Monday, May 11, 2015

Sài Gòn: Đám ma… vui chẳng kém đám cưới

SÀI GÒN 10-5 (NV) .- Tại thành phố Sài Gòn “nhiều đám ma... vui chẳng kém gì đám cưới nhưng cũng có những đám thuê người đến than khóc trông hết sức bi thương.”


Một người chuyển giới “biểu diễn” trong một đám tang ở Sài Gòn. (Hình: Người Lao Động)

Báo Người Lao Động hôm Chủ Nhật 10/5/2015 kể như vậy về các đám tang, một dịp mất mát không có gì bù đắp đối với thân nhân người quá cố, nhưng lại có những trò nhảm nhí không thể tưởng tượng nổi vẫn thấy diễn ra trong thực tế.

“Vừa tới đầu hẻm, chúng tôi đã nghe tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc, cứ ngỡ như lạc vào một quán bar. Trong lúc chúng tôi tìm chỗ gửi xe, một nhóm phụ nữ ngoài 40 tuổi cũng vào theo. Một phụ nữ quay lại giục những người cùng đi: “Nhanh lên, chuẩn bị có pê-đê hát kìa!”. Gửi xe xong, nhóm phụ nữ hấp tấp chọn một vị trí ngồi có góc rộng nhất để theo dõi.” Báo Người Lao Động kể câu chuyện về  một đám ma ở chung cư Hòa Hảo, quận 10, Sài Gòn.

Theo sự mô tả thì “Hơn 20 giờ, rất đông người đã đứng ngồi chật kín trước nhà tang chủ, nhốn nháo chờ đợi như đi xem đám hát ở quê. Bên trong, người nhà bận bịu cúng bái quanh quan tài. Bên ngoài, nhiều thanh niên choai choai reo hò cụng bia: “Dô! Dô!”, trong khi các nhạc công không ngừng đánh những bản nhạc yêu đương sôi động phục vụ người đến phúng điếu.”

Thấy ký giả tờ Người Lao Động ngỡ ngàng trước khung cảnh kỳ quặc ấy, người dẫn đường nói: “Thấy lạ không? Chuyện thường ngày ở huyện thôi! Những năm 2000-2006, ở Sài Gòn rộ lên phong trào thuê người hát múa, giờ đã giảm đi nhiều, chỉ thịnh hành những trò của các nhóm người chuyển giới”. Nói xong, Trung chỉ nhóm người đang đứng trước cửa nhà tang chủ: “Ráng đợi thêm một chút sẽ có màn hay, trình diễn sexy chẳng khác gì ở phố đèn đỏ Thái Lan”.

Quả thật, một lúc sau, khoảng gần 21 giờ, “một người chuyển giới ăn mặc khá hở hang, đứng giữa rạp cầm micro giới thiệu: “Sau đây là màn trình diễn có một không hai, chưa bao giờ xuất hiện trên kênh truyền hình trong nước lẫn quốc tế nào. Kính mời bà con chờ đợi trong trật tự để thưởng thức”. Dứt lời, bản nhạc nổi lên, 4 người chuyển giới bước ra trước sân. Họ mặc áo măng-tô kín cả người, biểu diễn tiết mục uốn éo như một vũ công. Những người dự đám ma được dịp reo hò, huýt sáo cổ vũ.”

Tờ NLĐ kể tiếp rằng “Đột nhiên, các “vũ công” từ từ trút bỏ chiếc áo măng-tô trên người, chỉ còn mỗi bộ đồ bikini rồi quay cuồng nhảy nhót. Trong đó, có người trình diễn màn múa lửa khá điệu nghệ. Đám đông nín thở khi một người chuyển giới kéo ngực ra để nhỏ sáp đèn cầy lên. Những người còn lại cầm rổ đi xin tiền những người đang xem. Ai xem mà không cho tiền liền bị những người này lườm nguýt, buông lời khó chịu.”

Tại đám ma này, theo Người Lao Động, “không ít người cứ chăm chăm vào những màn “trình diễn”, nhất là “tiết mục” múa sexy. Họ hò hét tán dương, át cả khung cảnh tang thương.”

Trước đó, vào tháng 3-2015, ký giả báo Người Lao Động “cũng mục sở thị một đám ma trên đường An Bình, quận 5, Sài Gòn. Tại đây, gia chủ thuê những đứa trẻ 4-5 tuổi hóa trang thành các linh đồng đu, bám quan tài múa may với quan niệm sẽ xua đuổi tà ma, tránh những người cõi âm lôi kéo xuống địa ngục. Nhiều người đến dự đám tang gặp cảnh này phải lắc đầu khó chịu.”

Chưa hết choáng trước những đám tang diễn trò đầy kỳ dị, nhà báo của NLĐ lại có dịp chứng kiến một đám ma “sầu não, u buồn tột đỉnh” trên đường Trần Nhân Tôn, quận 10. Ở đây, mỗi khi kèn tây vừa dứt là nhóm 3 người lại gào khóc tỉ tê: “Mẹ ơi, đừng bỏ con ra đi! Con vừa đi chợ về đã không còn thấy mẹ… Mẹ đi rồi chúng con biết nương vào ai… Mẹ ơi!”.

Nhiều người qua đường thấy cảnh khóc thương đã không khỏi rưng rưng đồng cảm với nỗi đau mất đi người thân của gia đình. Thi thoảng, 3 người mang khăn tang kia lại nằm lăn lộn bên chiếc quan tài, có người còn ngã ngửa như chực ngất lịm.

Báo Người Lao Động nói “Qua tìm hiểu, chúng tôi không khỏi ngớ người khi biết rằng tang chủ đã chi tiền thuê nhóm người bán nước mắt kia. Gia đình chỉ việc lo đón khách đến phúng điếu, đứng ở đầu hẻm để chào mời vào bên trong.”

“Càng về khuya, tiếng khóc càng nỉ non, ai oán. Người này mệt thì người kia thay thế. Cảnh bi lụy ấy kéo dài đến gần 3 hôm, mặc cho hàng xóm đóng kín cửa suốt ngày đêm nhưng vẫn không tài nào ngủ nổi.”

Nhiều năm trước người ta thấy những đám ma trên đường có ban nhạc vừa đi vừa chơi những bản nhạc từ “Cầu sông Kwai” đến các điệu tuýt, Jazz thật náo nhiệt, vui vẻ. (TN)
05-10-2015 3:01:49 PM 

No comments:

Post a Comment