Wednesday, April 22, 2015
Di sản của chủ nghĩa thực dân
Nguyễn Hưng Quốc
Theo VOA-23.04.2015
Chủ nghĩa thực dân, dưới hình thức cổ điển hay hiện đại, ở Tây phương hay ở Đông phương, bất kể những sự dị biệt về lịch sử và văn hoá, đều có một bản chất giống nhau: ăn cướp. Có hai hình thức ăn cướp chính: thứ nhất, ăn cướp chủ quyền, từ đó, ăn cướp tài nguyên và nhân lực của nước khác; thứ hai, ăn cướp tâm hồn của người dân thuộc địa. Biện pháp để thực hiện cuộc ăn cướp thứ nhất chủ yếu là quân sự; biện pháp để thực hiện cuộc ăn cướp thứ hai chủ yếu là tuyên truyền. Công việc tuyên truyền thường có hai nội dung chính: thứ nhất, văn minh chỉ xuất hiện ở các thuộc địa cùng lúc với sự xuất hiện của thực dân; và thứ hai, gắn liền với điều đó, lịch sử tiền-thực dân ở các quốc gia thuộc địa chỉ là lịch sử của sự mông muội.
Người Việt Nam thường nói chủ nghĩa thực dân theo kiểu cổ điển đã bị đánh bại ở Việt Nam vào năm 938, và sau đó, một lần nữa, vào năm 1428; chủ nghĩa thực dân theo kiểu hiện đại đã bị đánh bại ở Việt Nam vào năm 1945, hoặc trễ hơn một chút, vào năm 1954. Nhưng theo tôi, không phải. Ở bất cứ thời điểm nào kể trên, chủ nghĩa thực dân cũng chỉ bị đánh bại ở âm mưu thứ nhất mà thôi, âm mưu ăn cướp chủ quyền, tài nguyên và nhân lực. Còn âm mưu thứ hai thì cả Trung Hoa lẫn Pháp đều thành công trọn vẹn: sau các thành tích vang dội trên mặt trận quân sự, chúng ta thường chào mừng chiến thắng với rất nhiều thương tích và dị tật trong tâm hồn. Kẻ thù đã rút lui, nhưng cái bóng của họ vẫn tiếp tục ngả trùm lên cuộc đời của chúng ta, đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và hằn sâu vào trang viết của chúng ta. Trong cả đời sống tình cảm lẫn đời sống trí tuệ, chúng ta chỉ quanh quẩn mãi với một trong hai phản ứng: tuân phục hay kháng cự lại cái bóng ấy. Làm như lúc nào kẻ thù cũng đang hiện diện sừng sững trước mặt. Khiến cho văn học Việt Nam, từ trước đến nay, theo tôi, thành thực mà nói, bao giờ cũng có cái vẻ gì như một nền văn học thuộc địa hoặc hậu thuộc địa.
Không đâu tính chất thuộc địa lại được thể hiện rõ rệt cho bằng văn học trung đại Việt Nam. Sau khi đánh bại quân Nam Hán vào năm 938, mặc dù vẫn phải triều cống Trung Hoa, nhưng trên nguyên tắc, Việt Nam đã là một quốc gia độc lập: chúng ta có triều đình riêng, có quân đội riêng, hoàn toàn làm chủ trên lãnh thổ của mình. Hơn nữa, chúng ta còn là những ông chủ cực kỳ mạnh mẽ, liên tục đánh bại nhiều âm mưu xâm lấn của ngoại bang, kể cả một đế quốc hung hãn, từng dẫm nát bản đồ châu Á và một phần châu Âu: Mông Cổ. Thế nhưng, mặt khác, ông chủ ấy lại cực kỳ khiêm tốn: chỉ dành và giữ độc lập về chính trị mà thôi, còn ở những lãnh vực khác thì vẫn tiếp tục thần phục Trung Hoa, lúc nào cũng rập khuôn Trung Hoa, nhất nhất đều bắt chước Trung Hoa, từ cách tổ chức chính quyền đến cách học hành và thi cử, từ văn tự đến các nguồn thư tịch, từ tôn giáo đến triết học, từ luật pháp đến nghi lễ, v.v...
Ở những lãnh vực này, trước và sau những chiến thắng vang dội về quân sự, dường như không có gì thay đổi cả. Cứ thế, kéo dài cả ngàn năm. Thảng hoặc, chúng ta nghe nói có ai đó hoài nghi kinh điển Nho giáo hay muốn dùng chữ Nôm như một văn tự chính thức. Nhưng chỉ thảng hoặc. Và bao giờ cũng dừng lại ở một giới hạn nào đó: ngay cả những người yêu chữ Nôm nhất cũng không dám nghĩ đến việc dùng chữ Nôm để thay thế hẳn cho chữ Hán; ngay cả những người có tinh thần độc lập nhất cũng không dám vượt qua những lời giảng dạy của các bậc thánh hiền Trung Hoa hầu tìm cho mình một chân trời tư tưởng riêng biệt; và ngay cả những người giàu tinh thần sáng tạo nhất cũng không dám vượt ra khỏi những hệ thẩm mỹ đã trở thành khuôn sáo từ xưa.
Tại sao có hiện tượng nghịch lý như vậy? Tại sao những con người rất mực kiên cường trong lãnh vực chính trị lại dễ dàng bị khuất phục về phương diện văn hoá như vậy?
Theo tôi, câu trả lời không đến nỗi quá phức tạp. Chúng ta hay nói đến sự kiện nền Bắc thuộc kéo dài đến hơn một ngàn năm và hay đề cao lòng quật cường của cha ông chúng ta, những kẻ không những không bị đồng hoá mà còn, cuối cùng, đã đứng dậy quật ngã được kẻ thù lớn và mạnh hơn mình gấp bội. Những sự kiện và những niềm tự hào ấy nhất định là đúng. Nhưng chúng ta lại hay quên những sự thực khác, chẳng hạn, cảnh nô lệ không phải là cái gì nhẹ nhàng để có thể tan biến dễ dàng và nhanh chóng ra khỏi ký ức của con người, nhất là cảnh nô lệ ấy lại quá lâu, lâu dằng dặc, đến hơn một ngàn năm, tức một nửa chiều dài của lịch sử dân tộc. Trong cảnh cùng khốn và có khi tuyệt vọng như vậy, lòng tự tin của cha ông chúng ta làm sao tránh khỏi bị sứt mẻ? Làm sao họ không sợ hãi và ít nhiều thần phục kẻ thù?
Đấu tranh để dành độc lập trong tình trạng tâm lý ấy, dù muốn hay không, một cách có thể là vô ý thức, người ta phải tự động thu hẹp nội hàm khái niệm độc lập đến mức tối đa, cho phù hợp với thực tế, như một cách hạ tầm hy vọng của mình, giảm bớt ước mơ của mình. Đến lúc nào đó, đối với người Việt Nam, độc lập chỉ có nghĩa là có chủ quyền riêng và phong tục riêng trên lãnh thổ của mình. Trong "Bình Ngô Đại Cáo" viết thay cho Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ nhấn mạnh hai yếu tố ấy: "Núi sông bờ cõi đã riêng / Phong tục Bắc Nam cũng khác". Sau này, trong hịch đánh quân Thanh, Quang Trung cũng chỉ nhấn mạnh đến hai yếu tố ấy: "Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ."
Có thể nói chính cách hiểu khái niệm độc lập một cách hạn chế và thực tế như vậy đã cắt nghĩa lý do tại sao cha ông chúng ta có thể là những con người anh hùng và những kẻ nô lệ cùng một lúc; tại sao cha ông chúng ta vừa mới đánh bại Trung Hoa lại vừa có thể thanh thản chấp nhận làm những đứa học trò nhỏ của Trung Hoa ngay tức khắc; tại sao họ có thể vừa căm thù Trung Hoa như một đế quốc đầy tham vọng và dã tâm vừa không ngớt ngưỡng mộ Trung Hoa như một trung tâm của văn minh nhân loại. Hậu quả là, nhìn từ một góc độ nào đó, trong suốt hơn hai ngàn năm, từ trước Công nguyên cho đến hết thế kỷ 19, chúng ta chưa bao giờ thoát được cảnh Bắc thuộc: nửa đầu Bắc thuộc về chính trị và văn hoá; nửa sau, về văn hoá.
Hơn nữa, chỉ cần nhớ lại những lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo tối cao của cả Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và của miền Bắc trong giai đoạn gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội, những lời tuyên bố, đại khái: ông ta có thể sai lầm, nhưng Mao Trạch Đông thì không (1); hoặc, về mặt chính trị, ông ta "không còn gì để viết nữa vì ông Mao đã viết tất cả rồi" (2), chúng ta đủ thấy là dấu vết của tình trạng Bắc thuộc về văn hoá chưa phải đã chấm dứt hẳn.
***
Chú thích:
Trong một đoạn di bút in trong Hoài Thanh Toàn Tập (Từ Sơn sưu tập), tập 4, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 849, Hoài Thanh viết: "Lại có lần ở Việt Bắc, vào khoảng năm 1952, tôi được nghe Bác nói trong một lớp chỉnh huấn: 'Bác có thể sai, Trung Ương có thể sai. Nhưng đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Xtalin thì không thể sai'."
Olivier Todd (1990), Ho Chi Minh, l'homme et son héritage, Duong Moi, Paris, tr. 180 (Dẫn theo Võ Nhân Trí, "'Tư tưởng Hồ Chí Minh' về chủ nghĩa xã hội có mâu thuẫn gì với chính sách 'đổi mới' không?" in trong cuốn Đảng Cộng sản trước thực trạng Việt Nam, Đường Mới biên tập và xuất bản tại Paris năm 1994, tr. 64.)
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment