Thursday, July 30, 2015

Bộ tài chính CSVN 'vay nóng' Ngân hàng Nhà nước để bù chi

HÀ NỘI 29-7 (NV) - Bóc ngắn cắn dài, báo chí tại Việt Nam đưa tin Bộ Tài chính “đề nghị” vay của Ngân Hàng Nhà Nước một số tiền lớn để bù đắp cho các lỗ hổng trong ngân sách.


Nhân viên ngân hàng ACB kiểm lại những cục tiền mới in do ngân hàng nhà nước chuyển tới để cứu ngân hàng này khỏi kẹt thanh khoản hồi năm 2012. (Hình:  HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Số tiền được nói đến là 30,000 tỉ đồng hay khoảng 1.3 tỉ đô la.

Thâm thủng ngân sách là bệnh kinh niên của chế độ Hà Nội. Năm nào quốc hội của chế độ cũng thông qua một bản ngân sách khiếm hụt trên dưới 5% mà vẫn còn thiếu. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội CSVN thông qua bản ngân sách cho năm 2015 với dự thu 911,100 tỉ đồng (khoảng 45 tỉ 555 triệu USD) trong khi dự chi tới 1,147,100 tỉ đồng (khoảng 57 tỉ 355 triệu USD). Như vậy, bội chi ngân sách của CSVN được thông qua khoảng 226,000 tỉ đồng (khoảng 11.8 tỉ USD) hay 5% ngân sách.

Bây giờ, mới gần hết tháng 7, Bộ Tài Chính CSVN phải xin Ngân hàng Nhà Nước cho vay, gián tiếp cho người ta biết cái mức bội chi đó không đủ.

Hai trong những lý do làm cho Bộ Tài Chính của chế độ phải xin ứng cứu là thu vào cho ngân sách giảm xuống, bán công khố phiếu không được nhiều như dự tính.

Ngân sách CSVN tùy thuộc không ít vào tiền thu từ khai thác dầu thô. Tuy nhiên, các mỏ lớn của Việt Nam đang cạn dần sau nhiều năm khai thác và các mỏ mới tìm thấy lại quá nhỏ bé. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới lại giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến thu ngân sách của nhà nước Hà Nội.

“Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 đạt 446.12 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng mới chỉ bằng 49% dự toán năm. Do giá dầu sụt giảm mạnh với mức giảm bình quân 6 tháng là 40 USD/thùng so với giá tính dự toán, khiến thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng qua chỉ đạt 35.9 nghìn tỷ đồng, bằng 38.6% dự toán, giảm 34.5% so với cùng kỳ năm 2014.” theo một bản tin của Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 28/7/2015.

Đồng thời, tin cho hay 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà Nước CSVN bán một lượng trái phiếu chính phủ chỉ đạt 30% số lượng dự trù, dù tăng lãi suất từ 5.45% lên 6.4%. Ngân hàng Nhà Nước CSVN đã phải bán cả trái phiếu ngắn hạn nhưng vẫn không đủ.

Gần đây, theo tờ  Thời báo Kinh tế Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới cảnh cáo chế độ Hà Nội về khiếm hụt ngân sách còn rất nặng. Khi ra báo cáo trước Quốc hội, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn đưa ra những lời phấn khởi về hoạt động kinh tế, cái gì cũng khá, cũng vượt chỉ tiêu.

Nhưng tờ TBKTVN kể rằng Bộ Tài chính cho biết, “trong bối cảnh những tháng đầu năm 2015 kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Giá dầu thô giảm mạnh so với mức giá xây dựng dự toán và diễn biến phức tạp khó lường, do đó đã tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô ...”

Một bản phân tích của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy chính sách nới lỏng chi tiêu ngân sách nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn chỉ tiêu đề ra ảnh hưởng đến uy tín và tiền đồ chính trị của các ông đang lèo lái đất nước và cần các con số tăng trưởng đẹp để có thể ngồi vào các cái ghế cao nhất trong đảng và chính phủ.

Cũng chính vì một trong những nhu cầu đó mà nợ công của Việt Nam ngày càng phình to ra mãi và ngày càng tăng nhanh.

Nợ công của Việt Nam năm 2013 là 54.5% GDP năm 2013, tăng lên thành 59.6% năm 2014, theo các con số chính thức của nhà nước CSVN mà họ gọi là còn trong “ngưỡng an toàn”. Giới chuyên viên kinh tế tin rằng con số nợ công thật sự của Việt Nam phải cao gần gấp đôi các con số vừa kể vì nhà cầm quyền Hà Nội không gồm cả những khoản nợ mà đám quốc doanh và các địa phương đi vay.

“Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỉ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55.7% và 'theo quy định'. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro.” Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt nam cảnh báo tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân ngày 28/4/2014, báo VNExpress tường thuật.

Ngày 22/7/2015 vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước cho hay nợ công của Việt Nam hiện nay khoảng hơn 110 tỉ đô la, cao hơn nhiều con số do nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra.

Các định chế tài trợ quốc tế và giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần khuyến cáo nhưng tình trạng “bóc ngắn cắn dài” tại Việt Nam như một chứng bệnh kinh niên không có thuốc chữa. (TN)

07-29-2015 7:02:18 PM 

No comments:

Post a Comment