Monday, June 29, 2015

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘uốn lượn’ là ngụy biện

HÀ NỘI (NV) - Giới chuyên môn và người dân cho rằng giải thích đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “uốn lượn” được thiết kế theo nguyên tắc “vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc” là ngụy biện.

Rất dễ nhận thấy độ mấp mô bất thường của đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Hình: báo Lao Động)

Theo tờ Lao Động, trước dư luận cho rằng, đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao Thông Vận Tải làm chủ đầu tư nhiều đoạn mấp mô, ông Lê Văn Dương, phó tổng giám đốc Ban Quản Lý Dự An Đường Sắt, lý giải thích, “Việc đường sắt ‘uốn lượn’ để bảo đảm tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng. Khi vào ga, đoàn tàu phải giảm tốc độ do đó thiết kế theo hướng lên dốc để giảm tốc, hạn chế phanh hãm và giảm tiêu thụ năng lượng. Ngược lại, khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc nên thiết kế xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.”

Ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cũng cho rằng, việc đường sắt “lượn sóng” hoàn toàn theo đúng thiết kế của dự án, khoảng cách bảo đảm theo thông lệ quốc tế (800m - 1.2 km), không ảnh hưởng đến vận tốc của tàu và bảo đảm an toàn cho người dân.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường đại học Xây Dựng, để phát huy tốc độ và an toàn, đường sắt phải bằng, thẳng và phẳng. Nếu tốc độ cao mà đường không thẳng bị vồng lên có thể sẽ “bốc bánh” dẫn đến trật bánh, lật tàu. Ngoài ra, còn chưa tính đến việc đường sắt cứ lên xuống như vậy hành khách liệu có bị say xe, chóng mặt...

Nếu vận hành đoàn tàu trên cao mà tính toán tiết kiệm như kiểu xe hơi trôi dốc chạy theo quán tính khi khởi động để tụt xuống, rồi dừng đoàn tàu bằng cách leo dốc để hạn chế hãm phanh thì với một đoàn tàu có tải trọng lớn có cần thiết phải như thế hay là vì một lý do nào khác? Vả lại đoàn tàu chỉ có mấy toa liệu có cần thiết phải tạo gia tốc cho đoàn tàu hay chỉ là sự ngụy biện cho đoạn đường tàu đang gây mất thẩm mỹ của cảnh quan khu vực này.

Ông Hùng cũng chỉ rõ: Tại sao lại chỉ có một đoạn đường sắt trên cao ở ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến có đường vồng rất cao, uốn lượn, còn một số đoạn khác lại thẳng?

Dư luận chung cũng cho rằng, sự giải thích của các ngành chức năng thiếu thiết phục, bởi ngay cả các nước có hệ thống đường sắt trên cao tương tự như Cát Linh -Hà Đông, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cũng không có đường nào “uốn lượn” như vậy. (Tr.N)

06-29- 2015 2:17:34 PM 

No comments:

Post a Comment