Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-05-04
Bích chương bầu cử lập pháp năm 2011. Ảnh minh họa-AFP
Một trong những sự kiện làm nhiều người chú ý trong tháng Tư vừa qua là trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tại Cuba, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện hai nhân vật bất đồng chính kiến là ông Hildebrando Chaviano, 65 tuổi, và ông Yuniel Lopez, 26 tuổi, chạy đua vào Hội đồng thành phố Havana. Cuba là một quốc gia có những tuyên bố về ý thức hệ rất giống Việt nam trong nhiều thập niên. Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa về ý kiến của một số nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến về sự kiện này cũng như khả năng diễn ra một kịch bản tương tự tại Việt nam.
Việt nam và Cuba giống và khác?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một người bất đồng chính kiến hiện sống ở Đà Lạt, nhận định về chuyện lần đầu tiên chính phủ Cuba cho phép những người đối lập tham gia ứng cử:
“Anh em nhà Fidel họ rất là khôn, họ làm như thế để có cái dễ giải ngay về mặt kinh té về mặt ngoại giao. Dân Cuba thì có tính cách thẳng thắn, dễ hơn tính Á Đông của dân Việt nam. Nhưng mà dư luận họ cũng cho rằng anh em nhà Fidel chưa chắc đã theo dân chủ một cách dễ dàng.”
Ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà đối lập hiện sống ở Hà nội, và từng làm việc ở Tạp chí cộng sản, cơ quan tuyên truyền ý thức hệ của đảng cộng sản nói là ông thấy sự quyết tâm cải cách về chính trị của Cuba cao hơn Việt nam.
Trong vài năm gần đây vài nhân vật bất đồng chính kiến của Việt nam cũng từng ra ứng cử một cách độc lập như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân,… Nhưng những người này bị loại ra bởi những cuộc họp ở khu phố, không đi vào được danh sánh ứng cử viên.
Hai nhân vật người Cuba tham gia ứng cử trong tháng tư vừa qua vẫn đi đến được danh sách ứng cử, mặc dù họ phải chấp nhận việc cơ quan bầu cử ghi những bình luận xấu trong lý lịch của họ được công bố trước cử tri.
"Anh em nhà Fidel họ rất là khôn, họ làm như thế để có cái dễ giải ngay về mặt kinh té về mặt ngoại giao. Dân Cuba thì có tính cách thẳng thắn, dễ hơn tính Á Đông của dân Việt nam. Nhưng mà dư luận họ cũng cho rằng anh em nhà Fidel chưa chắc đã theo dân chủ một cách dễ dàng"-Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Cả hai nhân vật này đều thất bại.
Ông Hạ Đình Nguyên một cựu sinh viên tranh đấu tại Sài gòn trước năm 1975 và trong thời gian qua cũng có tham gia phản biện các chính sách của nhà nước Việt nam, nhận xét về chuyện thất bại của những người đối lập ở Cuba cũng như hiện tình của phong trào đối lập tại Việt nam
“Bởi vì họ không cho đối lập hình thành nên nó không có thế lực. Mà đối lập ở Việt nam thì thực ra không có lực lượng đối lập, cũng không có người nào đối lập có uy tín vì họ không cho phép chuyện đó xảy ra cho nên sẽ không có ảnh hưởng đến quần chúng nhiều.”
Thực trạng phong trào đối lập Việt nam
Ông Hà Sĩ Phu nói là phong trào đối lập Việt nam cũng chưa có tiếng nói
“Xã hội dân sự cũng phát triển hơn so với trước nhiều rồi, nhưng để đủ sức gây áp lực với họ hay đối thoại với họ thì chưa. Vì trước hết về tổ chức thì cũng không có tổ chúc nào thật mạnh, nhân vật cũng chưa có nhân vật nào thật tiêu biểu.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cho rằng việc tự thân các phong trào dân chủ Việt nam giành được quyền lực là rất khó. Trả lời câu hỏi là nếu ngay lúc này đảng cộng sản Việt nam cho phép bầu cử tự do thì điều gì sẽ diễn ra, ông Bình nói rằng:
“Trong thời gian ngắn mà cho bầu cử tự do, chưa có sự chuẩn bị gì, nếu nói những người thuộc phong trào dân chủ sẽ áp đảo thì tôi ngĩ là không. Phong trào dân chủ Việt nam hiện nay chưa có sự chuẩn bị để ứng phó với kịch bản về sự sụp đổ chế độ trong tương lai gần. Đấy là cái điểm yếu nhất của phong trào dân chủ hiện nay.”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động dân sự và truyền thông tự do ở Hà nội giải thích nguyên nhân của sự yếu kém của phong trào dân chủ tại Việt nam, cũng như những gì cần làm:
“Thực sự là những người đối lập ở Việt nam hiện nay chưa có đủ uy tín, chưa có đủ sự ủng hộ rộng khắp của quần chúng. Bởi vì nhà nước kiểm soát truyền thông quá lâu. Thực sự thì quần chúng cũng có những bức xúc đấy, vẫn có vấn đề này vấn đề kia đấy, nhưng thực sự tin tưởng ai là người đại diện cho họ thì không có. Tôi nghĩ là trong bối cảnh Việt nam, đấu tranh cho quyền lập hội, đấu tranh cho quyền tự do báo chí, quyền ra báo tư nhân, chỉ khi có sự tự do ngôn luận, tự do báo chí thì khi ấy sự vận động của các chính đảng đối lập, các người bất đồng chính kiến mới có sự tác động đến quần chúng, lúc đó quần chúng mới biết ai là ai để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước.”
Các nhà lãnh đạo Việt Nam. Từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi lăng cố chủ tịch Hồ Chí Minh hôm 20/10/2014.
"Những người trong chính quyền họ rất sợ đối lập. Họ sợ rằng nếu một mai này thay đổi thì tính mạng, tài sản và tất cả những gì liên quan đến cá nhân của họ sẽ bị ảnh hưởng, cho nên họ không dễ dàng chấp nhận một lực lượng đối lập đứng lên tham gia vào trong chính quyền"-Ông Nguyễn Lân Thắng
Trở lại chuyện nước Cuba có cùng ý thức hệ với Việt nam đã thực hiện một việc làm dưới áp lực kinh tế và ngoại giao, ông Hà Sĩ Phu nhận định về ứng xử của nhà nước cộng sản Việt nam hiện nay:
“Hiện nay họ vẫn rất chủ động trong chính sách lì lợm của họ, không có biểu hiện nào bị áp lực của thế giới đâu. Áp lực của thế giới chưa có nghĩa lý gì với Việt nam cả, chỉ có cái áp lực vào cái khối TPP mà Hoa Kỳ có áp lực đủ mạnh hay không thôi. Mà Hoa Kỳ thì tôi thấy không có gì mạnh mẽ trong chuyện này vì là họ vướng những kế hoạch quốc tế gì đó.”
Việc không chấp nhận lực lượng đối lập hình thành ở Việt nam là điều mà những nhà lãnh đạo hiện nay của đảng cộng sản cũng như của chính quyền Việt nam công khai tuyên bố. Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng một trong những nguyên nhân của việc phủ nhận đó là sự lo sợ:
“E ngại và lo sợ sự đối lập ở Việt nam nó rất là lớn. Điều đó một phần là do bởi bấy lâu nay, trong xu hướng đấu tranh, những người bất đồng chính kiến có cái đường lối đấu tranh, các phát ngôn nó mang màu sắc hận thù, làm cho những người trong chính quyền họ rất sợ đối lập. Họ sợ rằng nếu một mai này thay đổi thì tính mạng, tài sản và tất cả những gì liên quan đến cá nhân của họ sẽ bị ảnh hưởng, cho nên họ không dễ dàng chấp nhận một lực lượng đối lập đứng lên tham gia vào trong chính quyền.”
Một lý lẽ thường được các nhà lãnh đạo Việt nam đưa ra để không chấp nhận lực lượng đối lập, cũng như không chấp nhận cơ chế tam quyền phân lập là họ cho rằng xã hội sẽ bị hỗn loạn.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi về chuyện bầu cử tự do ở Indonesia, quốc gia có sự phức tạp về sắc tộc và tôn giáo nhiều gấp nhiều lần Việt nam, Tiến sĩ Vũ Tường, từ Đại học Oregon nói rằng cũng đã có sự lo ngại về xáo trộn tại quốc gia này, nhưng sau khi Tổng thống dân sự Widodo Jokowi đắc cử, các vấn đề tôn giáo và ly khai sắc tộc lại được giải quyết một cách êm thấm bằng thương lượng và nghị trường.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cuba-opp-candi-how-vn-05042015110745.html/05042015-cuba-opp-candi-how-vn.mp3
No comments:
Post a Comment