2015-04-09
Khu trục hạm USS Fitzgerald, một trong hai chiến hạm Mỹ thao dượt với hải quân Việt Nam, tháng tư 2015-PACOM photo
Ra ngoài cầu hòa, ở nhà tập võ
Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết những thỏa ước hợp tác quan trọng tại Bắc Kinh, trong khi hải quân Việt-Mỹ vừa bắt đầu cuộc thao dượt hoạt động chung hằng năm, và Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã đến Tokyo, đang bay qua Hàn quốc trong chuyến đi Đông Á đầu tiên của ông.
Sự trùng hợp về thời gian của những sự kiện này hoàn toàn là ngẫu nhiên. Tuy nhiên sự trùng hợp về mục đích của những hoạt động ngoại giao-quân sự đó lại bắt nguồn từ những hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Hạm Trưởng và sĩ quan chiến hạm USS Fort Worth gặp đối tác phía Việt Nam, chuẩn bị cuộc thao dượt Tháng 4-2015
Tại Bắc Kinh Việt Nam và Trung Quốc cam kết "duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung", ký kết kế hoạch hợp tác trong 5 năm tới, đồng thời cam kết sẽ tìm ra giải pháp hoà bình cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông. TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại ý hướng hòa bình của Việt Nam trong mối giao hảo với Trung Quốc. Nhưng ở ngoài khơi Đà Nẵng, hai chiến hạm US Fitzgerald và USS Fort Worth của Hoa Kỳ cùng hải quân Việt Nam đang tập luyện thực hành những "Quy tắc hành động trong tình huống đụng độ bất ngờ trên biển", và thao dượt kế hoạch cứu cấp dưới mặt biển, tức là cứu hộ cho những trường hợp nguy cấp liên quan đến tàu ngầm.
Trong khi ông TBT bày tỏ ý hướng tôn xưng "16 chữ vàng và 4 tốt" ở Bắc Kinh thì ngoài khơi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nơi tàu cá Việt Nam thường bị cướp phá, hải quân Việt Nam vẫn chuẩn bị đề phòng chiến tranh. Những tình huống nguy cấp đối với tàu ngầm thường xảy ra trong chiến tranh nhiều hơn là trong hoà bình, tuy rằng tai nạn tàu ngầm trong thời bình không phải là không có. Bên cạnh đó, những cuộc thao dượt thực hiện "quy tắc hành động khi đụng độ bất ngờ" trên biển, mà trên lý thuyết nói là để giảm nhẹ nguy cơ leo thang xung đột, thực chất là để chuẩn bị đối phó với nguy cơ xung đột quân sự hay an ninh trên biển.
Cảnh cáo "vạn sa trường thành"
Phía Hoa Kỳ, trước khi lên đường đi Tokyo, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ một lần nữa đã xác định quyết tâm của Hoa Kỳ trong chính sách tái quân bình lực lượng hướng về châu Á Thái Bình Dương. Nói chuyện tại đại học Arizona, Bộ trưởng Ashton Carter cho biết Hoa Kỳ đã chuyển vũ khí, tái phối trí quân đội và thi hành nhiều kế hoạch khác để hiện đại hóa tầm vóc quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, mặc dù những xung đột diễn ra ở Trung Đông, Ukraine và nhiều cuộc khủng hoảng khác đòi hỏi sự quan tâm của những người lập chính sách.
Bộ trưởng Carter nói thế lực của Trung Quốc không tranh giành được những quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh:
"Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải đồng minh, nhưng không cần phải đối nghịch. Mối quan hệ song phương sẽ trở nên phức tạp vì hai phía vừa hợp tác, vừa cạnh tranh." và ông nói thêm: "Mỹ và các đồng mình đều quan ngại sâu xa trước tính cách thiếu minh bạch của Trung Quốc về các chi phí quốc phòng, những hoạt động liên quan đến không gian ảo và những nỗ lực phô trương sức mạnh trong những hải phận tranh chấp xa khỏi bờ biển Trung Quốc."
Tại Tokyo hôm thứ tư, Bộ trưởng Ashton Carter cao giọng nói thẳng với Trung Quốc là đừng thay đổi hiện trạng ở biển Đông, quân sự không phải là giải pháp cho những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Dường như đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói đến "phản ứng mạnh mẽ" của Hoa Kỳ đối với bất kỳ quốc gia nào muốn sử dụng quân sự trong những cuộc tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước nay giới lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ ôn tồn kêu gọi các bên hành xử ôn hòa trong khi cùng nhau tìm giải pháp hoà bình qua thương lượng. Người Mỹ hầu như chưa bao giờ hay rất hiếm khi nói đến phản ứng quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh ở châu Á, đặc biệt là ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Hai Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Nhật họp báo tại Tokyo, 8 tháng 4, 2015
Những lời phát biểu mạnh mẽ như vậy dường như nằm trong một lập trường chung của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, vừa được tô vẽ lại cho rõ ràng trong một tình hình mới.
Mỹ-Úc phối hợp tác chiến
Tại hội nghị hàng hải ở Canberra, thủ đô Australia, vào cuối tháng ba, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ lần đầu tiên chỉ trích công khai, trực tiếp và mạnh mẽ việc Trung Quốc đang bồi đắp những rạn san hô, đá chìm ở Trường Sa thành những đảo nhân tạo kiên cố dùng vào mục đích quân sự.
Đô đốc Harry Harris gọi đó là hành động chưa từng có của Trung Quốc, đang kiến tạo một bức 'Trường thành bằng cát", gây nghi vấn về ý hướng của Trung Quốc là đối đầu hay hợp tác với các cường quốc khác trong khu vực. Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương đồng thời chỉ trích cả "đường Chín đoạn" do Trung Quốc áp đặt để giành chiếm chủ quyền biển Đông, mà theo ông nói là trong bối cảnh bất cân xứng sâu xa giữa sức mạnh của Trung Quốc so với các nước láng giềng nhỏ bé hơn.
Sự kiện này cho thấy giới quốc phòng và quân sự của Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho một kế hoạch nhằm xác định dứt khoát chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương là phải đương đầu với chính sách bành trướng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông, nếu không Trung Quốc sẽ bành trướng xa hơn nữa.
Tại hội nghị Canberra Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh quyết tâm tái quân bình lực lượng Mỹ cho châu Á Thái Bình Dương, cho biết ông đang thực hiện kế hoạch phối trí 60% lực lượng hải quân Mỹ vào Hạm đội Thái Bình Dương trước thời hạn năm 2020. Các cấp chỉ huy hải quân của Mỹ và Úc đã thảo luận cặn kẽ và sôi nổi về khả năng phối hợp tác chiến giữa các loại chiến hạm nổi của hai nước ở Thái Bình Dương. Đặc biệt các tướng lãnh Mỹ Úc còn thảo luận về học thuyết chiến tranh mới, tạm gọi là "Gây tổn thất đồng loạt" (Distributed Lethality) nhắm tăng cường và phân bố đều lực lượng tàu nổi của hải quân để có thể cùng lúc tấn công tiêu diệt nhiều mục tiêu ở khắp nơi.
Điều đáng chú ý ở hội nghị Canberra là hải quân Australia rất quan tâm tới khả năng hoạt động phối hợp của các chiến hạm Úc với hải quân Mỹ trong vùng biển tây Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển bao bọc Trung Quốc ở phía đông, phía nam, trải rộng qua phía đông Philippines, và xuôi nam qua biển Java, qua tới tận Ấn Độ Dương. Tin tức về hội nghị này còn cho hay Lầu Năm Góc đang nghiên cứu một kế hoạch theo đó các chiến hạm Mỹ thường xuyên đi qua vùng biển châu Úc, và mở rộng những cuộc tập trận hải quân bao gồm Úc và Ấn Độ. Tin này về hội nghị Canberra không nói tới Nhật Bản, nhưng kế hoạch thao dượt hải quân bốn nước Mỹ Nhật Úc Ấn đã được nói tới từ hai ba năm nay.
Tuần dương hạm Australia HMAS Canberra
Thêm vào đó, khi báo chí ở Tokyo hỏi cuộc tập trận chung của Mỹ và Philippines sắp diễn ra vùng biển Trường Sa có phải để phản ứng với hành động của Trung Quốc không, Bộ trưởng Ashton Carter trả lời rằng Mỹ và Philippines chia sẻ với nhau quyền lợi chung trong khu vực này, hai nước muốn bảo đảm rằng không ai có thể thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh, và cuộc tranh chấp lãnh hải không biến thành xung đột quân sự.
Dấu hỏi ở đây là Mỹ và Philippines thường tố cáo Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở biển Đông, nay cuộc tập trận Mỹ-Philippines làm sao để "bảo đảm không ai thay đổi hiện trạng"? Mục đích của các cuộc thao dượt hải quân tại Việt Nam cũng như Philippines nhắm tránh xung đột là mục đích được nói công khai. Đằng sau đó, mục tiêu đích thực của nó đã không được ai nói ra.
Với bức "Vạn sa Trường thành" như người Mỹ mô tả, Trung Quốc đã tỏ ra nhất quyết và công khai thực hiện chiến lược bành trướng về địa chính trị và quân sự, làm căn cứ tiến hành kế hoạch chiếm giữ toàn bộ hải phận Trường Sa rồi tiến tới công bố vùng nhận dạng phòng không, sau đó sẽ là toàn thể hải phận biển Đông.
Tiếng trống trận?
Diễn đàn này từng nói tới mùi thuốc súng phảng phất trên biển Đông vì chính sách bành trướng cả quân sự lẫn kinh tế của Trung Quốc để giành chiếm thị trường châu Á, đụng đầu trực tiếp với chính sách của Hoa Kỳ.
Nay vào khi Bắc Kinh tung ra kế hoạch tài chính mới, AIIB, để giành thị trường vốn với Hoa Kỳ, giữa lúc thế giới nghi ngờ khả năng đối phó của Mỹ cùng một lúc với những cuộc khủng hoảng vì quân ISIS, tình hình Yemen, châu Phi, Afghanistan, Ukraine, thì tiếng trống trận từ Washington dường như đang văng vẳng đâu đây.
Ngày thứ năm, tiếp sau những lời cảnh cáo của giới quân sự Mỹ về những "nỗ lực phô trương sức mạnh trong những hải phận tranh chấp xa khỏi bờ biển Trung Quốc", từ Bắc Kinh phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh công bố kế hoạch chi tiết về hoạt động cải tạo các bãi đá và rạn sạn hô tại khu vực tranh chấp quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh công khai nhìn nhận những nơi cải tạo sẽ được sử dụng vào mục đích quốc phòng, nhưng không tiết lộ chi tiết, mà nói thêm những căn cứ hải đảo cạnh nhau đó đồng thời cũng cung ứng những dịch vụ dân sự mà Bắc Kinh cho rằng có lợi cho nước khác. Họ Hoa cho biết Trung Quốc đang xây dựng những nơi trú ẩn, hỗ trợ hoạt động của tàu thuyền, cũng như cung cấp các dịch vụ tìm kiếm- cứu nạn, dự báo khí tượng biển, dịch vụ về ngư nghiệp cùng những dịch vụ hành chính khác cho chính Trung Quốc cũng như các nước láng giềng và tàu thuyền tư nhân đi trên Biển Đông.
Phát ngôn viên họ Hoa vẫn khẳng định các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền của Bắc Kinh, đó là hoạt động công bằng, hợp lý và hợp pháp, không ảnh hưởng và không nhắm vào nước nào, không thể nào chỉ trích được!
Giới quan sát quốc tế cho rằng những căn cứ đảo nhân tạo này sẽ không làm đảo ngược ưu thế của Hoa Kỳ trong khu vực; trong khi công binh Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng những cảng, trạm tiếp liệu, cùng với hai đường băng mà giới chuyên gia cho là sẽ giúp Bắc Kinh tạo thế lực sâu vào trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á.
Câu trà lời của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã thấy rõ Hoa Kỳ một lần nữa mạnh mẽ xác định chính sách quyết giữ châu Á trong vòng ảnh hưởng của mình.
Không ai mong chiến tranh; nhưng rõ ràng Hoa Kỳ muốn chứng tỏ đang thực sự chuẩn bị đối phó và khống chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, ngay ở ngưỡng cửa đại lục, là các hải phận biển Đông và biển Hoa Đông. Liệu Trung Quốc sẽ bước lui, hay tiến tới?
No comments:
Post a Comment