Tuesday, June 2, 2015

Ô nhiễm chì trầm trọng tại làng nghề Đông Mai

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-06-02

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tại làng tái chế chì Đông Mai hôm 28-5-2015
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tại làng tái chế chì Đông Mai hôm 28-5-2015-Courtesy photo NH/TT
Tình hình ô nhiễm chì tại làng nghề Đông Mai thuộc tỉnh Hưng Yên nghiêm trọng đến nỗi đích thân thứ trưởng Bộ Y Tế phải xuống kiểm tra và khẩn cấp ra lệnh khẩn cấp cấp di dời 13 hộ sản xuất.
Bộ Y Tế cảnh báo
Theo bản tin trên báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 28 vừa qua, tình trạng ô nhiễm chì tại làng nghề Đông Mai, xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chuyên tái chế ắc quy chì xuất đi các nơi, nghiêm trọng đến mức thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thuộc Bộ Y Tế phải thân chinh xuống hiện trường xem xét.
Sau quá trình kiểm tra, thứ trưởng Bộ Y Tế, ông Nguyễn Thanh Long, xác nhận tình trạng ô nhiễm chí tại thôn Đông Mai ở mức đáng báo động, ra lệnh di dời khẩn cấp 13 hộ sản xuất ra nơi khác. .
Cần rõ nơi này trước đây có khoảng 400 hộ dân làm nghề tái chế bình ắc quy chì nhưng nay thì chỉ còn 13 hộ như vậy sống xen lẫn với các nhà dân, trong lúc những cơ sở khác thì đã được di dời vào cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về môi trường của Việt Nam, giải thích trước hết về nguyên nhân nhiễm độc chì là do: .
Tái chế hoặc tận dụng những vật liệu của ắc quy chì. Ắc quy chì có hai bản cực, giữa hai điện cực ấy có một hiệu điện thế, nối nối 2 điện cực ấy thì có giòng điện đi qua. Sau một thời gian thì giữa chúng không còn hiệu điện thế nữa, lúc đó người ta lại phải sạc điện. Sạc điện thì một cực lại trở thành Pb tức là chì, một cực trở thành Pbo2, và hai cực lại có hiệu điện thế khác nhau. Ở Việt Nam, sau một thời gian sử dụng thì người ta bỏ cái ắc quy đi và những người ở làng nghề đập ắc quy ra, lấy chì để bán. Sử dụng xong thì vất ra đường thế rồi chì của ắc quy vung vãi khắp nơi.
Chì vô cùng độc hại. Cái độc hại đầu tiên dễ thấy nhất là nó có thể ngấm qua da bởi vì kích thước của nó rất nhỏ, nó thấm vào biểu bì rồi vào máu
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải
Đó là ô nhiễm chì trong môi sinh, còn việc con người bị nhiễm độc chì thì đáng sợ hơn vì những di hại về lâu về dài.
Khi tôi đến Học Viện Quân Sự Varsaw để chế tạo các tinh thể PbSnTe tức chì, thiết và telua, lúc đó tôi mới nghiên cứu mới thấy rằng chì vô cùng độc hại. Cái độc hại đầu tiên dễ thấy nhất là nó có thể ngấm qua da bởi vì kích thước của nó rất nhỏ, nó thấm vào biểu bì rồi vào máu.
Thứ hai, vì nhỏ như thế, người ta có thể hít vào. Đầu tiên là đường hô hấp, sau đó là đến ruột rồi đến các bệnh khác như trí nhớ kém, tay chân run rẩy vân vân… Tất cả những cái này tra mạng đều có cả. Tóm lại cần phải loại chì ra khỏi cuộc sống.
Ngoài việc khẩn trương di dời 13 hộ gia đình còn theo nghề tái chế ắc quy chì trong mục đích loại trừ chì ra khỏi nơi đã bị ô nhiễm, nhiều biện pháp khắc phục khác cũng được thứ trưởng Bộ Y Tế chỉ đạo như hỗ trợ lát gạch men, đắp lại nền nhà hay sân chơi bằng bê tông, thay đổi đất trong vườn, cung cấp nước sạch, không sử dụng thực phẩm nuôi trồng trong khu vực bị ô nhiễm.
Tác hại việc ô nhiễm chì
Bên cạnh đó, bản tin của báo Sài Gòn Giải Phóng còn cho hay để có thể tiến hành việc điều trị và tẩy độc chì trên người bị nhiễm, Bộ Y Tế đã chỉ thị hai cơ quan, là Cục Quản Lý Môi Trường và Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Và Môi Trường , gấp rút xét nghiệm mẫu máu của trên 600 người nghi ngờ bị nhiễm độc chì, trong đó ưu tiên là trẻ em rồi đến phụ nữ trong độ tuổi mang thai hay sinh nở.
Công nhân làm chì tại một xưởng gia công. (Ảnh: CTV)
Công nhân làm chì tại một xưởng gia công. (Ảnh: CTV)
Đối với 207 em ở địa phương, đã có kết quả xét nghiệm nhiễm độc chì, nếu nặng thì được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, nhẹ thì được đưa vào bệnh viện của huyện Văn Lâm.
Được biết tiến trình xét nghiệm máu để xác định mức độ nhiễm độc chì hoàn toàn miễn phí, kể cả trong lúc điều trị cũng như khi kết thúc.
Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải, đến lúc phải di dời 13 hộ gia đình hành nghề tái chế ắc quy ra khỏi cum dân cư là điều cần thiết:
Hiện nay rất nhiều các đồ thải của các nước, đặc biệt của Trung Quốc, thì giá trị rất thấp, hiệu suất sử dụng rất thấp, nhưng được bán vào Việt Nam. Ở Việt Nam người ta sử dụng cái đó để mà tái chế đồ gia dụng. Đã có lần Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường, Hải Quan từng ngăn cấm việc chuyển các ắc quy của nước ngoài vào cảng Hải Phòng. Tôi cho rằng đó là điều rất chính đáng, thế nhưng với một container thì xử lý được, chứ còn hiện nay ở Việt Nam biết bao nhiêu là ắc quy chì . Nhất là những nơi không có điện thì người ta phải dùng bình ắc quy để sạc điện. Sau một thời gian sâc đi sạc lại, đáng lý những bình ắc quy sử dụng xong thì phải thu gom chứ không được vất bừa bãi, không để người dân mua mang về làng nghề rời lấy chì ra đi bán, gọi là tái chế ác chì.
Một người có kỹ năng sống bình thường cũng hiểu rằng nếu chì bây giờ ngấm xuống đất, theo vào nguồn nước ngầm, thì không chỉ khuôn viên của làng ấy. Không biết xử lý tận gốc, càng ngày ắc quy dùng càng nhiều, chì dùng càng nhiều, làng này bị thì làng kia bị
tiến sĩ Nguyễn Văn Khải
Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu không tích cực kiểm tra, không quảng bá thông tin đầy đủ, không có sự hướng dẫn đến nơi đến chốn và đồng bộ về mức độ nguy hại vô cùng của sự nhiễm độc chì, thì chẳng khác nào chữa bệnh nơi ngọn mà không trừ bệnh nơi gốc:
Người ta có thể bây giờ còn khỏe , bị nhiễm mức đô A, mức độ B, nó chưa phát ra mạnh, thì phải thải độc liền. Nhưng việc chỉ có mười mấy hộ hoặc một số cháu là chưa đủ mà thực ra là cả cái vùng ấy.
Cái thứ hai, rút kinh nghiệm ở làng ấy, Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường, Bộ Y Tế, cần phải có qui hoạch, những điểm thu gom phải được xử lý như thế nào để không phát tán chất độc.
Một người có kỹ năng sống bình thường cũng hiểu rằng nếu chì bây giờ ngấm xuống đất, theo vào nguồn nước ngầm, thì không chỉ khuôn viên của làng ấy. Không biết xử lý tận gốc, càng ngày ắc quy dùng càng nhiều, chì dùng càng nhiều, làng này bị thì làng kia bị. Hết vài chục người này bị đến vài chục người kia bị thì chuyện đó chỉ là muối bỏ bể hoặc là ném đá vào ao bèo.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, chì là một trong mười loại hóa chất cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Vẫn theo báo động của WHO, chì làm não bộ và hệ thống thần kinh của trẻ bị tổn thương, gây triệu chứng hôn mê, co giật có khi dẫn đến tử vong. Ngoài ra, không chỉ là nguyên nhân của sự chậm phát triển, chì còn làm giảm chỉ số thông minh và thay đổi hành vi nơi trẻ em.

No comments:

Post a Comment