Sunday, June 14, 2015

Đồng bào thiểu số Tây Nguyên và vết thương “kinh tế mới”

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA -2015-06-13
tay-nguyen-622.jpg

Người dân Tây Nguyên trên đường ra rẫy làm công.RFA

Hiện tại, người đồng bào thiểu số Tây Nguyên đang dần bị đẩy vào rừng già, đời sống co cụm, người may mắn thoát được thì sẽ ra phố, gìn giữ được bản sắc, người không may mắn bị đẩy lùi dần vào rừng già. Rất tiếc là đa số bị đẩy vào rừng sâu, chỉ có vài gia đình may mắn nhờ vào vốn liếng tích lũy nhiều đời đã mua được nhà ở thành phố nên chuyển hóa theo đời sống thành phố. Và đứng trên giác độ người thiểu số sống giữa thành phố hoặc người thiểu số sống giữa rừng già thì đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn bị mất bản sắc theo thời gian, do điều kiện xã hội khắc nghiệt.

Vấn đề bị diệt chủng?

Nhà thơ Bình Minh, sống ở Krong A Na, Đắk Lắk, chia sẻ: “Người Kinh mới lên hồi đó thì chọn vùng đất nào chưa có chủ thì mình canh tác, hoặc là mua đất của họ. Có khi mình trồng cho họ một hecta cà phê thì người đồng bào thiểu số sẽ cho mình một ít đất. Nói chung là hơn 70% người Kinh sống ở đây, người thiểu số đã giảm xuống còn chưa tới 30% dân số tây Nguyên”.
Người Kinh mới lên hồi đó thì chọn vùng đất nào chưa có chủ thì mình canh tác, hoặc là mua đất của họ. Có khi mình trồng cho họ một hecta cà phê thì người đồng bào thiểu số sẽ cho mình một ít đất. Nói chung là hơn 70% người Kinh sống ở đây, người thiểu số đã giảm xuống còn chưa tới 30% dân số tây Nguyên.
-Nhà thơ Bình Minh
Theo nhà thơ Bình Minh, vấn đề người thiểu số Tây Nguyên bị đẩy lùi vào rừng già và mất dần bản sắc không còn là vấn đề xã hội đơn thuần mà có thể đánh giá trên bình diện nhân chủng học, sự đánh mất bản sắc của các tộc người thiểu số tại Tây Nguyên miền Trung Việt Nam cũng như nhiều vùng cao khác trên cả nước cho thấy nguy cơ bị diệt chủng sau khi mất gốc của họ là rất cao.
Vấn đề bị diệt chủng của một số tộc người thiểu số Tây Nguyên rất dễ nhận biết chứ không phải là chuyện nói quá. Bởi lẽ, khi bị đẩy lùi vào rừng già, đời sống kinh tế khó khăn, người đàn ông trụ cột trọng nhà trở nên yếu đuối trước xã hội hiện tại bởi anh ta không có gì ngoài khả năng chịu đựng nắng mưa, lặn lội rừng sâu săn bắt để đổi hạt gạo hoặc đi làm thuê cho người giàu dưới miền xuôi để lấp bữa qua ngày. Họ không thể làm gì khác bởi thiếu học, thiếu mọi thứ để có thể trưởng thành trong xã hội hiện tại.
Và với một khả năng tự có như vậy, người đàn ông dân tộc thiểu số Tây Nguyên trở nên không hấp dẫn trong mắt người phụ nữ của họ bởi họ không thể hứa hẹn một đời sống gia đình tốt đẹp, đủ ăn đủ mặc. Người phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Ê Đê dần xuôi xuống phố, tìm những người đàn ông Kinh có điều kiện kinh tế tốt hơn để nếu may mắn thì được cưới làm vợ, nếu không may mắn thì làm vợ lẻ, sống trốn chui trốn nhủi ở một căn phòng nào đó để phục vụ các ông chồng có tiền thích của lạ.
tay-nguyen-400.jpg
Một phụ nữ Ê Đê bán chôm chôm ở thành phố. RFA PHOTO.
Cũng không ít cô rơi vào con đường trụy lạc, lao như thiêu thân theo tiếng gọi của đồng tiền, đến khi mang bệnh vào thân lại lang bạt kì hồ, rày đây mai đó lây lất qua ngày, người nào may mắn còn có gia đình che chở, cho muỗng cháo qua bữa, người không may mắn chết đường chết chợ, không có ngày về.
Chính vì sức hút của đồng tiền, phải dầm mình trong bối cảnh xã hội mà ở đó, kẻ có tiền ăn trên ngồi trốc, người nghèo phải làm tôi mọi, bị coi khinh và bị đẩy dần vào rừng già, không có lối thoát đã đẩy các cô gái dân tộc thiểu số đến chỗ sa chân vào vũng lầy và đẩy các chàng trai thiểu số vào chỗ cô đơn, không thể kiếm được một tổ ấm gia đình, không thể tiếp tục duy trì dòng tộc. Càng về sau, nguy cơ tuyệt chủng các dân tộc thiểu số càng cao bởi hố ngăn xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá lớn.
Nhưng theo nhà thơ Bình Minh, nguyên nhân chính vẫn là những cuộc di dân kinh tế mới sau 30 tháng 4 năm 1975.

Vết thương “kinh tế mới”

Một người dân ở huyện Chư Sê, tên Tới, chia sẻ với chúng tôi thêm: “Thời kinh tế mới và di dân tự do diễn ra từ những năm sau 1975. Đa số lên đây vì sống dưới đồng bằng không nổi, bị ép đi lên đây. Mình bịu lùa đi. Người bắc ở trong này nhiều lắm, bị buộc đi là nhiều, họ thấy bức xô rồi thì phải đi thôi!”.
Ông Tới cho biết bản thân ông cũng là một cư dân thuộc diện di dân “kinh tế mới” do nhà nước phát động trong những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Dân “kinh tế mới” theo ông gồm hai loại: Tự động bỏ phố lên rừng để trốn những hà khắc của chế độ mới và; Di dân theo chương trình “kinh tế mới” của nhà nước.
Thời kinh tế mới và di dân tự do diễn ra từ những năm sau 1975. Đa số lên đây vì sống dưới đồng bằng không nổi, bị ép đi lên đây. Mình bịu lùa đi. Người bắc ở trong này nhiều lắm, bị buộc đi là nhiều, họ thấy bức xô rồi thì phải đi thôi!
-Ông Tới
Diễn giải thêm, ông Tới nói rằng cả hai diện di dân này đều không thoát khỏi cảnh khó khăn nơi đồng bằng bởi nhiều lý do. Một số người đã tự nguyện bỏ nhà cửa nơi thành phố vì biết chắc có ở vài tháng rồi cũng sẽ bị tịch thu nhà bởi lý lịch có liên quan đến chế độ cũ để lên núi tìm đất canh tác sống qua ngày. Một số gia đình khác có liên quan đến chính quyền cũ, đã bị tịch thu nhà cửa cũng bị đẩy lên khu “kinh tế mới”. Số ít còn lại do nghèo khổ, không có lối thoát, chọn đi “kinh tế mới”.
Và khi đến đây, họ sống chung với những người đồng bào dân tộc thiểu số, một số người tìm cách mua lại đất đai của những đồng bào thiểu số để canh tác. Ban đầu, việc mua bán chỉ mang mục đích duy nhất là có đất canh tác để cải thiện cuộc sống. Lúc đó, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống dựa vào du canh du cư nên họ cũng không coi trọng mảnh đất vườn nhà, đất rừng, họ đã bán cho người Kinh với giá rẻ bèo, chừng 2 hoặc 3 chỉ vàng trên một rẫy, mỗi rẫy có thể lên đến cả chục hecta.
Và cứ như vậy, người Kinh mua dần đất của người đồng bào thiểu số, làm thủ tục chuyển nhượng và xác định chủ quyền sử dụng lâu dài. Mãi cho đến lúc chính sách cải tạo vườn rừng của nhà nước thò đũa vào Tây Nguyên, lượng đất đã khai thác bởi người đồng bào thiểu số không còn, phần lớn người di dân kinh tế mới đã có chủ quyền sử dụng. Quĩ đất còn lại để cho các dự án trồng rừng ngắn hạn nhắm đến chính là những nơi người đồng bào thiểu số mới khai phá, phát hoang làm rẫy.
Khi những rẫy mới bị nhà nước xếp vào diện đất toàn dân và “tiếp quản”, người thiểu số lại một lần nữa bị đẩy tuột vào rừng sâu, đời sống của họ bị rớt hẳn vào núi rừng, xa đời sống con người, xa chợ búa, xa mọi thứ ánh sáng văn hóa miền xuôi cũng như miền trung du. Một hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo cũng đẩy mối quan hệ giữa người thiểu số giàu và người thiểu số nghèo về hai phía, cuối cùng, đời sống của người nghèo rớt hẳn vào chỗ lạc hậu, thiếu thốn mọi bề, thiếu đất canh tác và đói khổ, thất học.
Một khi những vấn đề về kinh tế, văn hóa, giáo dục trở nên xa lạ, trong khi đó rừng thiêng cũng trở nên xa lạ bởi muốn khai thác cây gỗ làm nhà cũng không được, rừng đã do nhà nước quản lý… Thì đời sống của bà con dân tộc thiểu số chỉ còn một hướng duy nhất, đó là lụi tàn. Và với bà con Ê Đê cũng như một số tộc người thiểu số khác, vấn đề cái ngày lụi tàn đang đến, ngồi chịu chết hay là đứng lên theo hồn thiêng sông núi để cứu lấy giống nòi đang đến rất gần với họ.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment