Monday, May 11, 2015

Trung Quốc đã bồi đắp 800 héc ta ở Biển Đông

WASHINGTON 10-5 (NV) .- Từ đầu năm 2014 đến nay, diện tích các bãi đá, các đảo mà Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông lên tới 800 héc ta. Khoảng 600/800 héc ta này được bồi đắp trong bốn tháng đầu năm 2015. 


 Trung Quốc cướp bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa  của Việt Nam rồi bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây dựng phi trường. Nay tuyên bố sẽ lập vùng cầm bay ADIZ. (Hình: CSIS)

Đó là một trong những thông tin được nêu tại Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố.

Theo báo cáo vừa kể thì việc bồi đắp của Trung Quốc tập trung vào bốn khu vực trong quần đảo Trường Sa và về cơ bản đã hoàn tất. Nay, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tại những khu vực đã được bồi đắp, với ít nhất là một phi đạo, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát, hệ thống thông tin. Nạo vét luồng lạch để các chiến hạm có thể dễ dàng ra vào quần đảo Trường Sa.

Những thông tin vừa nêu trong báo cáo vừa kể cho thấy, cảnh báo của nhiều quốc gia, chuyên gia an ninh – quốc phòng về việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, mở rộng các đảo hiện hữu, biến chúng thành một chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ biển Đông là hoàn toàn chính xác.

Ngay sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản bác với lý do, Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là thiếu cơ sở, cố ý bóp méo sự thật nhằm biến Trung Quốc trở thành một mối đe dọa.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố một cách chung chung rằng, việc Trung Quốc gia tăng khả năng quân sự là nhằm “giữ gìn an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”.

Dạo gần đây, những viên chức đại diện chính quyền Trung Quốc đưa ra rất nhiều tuyên bố nhằm trấn an cộng đồng quốc tế về các hành động bất thường, bất chấp luật pháp quốc tế của mình tại biển Đông và thường thì ngay sau đó, các viên chức này đột nhiên... đổi giọng.

Chẳng hạn hôm 1 tháng 5-2015, ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, ngỏ “lời mời” Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sử dụng các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, khi có nhu cầu tìm kiếm - cứu nạn.

Song song với lời mời này, ông Lợi giải thích thêm, việc Trung Quốc bồi đắp hàng loạt bãi đá tại biển Đông thành đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự là nhằm “cải thiện chất lượng các dịch vụ công cộng tại biển Đông như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương, tìm kiếm – cứu nạn”, góp phần “thực thi các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế”.

Đến ngày 2 tháng 5, ông Jeff Rathke, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuyên bố, Hoa Kỳ không quan tâm đến “lời mời” của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm, ngay cả khi các cơ sở được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo chỉ được sử dụng cho các mục đích dân sự và nhân đạo thì việc đơn phương bồi đắp các bãi đá đang còn tranh chấp về chủ quyền vẫn nguy hại cho hòa bình và ổn định trong vùng.

Ông nói nếu thật sự muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp, mở rộng các bãi đá. Muốn hợp tác cứu nạn, Trung Quốc nên làm việc với những cơ chế đa phương hiện có như cơ chế của ASEAN.

Bởi tuyên bố thẳng thừng của Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc huỵch toẹt, Trung Quốc “có quyền lập ADIZ tại biển Đông”.

ADIZ là cách gọi tắt cụm từ Air Defense Identification Zone - vùng nhận dạng phòng không. ADIZ do mỗi quốc gia tự xác lập dựa trên các qui định của công đồng quốc tế. ADIZ không phải là không phận mà là vùng trời liên quan đến an ninh – quốc phòng của một quốc gia. Do vậy, tất cả các phi cơ dân sự qua lại ADIZ phải thông báo trước, phải theo hành lang bay được qui định, phải giữ liên lạc và thực hiện tất cả các mệnh lệnh của quốc gia kiểm soát ADIZ. Các phi cơ dân sự có thể bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp khác nhau nếu không tuân thủ những yêu cầu vừa kể.

Theo nhiều chuyên gia an ninh - quốc phòng, trước đây, Trung Quốc chỉ có thể điều động các chiến hạm để xâm nhập biển Đông. Nay, chuỗi đảo nhân tạo tại biển Đông sẽ giúp Không quân Trung Quốc khống chế phía trên biển Đông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Đông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt.  (G.Đ)
05-10-2015 1:19:44 PM

No comments:

Post a Comment