Tuesday, July 14, 2015

Học sinh VN: Quang Trung và Nguyễn Huệ là 'bạn chiến đấu'

07-13- 2015 3:32:00 PM
HÀ NỘI 13-7 (NV) - Các học sinh được đài truyền hành nhà nước VTV1 phỏng vấn trắc nghiệm kiến thức lịch sử đều không biết Quang Trung Nguyễn Huệ là ai, thậm chí còn nói các điều làm người ta ngỡ ngàng.


Học sinh này cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là bố con. (Hình: Dân Trí – cắt từ video clip).

Báo Dân Trí hôm Chủ Nhật 12/7/2015 thuật lại kèm theo video clip của đài VTV1 phát hình phóng sự phỏng vấn kiến thức học sinh trong mục “Chuyển động 24h” hôm Thứ Bảy trước đó. Các câu trả lời về kiến thức sử học của 7 học sinh cấp trung học cơ sở tại Việt Nam sây sốc cho mọi người khi được phóng viên hỏi “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”

Một học sinh trả lời cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Học sinh này còn nói “Ông Nguyễn Du chính là ông Quang Trung.” Một học sinh nói hai ông Quang Trung và Nguyễn Huệ là “bạn chiến đấu.” Một học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là bố con. Chỉ có một học sinh hiểu đúng Quang Trung Nguyễn Huệ là ... một.

Sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam ở các cấp từ tiểu học, đều nhắc đến trận chiến thắng lẫy lừng tại Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) chỉ huy đánh tan tành quân nhà Thanh xâm lược vào thế kỷ 18.

Môn sử học từ bậc Tiểu học đến Trung học ở Việt Nam từng bị đả kích rất nhiều về sai lầm đầy ngập trong sách giáo khoa do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN độc quyền in ấn phát hành, đến cách dạy máy móc buồn ngủ của các ông bà thày giáo. Các điều này dẫn đến hệ quả là học sinh không ưa môn sử.


Học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Em còn nói "Ông Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” (Hình Dân Trí- cắt từ video clip)

Tờ VietnamNet hôm 13/7/2015 dẫn các con số thống kê từ kỳ thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông vừa diễn ra và năm 2014 cho thấy rất ít học sinh chọn môn sử (thi nhiệm ý).

“Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910,831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104,959, chiếm 11.52%. “ Vietnamnet kể. “Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153,688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi).”

Dẫn ra những chi tiết đáng ngao ngán hơn, Vietnamnet cho biết “Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3% Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử...”

Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phân tích trên Vietnamnet về sự sai lầm của những ông quan quản lý giáo dục: “Quan niệm hiện nay không đúng từ rất nhiều phía, khi cho rằng lịch sử chỉ là một môn học, mà quên đi nó còn là thứ để dung dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước. Nếu nhìn nhận như vậy, thái độ của chúng ta đối với môn lịch sử sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là lỗi của nhà quản lý.”


Học sinh cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là “bạn chiến đấu”. (Hình: Dân Trí – cắt từ video clip).

Đồng thời, ông nói “Nếu không cẩn thận, việc đưa các sự kiện, con số, ngày tháng vào chương trình dạy học lại thành ra mớ kiến thức cực kỳ khó nhớ. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ đó, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động. Đây là lỗi của chương trình”

Sách giáo khoa các cấp của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo CSVN độc quyền phổ biến từng bị đả kích rất nhiều lần về những sai sót đầy ngập từ chính tả văn phạm đến kiến thức khoa học, lịch sử.

Hai năm trước, ngày 15/10/2013, tờ báo Người Lao Động trong bài “Sách giáo khoa đầy sạn” từng viết “Không phải chỉ một lần các chuyên gia lịch sử, thậm chí cả Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã lên tiếng về những sai sót ...này. Tuy nhiên, đến lần tái bản thứ 11 năm 2013, những “hạt sạn” nêu trên vẫn giữ nguyên.” (về sách lịch sử lớp 6).

Nạn chạy chọt, mua bán bằng cấp rất phổ biến tại Việt Nam, nhưng giữa Tháng 5-2015 vừa qua, hệ thống thông tin tuyên truyền tại Việt Nam dựa vào một phúc trình của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) tung hô rằng giáo dục Việt Nam xếp hạng thứ 12, vượt xa nhiều nước tân tiến trên thế giới.

Trong cách phân tích của OECD, giáo dục của nước Anh đứng thứ 20, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28 và Thụy Điển chỉ xếp thứ 35. Không thấy học sinh sinh viên các nước vừa kể đổ xô nhau đến Việt Nam xin học, chỉ thấy những gia đình giầu có, quan quyền tại Việt Nam cho con sang Mỹ và các nước Âu Tây du học ngày một nhiều hơn chứ không ở lại Việt Nam. (TN)

No comments:

Post a Comment