Theo NLĐO-14/07/2015 23:24
“Tình hình tội phạm về tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành...” - báo cáo của VKSND Tối cao tại “Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng” vừa tổ chức ở TP HCM cho biết.
Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, hơn cả Trung Quốc, Indonesia… Có ý kiến cho rằng tham nhũng là “quan nạn”, không phải là “quốc nạn” bởi vì chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được chứ còn người dân, cán bộ công chức bình thường không thể tham nhũng. Lý lẽ này quá đúng vì tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ.
Phải thấy rằng địa chỉ của tham nhũng không đâu khác là ở các cơ quan công quyền, ở các quan chức, bất kể ai nếu không ngay ngắn đều có thể trở thành kẻ tham nhũng. Đúng là trong xã hội truyền thống của nước ta lâu nay vẫn tồn tại một lối suy nghĩ “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. Trên thực tế cuộc sống lâu nay, ai làm ngành nào thì cố gắng tìm kiếm những khả năng, cơ hội để thu vén hoặc ở mức độ cao hơn đặt ra những tiêu chuẩn, chế độ để thụ hưởng mà thực chất là sử dụng đặc quyền để trục lợi. Tư tưởng, hành động như vậy theo các nhà kinh điển Mác - Lê gọi là “tư tưởng phường hội”. “Tư tưởng phường hội” lâu nay bị lãng quên, ít bị lên án. Nhưng phải truy kích đến gốc mới thấy hết tác hại to lớn của nó, đặc biệt là nó gây ra tâm lý ngộ nhận làm an lòng những người hưởng quyền lợi không chính đáng từ sự bớt xén từ ngân sách.
Trong thực tế, có một bộ phận công chức hành chính không có gì để “ăn” nên cũng cố tình “làm khó (dân) để ló ra tiền”. Chỉ khổ nông dân, công nhân - những người làm ra của cải vật chất cho xã hội, những người chỉ còn cách “tay làm thì hàm mới có nhai”, muốn có cơ hội để… tiêu cực, tham nhũng cũng không có!
Muốn xóa bỏ tệ nạn ấy, phải có luật lệ thủ tục minh bạch, rõ ràng; phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành; cần chuyển quan niệm về chính quyền từ “cai trị” sang phục vụ. Bên cạnh đó, phải có một hệ thống pháp luật nghiêm minh, chế tài cương quyết, mạnh mẽ để công chức không thể, không muốn và không dám tham nhũng.
Vấn đề là biện pháp đã có nhiều nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì vẫn còn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt cửa đút lót để mua chức dù ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào giờ đây là thước đo phẩm chất và lòng trung thành của nhà chức trách. Quản lý xã hội nếu để mạnh ai cứ ra sức… chia động từ “ăn” thì xã hội sẽ bất ổn vì sinh ra nhiều bất công, phân hóa giàu - nghèo quá mức. Từ thực tế ấy, cần nhấn mạnh quản lý xã hội để lập lại trật tự, công bằng là trách nhiệm của những cá nhân được giao trọng trách.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment