“Trong khi nước ngoài mang đến cho du khách các trải nghiệm thì các địa phương Việt Nam đang tự mài mòn các lợi thế tự nhiên. Với Hạ Long, khách du lịch ngoài việc thuê thuyền ở 1 đêm trên biển thì không còn gì trải nghiệm. Với Hội An, không biết xem gì ngoài việc thăm các phố cổ, các cửa hàng với các mặt hàng tương đối giống nhau...”
“Đến Hạ Long, khách du lịch ngoài việc thuê thuyền ở 1 đêm trên biển ngắm đảo thì không còn gì để trải nghiệm”.
Du lịch vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói, bởi những lợi ích khổng lồ mà lĩnh vực này mang lại.
Mùa hè – Mùa cao điểm của du lịch đã đến. Nhân dịp hang Sơn Đoòng vừa được báo chí trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm chú ý thời gian qua, CafeBiz xin giới thiệu đến quý độc giả series “Du lịch Việt Nam – Ngành công nghiệp không khói đang ngủ quên”.
Nội dung nổi bật:
– Chúng ta vẫn tự ca ngợi về tiềm năng tự nhiên của địa phương. Địa phương nào cũng có lợi thế nhất định về điểm đến tự nhiên như Hạ Long, Sơn Đoòng… Nhưng trong khi nước ngoài mang đến cho du khách các trải nghiệm thì các địa phương Việt Nam đang tự mài mòn các lợi thế tự nhiên để khai thác du lịch
– Trong khi slogan du lịch của các nước truyền tải một thông điệp rất rõ ràng như Malaysia là Truly Asia (Châu Á đích thực), Thái Lan là Amazing Thaland (Kinh ngạc Thái Lan), Singapore là YourSingapore thì Việt Nam hết sử dụng slogan The Hidden Charm (Vẻ đẹp tiềm ẩn) lại đến The Timeless Charm (Vẻ đẹp bất tận) – một khái niệm hết sức mơ hồ.
Sau khi video clip về Sơn Đoòng (Quảng Bình) được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình ABC của Mỹ, khi những âm hưởng về một thắng cảnh của Việt Nam lên đài truyền hình Mỹ chưa hạ nhiệt thì những số liệu thống kê về du lịch tiếp tục đánh dấu những ngày đen tối của ngành này. Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm tháng thứ 12 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước đó.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) – xung quanh những bất cập và giải pháp cho du lịch Việt Nam sau 12 tháng ngành du lịch tăng trưởng “giật lùi”.
“Du khách muốn tiêu tiền ở Việt Nam cũng không được”
* Du lịch quốc gia qua các con số thống kê ngày một ảm đạm trong vòng 1 năm trở lại đây. Vậy xét ở cấp độ địa phương, ông đánh giá tiềm năng du lịch ở cấp độ này thế nào?
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group: Chúng ta vẫn tự ca ngợi về tiềm năng tự nhiên của địa phương. Địa phương nào cũng có lợi thế nhất định về điểm đến tự nhiên như Hạ Long, Sơn Đoòng, những thành phố, đô thị cổ… Chúng ta luôn nghĩ rằng đó là thế mạnh có thể thu hút được du lịch.
Không thể phủ nhận những điểm đến tự nhiên có sức hút với du lịch ở một mức độ nào đó, nhưng sản phẩm du lịch không đơn giản như vậy. Chúng ta đang lúng túng trong chuyện làm sao để thu hút khách du lịch đến, ở lại lâu, và có quay lại.
Lâu nay, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng chỉ khai thác du lịch một cách rất tự nhiên, theo kiểu có gì làm nấy. Nhưng để khách trong nước, đặc biệt khách du lịch nước ngoài ở lâu, bỏ ra một khoản tiền nhất định cho chuyến du lịch của họ, sau đó giới thiệu với bạn bè, nhất là bản thân họ sau đó quay lại thì rất hiếm.
Hầu hết sức hút mang tính chiều sâu là những sản phẩm có tác động của con người. Những sản phẩm do con người làm ra mới là thứ thu hút lâu dài, là thứ để khách du lịch rút hầu bao chi trả cho du lịch.
Chẳng hạn như ở Ấn Độ, người ta không để cho du khách đến ngắm cảnh đẹp tự nhiên không, mà họ phải tạo ra các sản phẩm du lịch có đặc tính văn hóa cao, ví dụ họ sử dụng các nghệ thuật dân tộc, hay giới thiệu các hoạt động ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, quà lưu niệm…, những thứ làm cho du khách đến đấy và bỏ tiền ra mua.
Các địa phương của chúng ta thì ngược lại, tự mài mòn các lợi thế tự nhiên. Đến Hạ Long, khách du lịch ngoài việc thuê thuyền ở một đêm trên biển ngắm đảo thì không còn gì để trải nghiệm. Không có cái gì làm cho người ta ở thêm trên biển, hoặc lên bờ họ cũng không có gì để chi trả thêm nữa, có muốn cũng không có.
Tôi gặp rất nhiều khách du lịch đến, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền như sau một chuyến đi trên vịnh, họ muốn về thành phố ở khách sạn cao cấp để chi nhiều tiền hơn, hoặc muốn tìm chỗ biểu diễn nghệ thuật để trải nghiệm về văn hóa Việt Nam. Nhưng không có.
* Theo ông, đâu là bất cập của du lịch địa phương hiện nay?
Yếu tố thứ nhất là sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa bản địa của chúng ta rất ít ỏi. Chúng ta tiếp khách nước ngoài loanh quanh lại múa nón, múa sạp… nên khách du lịch chỉ đi đến một địa phương là đủ.
Số lượng du khách đến Việt Nam đã ít, họ lại không chi tiền nữa, mà họ muốn chi cũng không được. Hiệu quả của du lịch thấp.
Đầu tiên, chúng ta phải nghĩ đến sản phẩm đã, và sản phẩm đó muốn bán được phải khác biệt, duy nhất, hấp dẫn và hữu ích. Nhưng sản phẩm làm ra phải nằm trong chiến dịch marketing của địa phương, chứ không phải thấy người ta làm gì mình làm nấy.
Ví như Đà Nẵng biến pháo hoa trở thành “đặc sản”, xây dựng chiến lược tiếp thị của Đà Nẵng lên tất cả các hoạt động xung quanh đó, phát triển hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ khác để phục vụ cho “đặc sản” này.
“Lễ hội pháo hoa đã trở thành “đặc sản” của Đà Nẵng. .
Yếu tố thứ hai là quảng bá. Khâu đầu tiên là khâu làm ra sản phẩm đã đuối rồi, khâu quảng bá cũng đuối theo. Các sự kiện mình quảng bá cực kỳ chung chung, ngay cả từ chiến lược du lịch.
The Hidden Charm (Vẻ đẹp tiềm ẩn – slogan du lịch trước đây của Việt Nam – PV) là cái gì chúng ta không định nghĩa được. Trong khi quốc gia khác truyền tải thông điệp rất rõ ràng, giúp du khách biết sẽ chờ đợi, sẽ thấy gì ở đất nước ấy, hoặc đối với các địa phương trong nước.
Du lịch Việt Nam đang thua Lào, Campuchia
* Nói vậy có phải phủ nhận tất cả những cái du lịch Việt Nam đã làm được những năm qua không, thưa ông?
Nhiều người tranh luận với tôi cho rằng du lịch Việt Nam đã làm tốt. Nhưng tốt là một khái niệm rất trừu tượng. Sự so sánh phải so trên một mặt bằng tiêu chuẩn mới so được ai tốt hơn ai. Khi mình nghĩ rằng mình tốt hơn cách đây 10 năm không có nghĩa là mình tốt, mà phải so sánh với toàn khu vực. Campuchia làm tốt hơn chúng ta rất nhiều, và họ đi rất nhanh.
Quảng bá hình ảnh quốc gia phải nêu lên được sự nổi bật của quốc gia đó.
Mới đây tôi nói chuyện với một người làm du lịch ở Pháp và cô ấy cho biết: Người Pháp giờ chỉ muốn đến Campuchia và Lào, không phải vì chi phí du lịch ít đi, mà họ thấy sức hút ở nhưng nơi đó. Trong khi đó, người Pháp ngày xưa đến Việt Nam rất nhiều.
Vì vậy, chúng ta phải chọn được giá trị cốt lõi chung của đất nước, sau đó tìm giá trị cốt lõi của từng địa phương, thì chúng ta mới tập trung quảng bá giá trị đó một cách hiệu quả. Khi đó, mới xây dựng được hình ảnh của địa phương và của cả quốc gia.
* Số liệu du lịch 12 tháng trở lại đây vô cùng u ám. Khách du lịch và càng ngày càng giảm. Mặc dù Tổng cục Du lịch đưa ra rất nhiều nguyên nhân như quan hệ với Trung Quốc, vấn đề kinh tế vĩ mô từ Nga, thủ tục visa… Theo ông đánh giá, những nguyên nhân này liệu đã đủ? Lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng giảm liệu có đến từ cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp từ phía Việt Nam?
Lào: Năm 2014, du khách đến Lào tăng 11%, lên 4,15 triệu du khách. Năm 2013, ngành du lịch đóng góp cho GDP nước này 11.800 tỷ LAK, tương đương 1,46 tỷ USD, đóng góp 14,2% GDP. Năm 2014, ngành du lịch thu về 23.300 tỷ LAK, tương đương 2,88 tỷ USD, đóng góp vào 13,9% GDP.
Campuchia: Khách du lịch quốc tế đến nước này năm 2014 chỉ tăng trưởng ở mức 1 con số (7%), sau 4 năm tăng trưởng trên 2 con số. Mức chi tiêu của khách du lịch ngày càng tăng, hiện ở mức 2,74 tỷ USD, tăng so với mức 2,55 tỷ USD năm 2013.
Trong khi đó, du khách đến VN đã giảm 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 5/2014. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về khách quan, nếu chúng ta nói chiến tranh hay sự suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng tại sao cùng một bối cảnh như thế, ở các nước khác, du lịch gia tăng mà chúng ta giảm, hoặc tuy có tăng nhưng tăng không bằng họ. Đấy chính là lý do nội tại.
Tổng cục Du lịch đưa ra rất nhiều ý kiến, trong đó có lý do chủ quan “rất lãng xẹt” như visa đắt đỏ hơn cả khung giá Chính phủ quy định chẳng hạn. Lý do căn bản nhất là lợi ích nhóm, lợi ích của từng bộ phận liên đới đến phát triển du lịch Việt Nam. Họ coi trọng lợi ích riêng của mình hơn lợi ích quốc gia.
Xem phim Tomb Raider, ai cũng thấy hình ảnh Angkor Wat kỳ vỹ và muốn sang du lịch Campuchia. Hay như Avengers của Mỹ quay ở Seoul, Seoul được lợi rất nhiều. Và Trung Quốc bỏ bao nhiêu tiền làm Kungfu Panda 1, Kungfu Panda 2…
Trong khi đó, bao nhiêu đoàn làm phim muốn đến Việt Nam, nhưng việc tổ chức sản xuất vô cùng khó khăn. Có những người nhẫn nại người ta vẫn sẽ đến, nhưng đa phần khi chán với hệ thống ấy họ sẽ bỏ cuộc, và tốt nhất là đi sang một nước nào đó. Bộ phim Điệp viên 007 sau khi bị Việt Nam từ chối với cảnh quay ở Vịnh Hạ Long đã chuyển sang Thái Lan, thế là Vịnh Hạ Long mất luôn cơ hội.
Trong khi đó, mới đây, Sơn Đoòng chỉ mất mấy chục phút mà bao nhiêu người biết đến Việt Nam.
* Ông từng nói: Để thay đổi cách làm thương hiệu cần thay đổi tư duy, trong đó cần thay đổi một cách toàn diện những rào cản pháp lý, thứ tư duy thắt chặt và khống chế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, đang làm nhụt chí các doanh nghiệp tâm huyết. Vậy theo ông, cơ chế nào để các doanh nghiệp trong nước quan tâm hơn đến đầu tư du lịch tại Việt Nam?
Theo tôi, thứ nhất, thay vì tư duy hạn chế phải chuyển sang tư duy khuyến khích. Nhà nước đang đặt ra một loạt rào cản, làm khó cho doanh nghiệp làm du lịch.
Hiện cơ quan xúc tiến du lịch đồng thời là cơ quan quản lý tư duy cản trở nhiều hơn tư duy khuyến khích. Trong khi đó, ở các nước, cơ quan xúc tiến du lịch chỉ làm xúc tiến thôi, và tất cả những cái họ làm là làm sao thu hút khách du lịch đến nhiều nhất.
Thứ hai, Nhà nước có dám trao quyền cho doanh nghiệp làm điều họ muốn hay không? Nếu dám để cho họ làm sáng kiến của họ thì doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Ví như công ty làm du lịch Sơn Đoòng có tư duy rất Tây. Họ sẵn sàng làm những điều mà họ cho là tốt cho doanh nghiệp của họ, xúc tiến được hoạt động của họ thì họ đầu tư ngay. Nhưng nếu nghĩ ra một loạt hạn chế, họ sẽ “thà không làm thì thôi”.
* Xin cảm ơn ông!
Người ta đến một quốc gia là vì cái gì?
Việt Nam: Slogan của ngành du lịch Việt Nam – Hidden Charm trước đây và Timeless Charm (Vẻ đẹp bất tận) – là một khái niệm hết sức mơ hồ.
Trong khi đó, slogan du lịch của các nước đều truyền tải một thông điệp hết sức rõ ràng.
Malaysia: Truly Asia (Châu Á đích thực). Đến đây là đặc trưng của Châu Á. Đến đây bạn sẽ tìm thấy các nét đặc trưng của Châu Á.
Thái Lan: Amazing Thaland (Kinh ngạc Thái Lan). Đến đây sẽ thấy những điều ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Singapore: Your Singapore (Singapore của bạn). Singapore không phải là của tôi, của những người Singapore, mà là của tất cả mọi người đến Singapore.
Mọi người quảng bá là Việt Nam thân thiện, nhưng sự thân thiện là một khái niệm rất trừu tượng. Mang sự thân thiện của mình so với các quốc gia khác chúng ta đâu có sự nổi trội. Bộ mặt cau có của các nhân viên công vụ của chúng ta ai cũng thấy.
Chúng ta có môi trường xanh? Không. So với nước nào chúng ta cũng kém hơn”.
No comments:
Post a Comment