Thursday, May 21, 2015

Quốc Hội CSVN lại hoãn bàn luật biểu tình

HÀ NỘI 21-5 (NV) - Luật Biểu Tình từng được loan báo sẽ được thông qua vào khóa họp cuối năm nay nhưng nay lại được đề nghị “lùi thời gian” sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tức cuối năm tới.


Các phụ nữ biểu tình vì cây xanh ở Hà Nội bị Công an bắt giữ hồi tháng Tư 2015. (Hình: FB Tất Thành Phan)

Theo tin của một số báo tại Việt Nam, ngày 21/5/2015 tức ngày họp thứ hai của Quốc hội Khóa 8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội loan báo “Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian trình dự Luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV”.

Kỳ họp thứ hai năm tới là thuộc quốc hội khóa mới sẽ có nhiều mặt cũ về vườn và một số mặt mới theo sự “cơ cấu” của Bộ Chính Trị. Lý do bề ngoài thấy loan báo của sự trì hoãn dài dài chuyện thảo luận và biểu quyết Luật Biểu Tình là “do có một số nội dung phát sinh cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, và tham khảo kinh nghiệm quốc tế”.

Hiến pháp năm 2013, điều 25 vẫn xác định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, theo quy định của pháp luật.”

Nhưng chỉ có những cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức thì mới được “biểu tình”. Bất cứ cuộc biểu tình nào của người dân “tự phát” đều bị quy chụp tội danh “bất hợp pháp” và có thể bị bắt giữ.

Nhiều tổ chức quần chúng từng kêu gọi Quốc Hội biểu quyết thông qua luật biểu tình, nhưng cho đến nay, người ta không biết nội dung của nó như thế nào. Luật lệ hiện hành chỉ để giúp nhà nước kiểm soát quần chúng theo nhu cầu độc tài đảng trị.

Dự thảo Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo bị Giáo hội Công Giáo phê phán chỉ là công cụ giúp nhà cầm quyền trói tay các giáo hội tôn giáo sinh hoạt theo những quy định áp đặt của nhà nước và bị coi là một bước thụt lùi về quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam.

Mới giữa tháng trước, hàng trăm người dân tỉnh Bình Thuận đã biểu tình chặn quốc lộ 1A gây trở ngại lưu thông suốt nhiều cây số và suốt nhiều giờ để phản đối nhà máy nhiệt điện xả khói, để bụi xỉ than theo gió ô nhiễm trầm trọng môi trường sống. Nhiều người không che giấu được sự phẫn nộ đã ném đá vào lực lượng công an cảnh sát được đưa tới đàn áp.

Tháng 5 năm ngoái, hơn 1,400 người dân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và Sài Gòn đã bị nhà cầm quyền các địa phương bắt giữ vì biểu tình bạo động chống Trung Quốc. Hình ảnh công an thường phục bắt giữ, kéo lê một số phụ nữ khi tuần hành vì cây xanh ở Hà Nội hồi tháng trước gây phẫn nộ trong dư luận.

Nhà cầm quyền CSVN đã dạo đờn soạn thảo Luật Biểu Tình từ năm 2011 và năm nào cũng thấy Quốc Hội "lôi ra rồi lại cất vào."

Theo tin tức tại kỳ họp thứ 9, của Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2015), Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật biểu tình, và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (cuối năm 2015) sẽ thông qua dự luật biểu tình. Tuy nhiên, Bộ Công An lại “có tờ trình gửi thủ tướng chính phủ về việc tạm lùi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật biểu tình đến… tháng 10-2016”. (TN)


05-21-2015 6:09:02 PM

No comments:

Post a Comment