Ông Nguyễn Văn Linh.
Trần Phan
Theo VOA-28.06.2015
Ngày 22/6/2015, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Linh, cố tổng bí thư đảng CSVN, tại Tp HCM, thành ủy đảng CSVN, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp HCM tổ chức cuộc hội thảo có tên là “Đồng Chí Nguyễn Văn Linh với Cách Mang Miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, Tp HCM” nhằm “khẳng định và tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng, của dân tộc, đất nước và của miền Nam”. Nhiều tham luận tại hội thảo có cùng nhận định: cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với thời kì đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến cứu nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1).
Bài viết này nhằm thảo luận về “đóng góp to lớn của ông Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đất nước và của miền Nam”, không đề cập tới sự đóng góp của ông Linh đối với đảng của ông. Bài viết xin nói về 1) giai đoạn kháng chiến cứu nước thời kì 1954-1975 (chống Mỹ) và 2) giai đoạn xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam từ năm 1975 tới khi ông Linh mất.
Phần 1: Giai Đoạn Kháng Chiến Cứu Nước (chống Mỹ) thời kì 1954-1975
Quả thật, ông Linh có vai trò rất lớn trong cuộc cuộc “kháng chiến Chống Mỹ Cứu Nước”, cuộc chiến thường được các nhà quan sát chính trị nước ngoài gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Ông là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất tại miền Nam thời gian đó.
Cuộc kháng chiến đã đi tới thắng lợi hoàn toàn: đánh bại chế độ Miền Nam ngày 30-4-1975, thống nhất toàn bộ đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ đó.
Để xem các đóng góp của ông cho Miền Nam, cho Dân tộc lớn như thế nào, ta cần nhìn mục tiêu của cuộc chiến.
Nếu mục tiêu là Mỹ rút ra khỏi Việt Nam và chế độ Miền Nam thua trận, thì quả thật ông Linh đã lập công rất lớn và rất đẹp cho Miền Nam, cho Dân tộc.
Nếu mục tiêu là dân chúng Miền Nam ấm no và hạnh phúc, đất nước Việt Nam phát triển thì chúng ta đánh giá kết quả việc làm của ông như thế nào?
Hai mươi năm nội chiến từng ngày, nhiều tác giả, nhiều tài liệu đã nêu lên các con số kinh hoàng về người chết, về làng mạc, thành phố bị tàn phá, người viết không lặp lại đây. Chỉ biết bom đạn ngày đêm tàn phá khắp Miền Nam suốt 20 năm dài, người Việt giết người Việt với “lòng hận thù ngất trời”, rất rất nhiều gia đình có người thân ở hai bên nổ súng vào nhau. Cuộc thảm sát Huế - Mậu Thân mà tới bây giờ chính quyền còn giấu giếm cho thấy mức độ vô nhân đạo kinh hoàng của người giết người, người có súng giết người tay không, anh em, bằng hữu, xóm giềng giết nhau. Tại Huế, các chiến binh của ông Linh đã giết khoảng năm ngàn người tay không, nghe mà tưởng chuyện của thời quân Mông Cổ chiếm thành của một dân tộc khác tám thế kỉ trước! Đạo lí nào, truyền thống nào của dân tộc cho phép con dân nước Việt làm như thế? Các chính ủy của ông Linh đã tuyên truyền thế nào mà người Việt có thể căm thù người Việt tới vậy?
Trước khi cuộc chiến mà ông Linh góp phần quan trọng lãnh đạo bùng lên, Miền Nam đang giàu có, dân chúng đang sống thanh bình no ấm. Năm 1960, GDP/người của Miền Nam tự do là 223 USD, cao gấp 3 lần con số 74 USD của Miền Bắc cộng sản.
Lúc ấy chiến tranh vừa chấm dứt vài năm, hai miền Nam Bắc vừa khắc phục hậu quả chiến tranh và bắt tay tạo dựng cuộc sống thanh bình. Thay vì dốc sức xây dựng Miền Bắc cho đời sống dân chúng khá lên, ông Linh và các đồng chí ông lại đưa cán binh Cộng sản từ Miền Bắc nghèo kém vào đánh phá Miền Nam sung túc. Hậu quả của cuộc chiến đó là kinh tế Miền Nam ngày càng tuột dốc nhanh. Miền Nam càng tuột dốc, càng tan nát, ông và các đồng chí càng phấn khởi, vui mừng. Càng gia tăng đánh phá, đào mô, phá cầu, giựt mìn, pháo kích, ám sát…
Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Khi làm như vậy, ông Linh và các đồng chí ông có yêu thương dân chúng Miền Nam không? Có yêu thương dân chúng Miền Bắc không? Có tấm lòng ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển Dân tộc không? Nếu nói rằng có, ắt chúng ta cũng nên làm một cuộc thăm dò xem dân chúng Miền Nam có thích được yêu thương như vậy không.
Cuộc chiến tàn khốc mà ông lãnh đạo giương cao ngọn cờ “Chống Mỹ Cứu Nước”, bởi vì “Mỹ là giặc cướp nước”. Bây giờ, ai cũng thấy Mỹ không cướp nước Việt Nam. Nếu ông và các đồng chí không đánh Miền Nam từ cuối những năm 1950, Mỹ đã không đổ quân vào Việt Nam năm 1965. Ông Linh lo sợ Mỹ khai thác tài nguyên của Miền Nam, bóc lột dân chúng? Không biết ông có cặp mắt nhìn gần quá không, nhưng thời đại đã khác xa rồi. Mỹ là nước giàu mạnh nhất thế giới, tổ chức xã hội hữu hiệu nhất thế giới, là nước dẫn đầu Thế giới Tự do. Quyền lợi của Mỹ nằm ở chỗ bảo vệ Thế giới Tự do chống lại làn sóng đỏ Cộng sản. Để yên cho Miền Nam thanh bình xây dựng kinh tế và làm đồng minh của Mỹ có lợi biết bao: kinh nghiệm xây dựng xã hội Tự do Dân chủ, thiết lập các giá trị sống tiến bộ, hệ thống luật pháp, trình độ quản lý, đầu tư, khoa học, công nghệ… bao nhiêu là tri thức trao đổi và chuyển giao cho Miền Nam. Thời đại đó, kích thước và tính chất dân số đó, tài nguyên đó… bao nhiên là điều kiện cho Miền Nam phát triển, đến nỗi ông Lý Quang Diệu bên Singapore phải thèm thuồng, mơ ước!
Miền Nam phát triển mạnh cũng có nghĩa là tổ quốc Việt Nam của dân tộc Việt Nam mạnh. Năm 1960, xã hội Miền Nam văn minh, chất lượng cuộc sống dân Miền Nam tươi đẹp và đầy triển vọng. Tốt đẹp hơn Miền Bắc, và tốt đẹp hơn Trung Công rất nhiều. Thay vì gìn giữ hòa bình cho dân tộc, tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hai miền để Nam và Bắc Việt Nam cùng giàu mạnh, thì chiến binh Miền Bắc mang vũ khí Trung Cộng trùng trùng lớp lớp tiến công Miền Nam gây thảm cảnh nồi da xáo thịt, đất nước tan tành!
Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Khi làm như vậy, ông Linh và các đồng chí của ông có nhìn được cục diện chính trị, khuynh hướng phát triển của thế giới không? Có thấy được dã tâm Trung Cộng thúc đẩy hai Miền Việt Nam chém giết nhau để tự hao mòn nguyên khí không?
Cần biết rằng lúc đó Việt Nam đã có những nhà trí thức, nhà hoạt động chính trị nhìn sự việc rõ như ban ngày, đã phân tích và đưa ra các tiên đoán tình hình thế giới và quan hệ Trung Quốc-Việt Nam mà ba mươi năm sau thực tế cho thấy rất chính xác. Ông Ngô Đình Nhu, trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, từ năm 1960 đã nói: Nếu các nhà lãnh đạo Miền Bắc không thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản thì: a) sự phát triển của dân tộc sẽ bế tắc, và b) mở cửa đưa các thế hệ sau này vào vòng lệ thuộc rồi bị xâm chiếm bởi Trung Cộng.
Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Ông Linh và các đồng chí ông có đủ tầm nhìn của một “nhà lãnh đạo tài năng, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam”, như ông Lê Thanh Hải ca tụng (2), để thấu hiểu các lời tiên đoán chính trị rất đúng đắn của ông Nhu không? Và nếu ông Linh có tầm nhìn đó, thì ông có mục tiêu gì khi lãnh đạo cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước” tàn phá Miền Nam? Mục tiêu đó có đồng hành với mục tiêu phát triển đất nước lâu dài không?
Phần 2: Giai Đoạn Xây Dựng, Bảo Vệ Tổ Quốc Việt Nam Từ Sau Năm 1975
Sau khi Việt Nam được thống nhất bằng bạo lực và đặt dưới quyền toàn trị của đảng CSVN, toàn bộ đất nước suy sụp nhanh chóng.
Sự suy sụp bắt đầu từ việc chính quyền thắng trận, bằng các thủ đoạn mang tính lừa gạt, lùa viên chức chính quyền và quân đội chế độ Miền Nam vào các trại cải tạo, thực chất là các nhà tù, giam cầm và đày ải họ suốt những năm dài sau đó. Trong khi đó, bên ngoài trại cải tạo, dân chúng bị tước đoạt tài sản qua các chiến dịch đánh Tư sản mại bản, cải tạo Công Thương Nghiệp, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ…
Những chứng nhân thời cuộc những năm 1975-1985 còn nhớ cảnh tượng kinh hoàng của một xã hội từ Tự do và Công bằng trở thành Toàn trị và Phân biệt đối xử, từ có cơm ăn áo mặc trở thành ăn độn, rách rưới, từ nề nếp và đạo đức trở thành xô bồ với mọi giá trị đảo lộn… chỉ trong vòng vài năm!
Khi xã hội suy thoái cùng cực, tên tuổi ông Linh được gắn với bút danh NVL kí dưới các bài báo “Những Việc Cần Làm Ngay” nêu lên những sự kiện trong xã hội và yêu cầu sửa đổi.
Thực ra các bài báo ngắn với bút danh NVL đó chỉ để giải quyết một vài cách làm quá tệ hại của đảng CSVN đang cầm quyền. Những việc nêu lên nhỏ quá so với tầm của một nhà lãnh đạo cỡ ông. Các bức xúc mà chúng đề cập chỉ như những chiếc lá nhỏ ngoài đầu cành con, không hề động tới các nhánh bên trong, tới thân cây hay gốc cây.
Việc tham gia giải quyết thiếu lương thực… cho thành phố cũng vậy. Nó chỉ giúp cho lòng dân tạm dịu cơn bất bình và đảng của ông kéo dài thời gian thống trị trên đất nước bị kìm hãm mà giàu tiềm năng này.
Buổi đầu, ông được mọi người nhìn như một nhà đổi mới. Nhưng khi các vấn đề xã hội và đất nước bắt đầu cần các thay đổi căn bản hơn một chút thì ông dần dần bộc lộ là một người bảo thủ, rất bảo thủ. Bảo thủ với ý nghĩa ông là một nhà lãnh đạo “luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của đảng”, luôn kiên định lập trường “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (3).
Trước hết ông chống lại tất cả các chính sách cởi mở hơn, nới rộng hơn quyền tự do cho dân chúng. Ông chống lại Tự do báo chí và quyền ra báo tư nhân.
Ông chống lại các khuynh hướng đổi mới tư tưởng trong nội bộ đảng của ông. Ông chống tất cả những yêu cầu mang lại Tự do hơn cho dân chúng, chống tất cả những yêu cầu giảm tính toàn trị trong sự thống trị của đảng ông trên đất nước này. Ông là nhân vật quan trọng tham gia hạ bệ ông Trần Xuân Bách, người đồng chí trong Bộ Chính trị có tư tưởng hướng về đa nguyên.
Bởi vì ông biết chắc chắn rằng, khi người dân có quyền tự do hơn, có kiến thức hơn về cách tổ chức xã hội, về quyền con người của đa số các quốc gia trên thế giới, thì cái mặt nạ “của dân, do dân và vì dân” của chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt hoàn toàn bị lột ra trước công chúng. Những điều gian trá đảng ông đã làm trong quá khứ sẽ bị phơi bày. Điều này được một hậu duệ của ông tuyên bố thật thà: “Bỏ điều 4 Hiến pháp nghĩa là chúng ta tự sát”. Do đó, ông rất kiên định trong việc tăng cường tính lãnh đạo của đảng, đồng nghĩa với việc không cho dân chúng hưởng bất cứ một quyền tự do căn bản nào. Quả thực, ông rất kiên định với mục tiêu không gì lay chuyển được cho “đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi lãnh đạo nước Việt Nam” như ông đã từng tuyên bố.
Khi hệ thống Cộng sản thế giới rung rinh và sắp sụp đổ cuối thập niên 1980, ông Linh càng thể hiện là người mong muốn cứu vãn hệ thống ấy trên thế giới. Những vận động cuống cuồng và nháo nhào của ông trong thế cờ tàn của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở mức độ toàn cầu cho thấy tầm vóc tri thức, tư tưởng thảm hại của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đau đớn thay cho Việt Nam, vào thời điểm rất quan trọng của lịch sử thì lại có một người lãnh đạo thiếu kiến thức như thế! Vậy là, trong khi các nước Đông Âu và Liên Xô, những nước Cộng sản hùng hậu và tiêu biểu nhất thế giới, quyết định từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản để mà tổ chức xã hội theo mô hình Tự do Dân chủ, Tam quyền phân lập và từ đó đưa đất nước họ ngày càng ổn định và giàu mạnh, ấm no hơn, thì Việt Nam, sẵn lợi thế có một Miền Nam nhiều kinh nghiệm của thế giới Tự do, lại bị đẩy sâu hơn vào thể chế toàn trị Cộng sản. Trong việc này, ông Nguyễn Văn Linh có “cống hiến to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đảng”. Nhưng với Nhân dân, với Miền Nam thì ông Linh đã mang lại những tác hại to lớn lâu dài cho tương lai dân tộc.
Bởi vì, để giữ thể chế toàn trị Cộng sản lỗi thời trên tổ quốc Việt Nam, ông đã cùng với dàn lãnh đạo cao nhất nước sang Thành Đô phủ phục trước đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc. Tác hại của Hội nghị Thành Đô đó khủng khiếp tới mức ông Nguyễn Cơ Thạch, một đồng chí trong Bộ Chính trị của ông phải thốt lên: “Một thời kì Bắc Thuộc mới đã bắt đầu!”
Trước Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc đã tiến đánh Việt Nam. Cuộc chiến biên giới giết chết mười vạn quân dân Việt Nam, san bằng các thành phố họ đi qua. Sau đó là cuộc chiến ngoài biển giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, chiếm của Việt Nam một số đảo mà hiện nay là căn cứ quan trọng để Trung Quốc uy hiếp toàn bộ lãnh thổ nước ta. Dư âm các cuộc chiến còn vang vọng, máu của dân ta còn nhỏ tươi dòng, lòng dân ta còn căm phẫn, chỉ vì ích kỉ bảo vệ đảng Cộng sản lỗi thời của riêng mình, ông Linh nỡ tròng cái ách nô thuộc của Trung Hoa lên đầu dân tộc!
Trước Hội nghị Thành Đô, dù tiến đánh Việt Nam, Trung Hoa chỉ là người hàng xóm hung hăng ngoài cửa. Sau Hội nghị Thành Đô, họ là thầy, là cha chú của Việt Nam. Nhìn họ cười ngạo nghễ trước giới cầm quyền Việt Nam khúm núm, nhìn họ hung hăng lấn chiếm và chính quyền Việt Nam hèn yếu cúi đầu, nhìn họ ra lịnh và chính quyền Việt nam vâng lời đàn áp dân chúng… lòng người Việt Nam nào không đau? Họ đã bước vào bên trong Việt Nam qua các vùng lãnh thổ Tây Nguyên, các tỉnh địa đầu biên giới, các vùng đất hiểm yếu của Việt Nam. Người dân tin rằng họ đã nằm trong giới cầm quyền cao cấp của đất nước…
Các tham luận cùng nhận định cho rằng ông Linh đã cống hiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp “xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tôi không hoài nghi và cũng không thảo luận nhận định này.
Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Trong khi “xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” ông Linh có làm hại cho việc xây dựng và bảo vệ “tổ quốc Việt Nam chung của dân tộc chúng ta” không?
“Tổ quốc Việt Nam chung của dân tộc chúng ta”, ý của người viết muốn nói tổ quốc Việt Nam từ thủa bình minh của những bộ tộc Việt trên châu thổ sông Hồng, qua hai ngàn năm lớn lên, tiếp theo một ngàn năm Bắc thuộc, rồi giành lại độc lập tới giờ hơn một ngàn năm nữa. Tổ quốc đó, được bảo vệ và phát triển qua bao đời, từ xa xưa tới nay, thành một dãy đất hình chữ S kéo dài từ ải Nam Quang tới mũi Cà Mau, ngoài khơi có các đảo Cát Bà, Cái Bàn, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc… Trên dải đất đó, dân tộc Việt Nam thấm nhuần truyền thống lòng hiếu thảo, tình đồng bào, tình làng nghĩa xóm và tinh thần chống ngoại xâm, cái họa ngoại xâm thường trực đến từ láng giềng phương Bắc. Hai chữ Tổ quốc đó, vài dòng không diễn hết ý, mà ngàn trang cũng không đủ, chỉ biết đối với những người Việt nặng lòng với đất nước tổ tiên thì tâm tình Tổ quốc luôn rào rạt trong từng mạch máu, và réo sôi khi vận nước nguy nan.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1) HỒNG HIỆP. Bài Học Về Tư Duy Đổi Mới Và Gắn Bó Với Dân. SGGP, số 13668, ngày 23-6-2015, trang 2.
2), 3) LÊ THANH HẢI. Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo tài năng, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. SGGP, số 13668, ngày 23-6-2015, trang 3.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment