập của anh vẫn luôn đứng “top”.
Tôi vẫn nhớ mãi những câu chuyện mà cha tôi kể về anh để nhắc nhở chúng tôi làm gương.
Từ cách ăn mặc giản dị của anh với mỗi năm chỉ 2 chiếc áo sơ mi để đi học, hay chiếc dép đứt được gắn đi gắn lại, đến việc mỗi đêm mùa đông anh đều cởi trần nằm ngủ để đến sáng sớm bị lạnh mà thức dậy học bài... Tôi đã thần tượng anh từ khi còn bé qua những câu chuyện cha tôi kể.
Tấm gương Đặng Xuân Diệu
Lớn lên, anh thi đậu một lúc 3 trường đại học, và theo học trường ĐH bách khoa Đà Nẵng. Ra trường, anh được nhận vào làm tại sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên cũng chỉ được thời gian vài ba năm thì anh xin nghỉ để lập công ty riêng, theo lời anh kể thì ở đó quá nhiều tiêu cực và những thứ “chướng tai gai mắt”. Anh không thể sống và làm việc trong môi trường như vậy nên dứt áo ra đi. Rõ ràng là vậy, anh ghét phải luồn cúi hay phải bợ đỡ cho kẻ khác, ghét phải nhìn thấy cảnh ăn chia, đút lót, hối lộ…
Rồi anh trở thành giám đốc môt công ty xây dựng, kể ra và tưởng tượng thì rõ là oai, nhưng ngược lại thì hoàn toàn khác nếu tiếp xúc với anh.
Với một vóc người nhỏ con trên một chiếc dream cũ, nhìn vào không ai nghĩ được anh là một doanh nhân hay một giám đốc.
Anh thường hay đùa rằng: “Bây thấy tau có oai không, giám đốc đi siêu xe” rồi cười. Anh tự cười trong sự mãn nguyện.
Tính anh là vậy, giản dị, không thích sự hào nhoáng ở cái vỏ bọc bên ngoài. Đối với anh, thay vì những đồng tiền để đổ vào những khoản hào nhoáng như vậy thì vẫn có thể dùng để giúp người khác làm nhiều việc tốt hơn.
Lạc quan, yêu đời
Ngôi nhà anh ở cũng chỉ là một ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, nóng gắt khi mùa hè đến và ngập nước lênh láng mỗi khi mưa về. Nhưng đối với anh như vậy đã là quá đủ.
Tôi nhớ những mùa đông rét căm, đang ở trong nhà bỗng nghe tiếng anh ở ngoài sân vừa dội nước tắm vừa nhảy và kêu “Ôi ấm, ấm quá, ấm quá”. Tưởng thật tôi lên nhảy phăng ra tắm luôn, vừa xối nước lên mình thì giật nảy lên vì cóng lạnh, rồi anh cười và nói “Mi cứ kêu ấm là hết lạnh, không thì kêu nóng cũng được cứ kêu vậy cho hàng xóm nó tưởng mình có nóng lạnh”.
Chỉ một câu đùa đó thôi cũng khiến cho bất cứ ai tiếp xúc với anh cũng cảm thấy thích thú.
Hay những lần nhà có khách đến chơi, anh đứng ngoài sân đón khách và nói vọng vào trong nhà “Mấy thằng mở tủ lạnh bỏ kí thịt voi ra xả đông lát mà nấu” (thật ra nhà không có tủ lạnh), rồi cả nhà cười hả hê.
Có những đêm anh đi ăn cùng khách hàng về, vừa về đến nhà thay đồ xong anh liền vào bếp, tôi hỏi “Chứ không phải anh đi ăn về à?” anh nói: “Ăn gì cũng không ngon bằng cơm cá kho ở nhà, bây có thấy có thằng giám đốc nào đêm về lục cơm cá kho ăn như tau không?”…
Anh Đặng Xuân Diệu đang bị kết án 13 năm tù giam |
Chỉ là những câu nói đùa của anh nhưng tôi nhớ mãi, bởi ở trong đó tôi nhận thức được mỗi bài học nhất định nào đó.
Anh hài hước, cởi mở và gần gũi với mọi người, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc trong công việc của anh, nhất là những việc học tập của chúng tôi.
Đặc biệt anh luôn bình tĩnh và luôn có giải pháp tốt trong mọi tình huống. Còn nhớ có lần chúng tôi bị kiểm tra nhà bất ngờ và bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân vì chưa kịp có giấy tạm trú, tôi hỏi anh giờ phải làm sao? Anh bình tĩnh nói: “Kệ nó, nó muốn lấy cho nó lấy, nó muốn chút tiền thôi mà, mình cứ ở lì đây, mai mốt tự động nó đến trả thôi”.
Đúng thật, chỉ vài ngày sau thì công an phường tự động đến trả giấy tờ. Hay có lần tôi bị bắt vì mặc áo Trường Sa Hoàng Sa, ai đó đã báo tin cho anh và lúc tôi được thả ra, trên đường về thì gặp anh đang đi đón tôi, anh nói: “Thế nào, vui không, tưởng nó còn giam nữa chứ, thả nhanh thế”…
13 năm oan nghiệt
Sau khi anh bị bắt, công an cũng bắt tôi vài ngày sau đó. Rồi họ dẫn giải tôi về nhà anh để khám xét, họ ngỡ ngàng khi thấy nhà anh chỉ có sách là nhiều, ngoài ra không có gì đáng để lục xét. Họ nói anh tôi cũng là người ham đọc sách, tôi đáp lại, đối với anh tôi sách là tài sản quý giá nhất.
Cuối cùng họ thấy anh có 3 card visit của anh đều là chức vị giám đốc của 3 công ty xây dựng. Mấy viên công an đã thủ thỉ với nhau rằng: “Tay này cũng là một người giỏi lắm đây”.
Quả thực là vậy, đối với tôi, anh tôi rất giỏi…
Để viết hết về anh có lẽ là rất khó, chỉ một vài câu chuyện về anh để tưởng nhớ đến anh trong ngày chấm mốc tròn 4 năm anh ở chốn lao tù.
Cuối cùng họ thấy anh có 3 card visit của anh đều là chức vị giám đốc của 3 công ty xây dựng. Mấy viên công an đã thủ thỉ với nhau rằng: “Tay này cũng là một người giỏi lắm đây”.
Quả thực là vậy, đối với tôi, anh tôi rất giỏi…
Để viết hết về anh có lẽ là rất khó, chỉ một vài câu chuyện về anh để tưởng nhớ đến anh trong ngày chấm mốc tròn 4 năm anh ở chốn lao tù.
13 quả là con số định mệnh hay chỉ là một sự trùng hợp khi mà lúc xưa nội tôi (cũng là ông nội Đặng anh Xuân Diệu) vì chống chế độ cộng sản mà phải chịu tù đày suốt 13 năm trời ở trại giam Cổng Trời.
Nay đến đời cháu của ông là anh Đặng Xuân Diệu cũng lại gặp phải con số oan nghiệt này một lần nữa.
Tôi xót xa khi những lần nghe tin anh bị hành hạ hết sức tàn độc trong chốn lao tù, vẫn còn một đoạn đường rất dài mà anh phải chịu, không biết rồi đây sẽ còn những ai nhớ đến anh?
Viết cho anh, 4 năm một chặng đường khắc nghiệt vẫn chưa qua.
No comments:
Post a Comment