Wednesday, April 22, 2015

Kinh tế Việt Nam đang 'hồi phục trong lòng hố'

HÀ NỘI (NV) - Ðó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2015, với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động.”

Tuy có một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam dường như đang hồi phục nhưng khi trình bày về những vấn đề đáng lưu ý của tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và triển vọng năm 2015, ông Trần Ðình Thiên, một chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh, dẫu thế, kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt ra khỏi miệng hố. Ông Thiên ví von, kinh tế Việt Nam vốn đã rớt xuống đáy, nay “bò lên được một chút” nhưng vẫn còn trong hố.


Từ 2010 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam thi nhau phá sản, xin tạm ngưng hoạt động hoặc xin giải thể nhưng năm nào, chế độ Hà Nội cũng báo cáo “tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.” (Hình: TBKTSG)

Theo ông Thiên, trong năm 2014, nhà cầm quyền CSVN đã thực hiện một số chính sách nhằm cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô để hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Những chính sách này đã đạt được một số kết quả. Ví dụ, việc cải cách thể chế đã giúp giảm thời gian doanh nghiệp phải dành cho việc nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm,... song kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trong khi Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập ở đẳng cấp rất cao thì trình độ quản trị quốc gia rất thấp, năng suất lao động thua kém nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu. Thành ra sự hồi phục chưa bền vững và có thể rơi trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp.

Ông Thiên còn cảnh báo rằng, bởi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) còn thương mại thì lệ thuộc vào Trung Quốc nên có rất nhiều rủi ro song hành.

Dẫu FDI đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng nhưng FDI đã làm thay đổi sâu sắc chủ thể phát triển. Cần phải chú ý là những gì các doanh nghiệp ngoại quốc đem vào Việt Nam có giúp thay đổi cơ bản đẳng cấp công nghiệp của Việt Nam hay không? Cho đến thời điểm này, đầu tư của các doanh nghiệp ngoại quốc vào Việt Nam vẫn chỉ là lắp ráp.

Ông Thiên nhận định, chúng ta đã kéo thế giới đến với mình nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn không hội nhập được. Chẳng hạn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam nhưng lựa mãi mà chỉ chọn được vài doanh nghiệp đủ khả năng đáp ứng yêu cầu cung cấp các phụ kiện cho họ.

Ông Thiên còn lưu ý, khi xảy ra xung đột Việt-Trung do Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào thăm dò và khai thác dầu tại quần đảo Hoàng Sa, chúng ta từng lo ngại xung đột đó gây tác hại cho kinh tế, đặc biệt là cho thương mại Việt-Trung. Tuy nhiên nhập cảng hàng Trung Quốc đã tăng 31%.

Khi nhập cảng hàng Trung Quốc không giảm mà tăng thì cấu trúc kinh tế Việt Nam không thể thay đổi được. Việt Nam vẫn không thoát ra khỏi nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc không chỉ về cơ cấu thương mại mà lệ thuộc cả về cơ cấu kinh tế.

Nợ nần của chính phủ Việt Nam cũng được ông Thiên nhấn mạnh là một loại rủi ro đe dọa kinh tế Việt Nam. Ngoài nợ ngoại quốc, nợ nần trong nước cũng đang tăng rất nhanh qua việc chính phủ Việt Nam bán trái phiếu cho các ngân hàng thương mại. Do lãi suất cao mà kỳ hạn lại ngắn, nghĩa vụ trả nợ sẽ vô cùng nặng nề và rất dễ bùng phát lạm phát.

Không riêng ông Thiên mà một số chuyên gia kinh tế khác cũng đồng ý rằng kinh tế Việt Nam đang hồi phục trong lòng hố. Ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước nhận định, nhiều rủi ro vẫn song hành với sự hồi phục này vì “chi phí lót tay” nhiều làm chi phí đầu vào quá cao. Việc áp dụng chính sách, luật pháp quá chậm chạp. Thậm chí luật đem lại sự phấn chấn khi ban hành nhưng lúc thực hiện lại gây thất vọng bởi việc hướng dẫn thi hành chẳng đến đâu. (G.Ð)
04-21- 2015 2:36:17 PM

No comments:

Post a Comment