Tuesday, June 2, 2015

TT Obama: 'TQ làm đảo nhân tạo ở Trường Sa là phản tác dụng'

WASHINGTON (NV) .- Tổng thống Barack Obama phê phán hành động Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa là phản tác dụng.

 
Đảo nhân tạo Đá Thập (Fiery Cross Reef) qua hai tấm không ảnh chụp các ngày 14 tháng 2, 2014 và 17 tháng 4, 2015 hoàn toàn khác nhau. Hình sau thấy rõ phi đạo đã thành hình cùng với các cơ sở đang xây dựng. (Hình: CSIS)

“Chúng tôi cho rằng hành động bồi đắp (các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo), hành xử hung hăng của bất cứ bên nào ở khu vực đó cũng đều phản tác dụng”. Tổng thống Obama nói như vậy tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc tiếp xúc với một nhóm lãnh đạo trẻ của khu vực Đông Nam Á Châu hôm Thứ Hai,  1 Tháng 6, 2015.

Ông Obama nói thêm: 'Trung Quốc sẽ thành công. Nước họ lớn và mạnh, dân tộc của họ tài ba và họ cần cù làm việc. Chỉ một phần nào những tuyên bố chủ quyền của họ là hợp pháp. Tuy nhiên, họ không nên ỷ vào sức mạnh để xây dựng các đảo nhân tạo như cách thúc cùi chỏ và đẩy các người khác đi khỏi nơi tranh chấp.”

Những lời tuyên bố nhẹ nhàng của Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter có mặt ở Hà Nội họp với các giới chức Bộ Quốc Phòng CSVN về gia tăng hợp tác anh ninh quốc phòng song phương. Nội dung cuộc họp được loan báo là một bản tuyên bố “Tầm nhìn chung” về quan hệ quốc phòng giữa hai nước, rất tổng quát.

* Hoa Kỳ sợ 'đi quá đà'

Trên báo Wall Street Journal, một số viên chức cao cấp của chính phủ Obama dấu tên tiết lộ Washington có vẻ bối rối về một giải pháp đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ vừa muốn tạo áp lực với Trung Quốc để Bắc Kinh đừng quá hung hăng, nhưng đồng thời cũng không muốn làm cho tình thế căng thẳng hơn.

Tìm một giải pháp, hay một sách lược đối phó với Trung Quốc như thế nào sao cho hữu hiệu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài và cả những chính trị gia nhiều ảnh hưởng đối ngoại tại Quốc Hội.

Họ đều biết hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nếu cứ như hiện tại và tiếp diễn, sẽ càng ngày càng khó đối phó hơn, nhưng Washington cũng sợ nếu đưa ra các tín hiệu lầm lạc thì có thể dẫn đến đối đầu quân sự hoặc một tình thế chiến tranh lạnh giai đoạn mới.

Tại Diễn đàn Đối Thoại An Ninh Khu Vực Shangri-La Dialogue cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter kêu gọi Trung Quốc  và các nước tuyên bố chủ quyền khác chấp dứt các hành động bồi đắp đảo nhân tạo. Đồng thời ông cho hay phi cơ, tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tiễu ở khu vực mà luật lệ quốc tế cho phép, bất chấp cảnh cáo của Trung Quốc là “khiêu khích”.

Trung Quốc qua Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Sun Jianguo (Tôn Kiến Quốc) nganh ngạnh tuyên bố họ sẽ không dừng các chương trình làm đảo nhân tạo. Đồng thời ông này còn dọa rằng họ sẽ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) hay không trên Biển Đông còn tùy tình hình an ninh.

Tuy Hoa Kỳ xoay trục lực lượng quân sự hướng về Á Châu từng được nhận định là nhằm đối phó với sự trỗi dậy quân sự hung hăng của Trung Quốc, ngay trong nội bộ của Ngũ Giác Đài, theo WSJ, cũng không phải mọi người cùng một quan điểm về cách đối phó. Một số tướng lãnh ở Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương muốn phản ứng lại hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong khi Ngũ Giác Đài lại sợ nếu phản ứng mạnh quá sẽ trở thành quá đà.

Theo một viên chức giấu tên nói trên WSJ, các chức sắc tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng không cùng một giải pháp. Họ có chung một quan điểm là những gì Bắc Kinh đang thực hiện ở Biển Đông là sai trái nhưng Mỹ phải làm gì để Trung Quốc thay đổi cách hành sử thì vẫn là câu hỏi được trả lời khác nhau.

Một số nhà phân tích thì cho rằng Hoa Kỳ nên nhường ảnh hưởng cho Trung Quốc ở chỗ ao sau nhà họ. Rất có thể gồm cả chuyện rút các lực lượng về, lập các vùng trái độn. Nhưng có những người ở Quốc Hội đòi Mỹ phải tỏ quyết tâm quân sự cho dù có nguy cơ tính toán sai từ cả hai phía.

Nghị sĩ John McCain khi tham dự Diễn đàn Shangri-la kêu gọi Hoa Kỳ hành động cứng rắn hơn. Ông cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động làm mất ổn định khu vực trừ phi họ nhận ra rằng sự tai hại do làm như thế sẽ nặng hơn là lợi ích đem lại.

Phản ảnh như nhận định của tổng thống Obama, theo nhận định trên WSJ, Hoa Kỳ vẫn cân nhắc xem nên đẩy mạnh áp lực đến đâu. Hoa Kỳ bị kẹt trong sự kiện là Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo không vi phạm luật lệ quốc tế về biển trong khi những nước tranh chấp khác cũng có cải tạo những đảo hay bãi đá ngầm họ chiếm đóng dù quy mô nhỏ bé không thể so sánh với Trung Quốc. (TN)


06-01-2015 5:04:45 PM

No comments:

Post a Comment