(Baodatviet) - Cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân về định hướng ban đầu và quy hoạch để đảm bảo công khai, minh bạch.
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị cho biết.
Chỉ sợ quá trình làm không minh bạch
Thời gian qua, thêm nhiều tỉnh, thành tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính ngàn tỷ, như Hải Dương, Cần Thơ, Khánh Hoà, Hà Tĩnh... dù đã có chủ trương cắt giảm chi tiêu công từ vài năm nay.
Trao đổi về hiện tượng này, ĐBQH Nguyễn Hữu Đức cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo không dùng tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để xây trụ sở một cách không cần thiết trong điều kiện nước ta đang cắt giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trụ sở nhiều cơ quan nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh như thuế, kho bạc, Sở NN&PTNT, VH-TT&DL... mới được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng tại khu đô thị bắc Nguyễn Du. Ảnh: VietNamNet
"Tuy nhiên, cùng với các công cụ cải cách hành chính, các địa phương cũng muốn cải thiện môi trường, địa điểm để người dân có thể tiếp cận với dịch vụ công của Nhà nước nhiều hơn.
Nếu các địa phương không sử dụng tiền ngân sách nhà nước và sử dụng các hình thức hợp tác hợp tác, đầu tư khác như xây dựng-chuyển giao (BT) hay sử dụng nguồn vốn từ nơi khác để thực hiện dự án thì có thể làm được trong điều kiện hiện nay. Những vấn đề này cần phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành và có sự hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Đức nói.
Trước băn khoăn trụ sở của nhiều sở, ngành tại Hà Tĩnh mới xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây vài năm mà tỉnh đã muốn xây trung tâm hành chính liệu có hợp lý, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng cần phải sự tham gia của cơ quan công sản Trung ương và địa phương trong vấn đề này.
"Cơ quan công sản ở Trung ương và tỉnh phải xem xét công năng của từng trụ sở các sở, ngành địa phương, cái nào vẫn sử dụng tốt thì tiếp tục sử dụng.
Tôi mới đi công tác ở Hà Tĩnh và thấy họ sắp xếp theo từng bước một: đầu tiên là lên quy hoạch tổng thể, sau đó rà soát lại công năng của các trụ sở để tận dụng một cách tối đa, rồi mới tập trung làm trụ sở với phương thức sử dụng ít tiền của Nhà nước nhất. Nếu làm được như thế thì rất tốt, chỉ sợ trong quá trình làm không minh bạch, rõ ràng, sử dụng không hiệu quả, xây dựng trụ sở mới lại bỏ trụ sở cũ đi rất lãng phí".
Liên quan đến ý kiến cho rằng, các địa phương chẳng tội gì không xây trụ sở vì vừa trụ sở lớn vừa tăng được GDP, ông Nguyễn Hữu Đức nhận định: "Về lý thuyết là như thế, còn vấn đề nguồn vốn từ đâu quan trọng hơn là hiệu quả. Nếu địa phương huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, công năng đúng quy hoạch như đã được cấp phép thì tội gì không làm. Như thế, vừa có trụ sở đàng hoàng, tạo cho người dân dịch vụ hành chính công tốt, GDP tăng lên, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đấy là điều hoàn hảo".
Lấy ý kiến nhân dân, ĐBQH tham gia giám sát
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đức, để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc xây dựng trung tâm hành chính, các tỉnh cần có quy hoạch tổng thể, trong đó tốt nhất là có sự tham gia của người dân bằng cách lấy ý kiến rộng rãi về định hướng đầu và quy hoạch.
"Người dân chính là những người sử dụng dịch vụ hành chính công, bộ máy nhà nước là để phục vụ nhân dân. Nếu người dân được tham gia ý kiến sẽ rất tốt, đảm bảo cơ sở về quy hoạch: có cần xây dựng hay không? Một trụ sở sẽ tập trung nhiều bộ, ngành vào đó hay chỉ một số bộ, ngành chính, trụ sở cũ bàn giao cho ai...
Bên cạnh sự giám sát cộng đồng về đầu tư, các đại biểu quốc hội ứng cử tại địa phương cũng tham gia giám sát. Hiện tại, như ở Hà Tĩnh chưa có phương án cụ thể nên chưa biết thế nào vì phải quy hoạch từng bước về không gian, địa điểm, công năng sử dụng của trụ sở mới, trụ sở cũ, tận dụng ra sao. Về nguồn vốn, có phải sử dụng ngân sách nhà nước hay không? Nếu làm theo hình thức BT thì rất tốt".
Chính vì thế, để đảm bảo minh bạch, một lần nữa ông Đức nhấn mạnh rất cần tăng cường sự giám sát của đại biểu dân cử tại địa phương và người dân.
Minh Thái
No comments:
Post a Comment