Sau một thời gian khá yên lắng, “phong trào” phá rừng, lấn chiếm đất công trên đảo Phú Quốc lại tái diễn khá mạnh mẽ. Đặc biệt, sau khi có quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi một số diện tích đất rừng để phục vụ quy hoạch phát triển chung…
Đất rừng trên đảo cũng bị phân lô, tranh chấp quyết liệt.
Chúng tôi len vào một khu đất rừng ở ấp 3, xã Cửa Cạn thì bắt gặp một nhóm người đang chặt phá. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi vứt con dao phát dài khoảng 1,5m ngay trước mặt tôi nói: “Chúng tôi chỉ là người làm thuê. Ông chủ đang ở đầu đường trên kia, chỗ chiếc xe hơi màu trắng đang đậu”. Đi tiếp vào trong lại thấy một chiếc xe cuốc đang đào bới cây rừng lớn, móc rãnh, phân lô. Cả một khu rừng khoảng trên 10 ha đã bị lâm tặc đốn hạ, đốt nham nhở.
Tuy nhiên, vụ phá rừng cách trạm kiểm lâm và UBND xã chừng vài cây số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại những nơi rừng chưa bị chặt phá đã thấy có hiện tượng phân lô. Một người dân trong vùng cho biết: Khu vực đó là đất rừng, đất nhà nước quản lý nhưng thấy mua bán tùm lum, giá 3 tỷ đồng/ha. Thậm chí tranh chấp quyết liệt, họ đưa cả xã hội đen vào giải quyết.
Khu đất rộng hơn 1 ha nằm ngay sau trụ sở ấp 3. Trước đây, ông Hà Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn xin hợp thức hóa nhưng không được chấp thuận vì đây hoàn toàn là đất rừng. Tuy nhiên, không biết bằng con đường nào lô đất do Nhà nước quản lý, trị giá khoảng 7 tỷ đồng này đã được cấp sổ đỏ. Người đứng tên là ông Lê Việt Hùng với sổ đỏ số: BO400920.
Thực tế, đất có quyết định thu hồi vẫn bị tái chiếm. Đó là trường hợp 4.143m2 đất cấp cho ông Trần Đình Chiến, tại ấp 2, xã Cửa Cạn. Tại bản báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung báo Tiền Phong đăng “Nhiều dấu hiệu tham nhũng đất đai ở Phú Quốc” ngày 26/10/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ông Lê Văn Thi đã nêu rõ đất cấp cho ông Chiến là do Vườn quốc gia quản lý, thuộc tiểu khu 81. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chiến là trái pháp luật. UBKT Huyện ủy Phú Quốc cũng đã có kết luận, kiến nghị UBND huyện này thu hồi sổ đỏ cấp trái pháp luật. Thế nhưng lô đất hiện đã bị tái chiếm, phát trắng cả một khu rừng và đang được rao bán 4 tỷ đồng.
Tại các xã Gềnh Dầu, nơi tiếp giáp với các “siêu” dự án du lịch, tình trạng lấn chiếm, mua bán đất rừng, đất Nhà nước quản lý cũng diễn biến phức tạp. Theo một cán bộ địa chính xã, qua kiểm tra sơ bộ có 14 hộ lấn chiếm 2,7 ha đất công. Các đối tượng lấn chiếm là dân địa phương, trước đây, họ từng có đất nhưng đã bán tiêu xài hết. Nay “bần cùng sinh đạo tặc” liều mình chiếm đất công dựng nhà ở. Thậm chí nhiều trường hợp còn lấy đất công bán. Đặc biệt, một vụ phá rừng thuộc Vườn quốc gia quản lý quy mô lớn vừa được phát hiện tại ấp Gềnh Dầu (xã Gềnh Dầu) đang được xem xét để khởi tố hình sự.
Báo cáo của UBND xã Gềnh Dầu gửi Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc cho thấy diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm lên đến 2,2 ha. Đây là một vị trí đất rừng tuyệt đẹp nằm gần biển. Bà Nguyễn Thị Công (còn gọi là Hai Mực) ban đầu đã thừa nhận thuê xe cuốc vào phá rừng. Khi phóng viên báo Tiền Phong hỏi mua thì bà Hai Mực nói đang nhờ người thân trong tỉnh làm sổ đỏ giá bán mỗi ha là 40 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Ai là người chịu trách nhiệm khi đất rừng bị lấn chiếm, mua bán bất hợp pháp?”, ông Ngô Thanh Xuân – Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, nói: “Cả chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chung về vấn đề này”. Tuy nhiên, ông Xuân cũng thừa nhận địa phương đang gặp khó khăn khi ngành kiểm lâm chưa bàn giao thực địa đất rừng đã có quyết định chuyển đổi cho xã quản lý.
Với việc hàng trăm héc ta đất rừng Vườn quốc gia, đất rừng phòng hộ ở đây sẽ được chuyển đổi để phát triển du lịch và quy hoạch phát triển chung, nhiều người đã lợi dụng cơ hội này để chiếm đất rừng nhằm trục lợi.
No comments:
Post a Comment