Tuesday, May 5, 2015

Công Giáo VN khuyên chính quyền viết lại dự luật tôn giáo

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam cần viết lại dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ðó là ý kiến của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam sau khi chính quyền Việt Nam đề nghị lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” cho dự luật này.

Chính quyền Việt Nam chỉ dành hai tuần cho lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” về dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.


Giám Mục Cosma Hoàng Văn Ðạt, tổng thư ký Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, người thay mặt Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ký tên vào thư góp ý cho dự luật tín ngưỡng, tôn giáo. (Hình: giaophanbacninh.org)

Trước đây, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo.

Tuy nhiên thư góp ý của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, gửi chủ tịch Quốc Hội Việt Nam và trưởng Ban Tôn Giáo chính phủ cho thấy, nội dung dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam “quảng cáo” trong thời gian vừa qua là một nỗ lực đáng ngại.

Theo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam mời lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” đã “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.”

Trong phần nhận định chung về dự luật này, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nhận định, dự luật bao gồm “những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân.” Thiếu sót quan trọng nhất của dự luật là không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân,” điều đó đồng nghĩa với việc không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp trước pháp luật Việt Nam.”

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phân tích 14 điểm bất hợp lý, không khả thi, mâu thuẫn với cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc lẫn Hiến Pháp của Việt Nam thể hiện ở nhiều chương, nhiều điều trong dự luật.

Do dự luật tín ngưỡng, tôn giáo trái ngược với cả tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền lẫn Hiến Pháp mới của Việt Nam, thậm chí còn có sự thụt lùi so với pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 bởi “tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở,” Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khẳng định rằng, Công Giáo Việt Nam “không đồng ý với dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.” Ðồng thời đề nghị “soạn lại một dự luật khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.”

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyến cáo, dự luật được việt lại cần phải được tham khảo ý kiến của các tổ chức tôn giáo và đặc biệt là chính quyền Việt Nam phải “công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo” để những pháp nhân này được bảo vệ bằng luật pháp.

Trong chuỗi thông tin ban đầu về thư góp ý cho dự luật tín ngưỡng, tôn giáo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, truyền thông quốc tế nhận định, đây là một phản ứng quả cảm. (G.Ð)
05-04-2015 2:37:10 PM

No comments:

Post a Comment