Wednesday, April 22, 2015

Tam quyền phân lập - Giấc mơ xa vời

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-04-21   
Nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn bị nhốt tù oan 10 năm, ảnh chụp hôm được trả về gia đình
Nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn bị nhốt tù oan 10 năm, ảnh chụp hôm được trả về gia đình-Files photos

Một báo cáo mới đây của Uỷ ban Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong vòng ba năm qua, có tất cả 71 vụ oan sai ở Việt Nam. Đây được cho là hậu quả không tránh được của tình trạng thiếu vắng tam quyền phân lập: độc lập giữa tư pháp, hành pháp và lập pháp. Tại sao Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi thể chế vốn được xem là tối ưu trên thế giới này và liệu có khả năng tam quyền phân lập có sớm đuợc thiết lập ở Việt Nam hay không, Hải Ninh tìm hiểu trong bài sau.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện, cho biết có nhiều vụ án oan để lại hệ quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt oan hay 5 công an ở Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người.

Luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn luật Hà Sơn, cho rằng nguồn gốc của án oan là việc Việt Nam không có một nhà nước pháp quyền thực sự, trong đó ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập lẫn nhau. Ông dẫn một thông tư liên tịch 01/2010 trong đó quy định về sự phối hợp của các cơ quan là viện kiểm sát tối cao, toà án tối cao và cơ quan điều tra. Theo thông tư này, các cơ quan kể trên phải phối hợp nhịp nhàng trong tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố và xét xử.

Luật sư Hà Huy Sơn nói:

Khi họ đã phối hợp lẫn nhau thì không còn có thể độc lập theo đúng nghĩa nữa. Đây là một bằng chứng cụ thể của việc khi mà chưa có một nhà nước pháp quyền thực sự. Một khi họ phối hợp với nhau thì cái sai sẽ là cái sai tập thể. Khi có sai phạm, chẳng hạn như án oan thì không phải nó xuất phát từ một cơ quan. Chức năng giám sát lẫn nhau, đối trọng nhau của ba cơ quan này là không còn nữa.

Trong thể chế này, lực lượng hành pháp dường như quá mạnh, dẫn tới hiện tượng lạm quyền. Nhà báo Đoan Trang, đang thực hiện nhiều nghiên cứu về luật, cho biết:

Cái lạm quyền ấy thể hiện từ vụ việc nhỏ, không nói đến những oan sai lớn như tử hình. Ví dụ gần đây nhất là việc cô người mẫu Trang Trần tát công an trong lúc say rượu, sau đó thì bị còng tay, lôi về đòn sau đó viết lệnh bắt khẩn cấp cô ấy. Toàn bộ quá trình từ lúc xảy ra sự kiện cho đến lúc mà cô ấy được thả thì chúng ta chỉ nghe được một phía nói thôi. Đó là công an, chỉ thấy công an nói cô ấy tát công an thế nào, cô ấy say rượu thế nào, cô ấy hành xử lỗ mãng ra sao, và cuối cùng là cô ấy ăn năn hối cải thế nào. Sau đó thì có thấy một cái clip về Trang Trần nhận lỗi, cũng là do truyền hình an ninh TV quay. Chúng ta không thấy vai trò của toà án, luật sư đâu cả.

Một báo cáo mới đây của Uỷ ban Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong vòng ba năm qua, có tất cả 71 vụ oan sai ở Việt Nam

Không có chuyện tam quyền phân lập ở Việt Nam

Chuyện kêu gọi xây dựng thể chế tam quyền phân lập ở Việt Nam đã có từ lâu. Ông Phạm Chí Dũng, một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết từ cách đây 20 năm, báo Tuổi Trẻ đã có những bài báo đặt vấn đề về tam quyền phân lập, tuy nhiên báo này đã bị kiểm điểm. Chỉ tới thời gian gần đây, khi Việt Nam hội nhập quốc tế hay tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chuyện tam quyền phân lập mới được đề cập nhiều hơn. Tuy nhiên, về khái niệm, theo ông Dũng người ta vẫn nói là cơ chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ông Dũng nói:

Người ta luôn xem Tam quyền phân lập là một cơ chế của tư bản chủ nghĩa và người ta rất sợ nếu áp dụng tam quyền phân lập sẽ dẫn tới chế độ đa đảng ở Việt Nam, đa nguyên, sau đó sẽ là đa đảng. Đó là nỗi lo sâu xa nhất của một chủ nghĩa độc đảng, họ đang rất lo sợ.

Nhà báo Đoan Trang cho biết sự tồn tại của một nền tư pháp độc lập sẽ thách thức tính chính danh của một nhà nước độc đảng. Nhà báo Đoan Trang nói:

Muốn đi đến cùng của tư pháp độc lập thì chắc chắn sẽ dẫn tới việc thách thức tính chính danh của một đảng cầm quyền, có nghĩa là chừng nào còn một đảng cầm quyền và cái ý thức hệ của đảng đó, đường lối chính sách của đảng ấy còn nhất quán xuyên suốt trên toàn quốc thì không thể nào mà tam quyền phân lập được.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết ngày càng nhiều người dân, thậm chí cơ quan nhà nước Việt Nam, nhận thấy rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam cần thay đổi. Bằng chứng là người dân quan tâm hơn tới quyền lợi của họ, biểu tình phản đối những vụ án oan hoặc thay đổi đạo luật, chẳng hạn như luật nhận tiền bảo hiểm xã hội. Ông Jonathan London, giáo sư môn chính trị học tại đại học Hong Kong, một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Việt Nam lâu năm, cho rằng thay đổi là cần thiết và nó phải xuất phát từ các bên. Ông nói:

Rõ ràng là hệ thống này cần thay đổi. Những nhà lãnh đạo đang nắm quyền cần phải được thuyết phục rằng họ cần đưa ra những sự thay đổi thực sự. Tuy vậy, những thay đổi trong hiến pháp và hệ thống không bao giờ diễn ra từ trên xuống, mà họ cần có áp lực từ mọi phía. Để mà có hy vọng thay đổi, ngày càng nhiều người Việt Nam phải nhận ra rằng, hệ thống hiện tại không hoạt động hiệu quả và rằng chúng ta cần tiếp tục hoạt động nhằm cổ vũ cho cải cách. Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính trị cũng cần phải dũng cảm để nói rằng ta có thể làm tốt hơn nữa và thực hiện những bước đi đột phá.

Ông Jonathan London nhắc lại bài phát biểu nhân dịp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, trong đó ông Dũng đề cập đến những thay đổi cần thiết cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói gần đến giữa năm 2015 mà chưa hề có những thay đổi đáng kể nào diễn ra.

Và cũng như nhà báo Đoan Trang vừa cho biết, hiện điều 4 Hiến Pháp mới sửa đổi của Việt Nam cũng tiếp tục xác định vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Làm thế nào để ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau đuợc khi mà người ở ba ngành đó đều phải là đảng viên cộng sản và chịu sự chỉ đạo của đảng?

No comments:

Post a Comment