SÀI GÒN (NV) .- Giám thị nhà giam Chí Hòa của Công an Sài Gòn nói nghi can “sốc thuốc” chết. Nhưng giám định pháp y thấy cơ thể Phan Đức Đạt không có dấu hiệu ma túy mà gãy sườn, dập phổi.
Trần Anh Hùng (trái) và Phan Đức Đạt (phải) lúc mới bị bắt (Hình: CA/GDVN)
Nếu kể cả nạn nhân tên Đạt này, chỉ trong 12 ngày đầu của Tháng Tư, ba người chết trong tay công an. Tất cả đều có những vết thương trí mạng trên người nhưng không có ai bị quy trách nhiệm.
Theo tờ Giáo Dục Việt Nam hôm Thứ Hai 13/4/2015, ông Phan Đức Đạt, 31 tuổi, người còn lại có liên quan đến vụ Công an phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức nổ súng bắn người hôm 29/12/2014 vừa qua đã tử vong sau hơn 3 tháng bị giam giữ.
Nguồn tin thuật theo lời của ông Phan Thế Hùng, anh của Phan Đức Đạt, cho biết theo sự thông báo của giám thị trại giam Chí Hòa chiều ngày hôm trước.
“...Các giám thị trại giam báo về cho gia đình, anh Đạt tử vong do bị sốc thuốc, chơi heroin quá liều.” Tờ GDVN đưa tin. “Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, thi thể của anh Đạt đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu Trưng Vương lưu giữ. Kết quả giám định pháp y sau đó được đưa ra thì lại hoàn toàn không phát hiện thấy có heroin trong người anh Đạt, mà lại bị phát hiện gãy xương sườn, dập phổi, hộc máu…”
Nói khác, kết quả giải phẫu giám định pháp y chứng minh cái chết của Phan Đức Đạt là hậu quả của tra tấn nhục hình, không phải “sốc thuốc, chơi heroin quá liều” dẫn đến “gãy xương sườn, dập phổi, hộc máu” như mấy ông giám thị nhà tù Chí Hòa dối trá.
Phan Đức Đạt là tài xế xe tải chở hàng tới chợ đầu mối tại phường Bình Chiểu quận Thủ Đức. Tin tức trên một số báo cuối năm ngoái cho hay, một nhóm người trong đó có Phan Đức Đạt ngồi nhậu tại đó trên lề đường tối 29/12/2014 thì bị tổ tuần tra của trung úy công an Phạm Tiến Hùng đòi “kiểm tra hành chánh”.
Không có nguồn thông tin độc lập nói đúng sự việc đã xảy ra thế nào, chỉ thấy tin từ các báo dẫn lời trưởng công an quận Thủ Đức là đại tá Lê Anh Tuấn nói “ban đầu nhóm người này đã chửi bới tổ công tác rồi xông vào hành hung tổ công tác. Trung úy Hùng nổ nhiều phát súng chỉ thiên nhưng nhóm người vẫn hung hãn, có ba, bốn người xông vào giằng co súng với trung úy Hùng. Súng phát nổ, làm ông Bùi Văn Mạnh tử vong tại chỗ, còn ông Phan Đức Đạt bị thương ở chân”.
Có ai liều mạng xông vào giật súng của công an cảnh sát để ăn đạn?
Phan Đức Đạt bị giam ở nhà tù Chí Hòa từ đó đến nay cùng với một người nữa là Trần Anh Hùng, chờ bị lôi ra tòa truy tố với tội “Chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng” dù một số tờ báo nêu nhiều nghi vấn về vụ bắn súng chết người và các nguyên nhân dẫn đến bắt giữ.
Hiện chưa thấy tin tức nào giải thích về nguyên nhân dẫn đến những rẻ xương sườn gãy, dập phổi, hộc máu thấy trên thi thể của Phan Đức Đạt và có ai ở nhà giam Chí Hòa hay ông công an điều tra nào chịu trách nhiệm về những dấu tích tra tấn, nhục hình đó.
Tuần trước, Nguyễn Đức Duân, 33 tuổi, chết vào buổi trưa ngày 8/4/2015. Đại tá Đỗ Ngọc Cự, trưởng công an huyện Khoái Châu nói trên tờ Tuổi Trẻ là "Khi cán bộ trực vào phòng (giam) thì đã thấy anh Duân đang nằm và co giật, sùi bọt mép. Ngay sau đó cán bộ công an cùng 3 bị can đã cùng gọi taxi đưa nạn nhân vào bệnh viện đa khoa cấp cứu. 20 phút sau khi đưa vào viện thì anh Duân tử vong".
Tuy nhiên, trên báo VietnamNet, luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật Incarla ở Hà Nội được gia đình nạn nhân mời đến thì nói khác.
“Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, nạn nhân được xác định đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện”. Lời ông Hòe trên Vietnamnet.
Thân nhân ông Nguyễn Đức Duân cho hay, ông bị công an huyện đưa giấy “mời” đến “làm việc” rồi “tạm giam” từ ngày 16/3/2015. Mục đích là “điều tra hành vi cố ý gây thương tích” cho một người khác xảy ra tại xã Đông Tạo một tháng trước đó, tức ngày 14/2/2015.
Trước đó một tuần, bà Nguyễn Hồng Lương, 62 tuổi, đã chết cháy với nhiều vết thương khác như vỡ sọ, gãy 5 xương sườn tại trụ sở phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà Lương đến phường Điện Biên sáng 1 Tháng Tư 2015 chờ một người đến xin lỗi có sự chứng kiến của nhà cầm quyền địa phương liên quan đến lấn chiếm đất bất hợp pháp do bà hiến tặng nhà cầm quyền xã dùng cho việc công ích.
Theo tin một số báo, bà Lương chỉ rời nhà đến trụ sở phường vừa kể được khoảng 40 phút bằng xe đạp thì có tin báo bà được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Theo tờ Tuổi Trẻ “Gia đình cho rằng bà Lương bị sát hại, trong khi chủ tịch UBND phường Điện Biên cho rằng bà Lương gây hỏa hoạn tự thương.”
Nếu gộp cả 3 người chết trong hơn một tuần lễ của Tháng Tư với ba tháng trước, tổng cộng đã có 5 người chết ở trụ sở Công an hay trụ sở UBND trong năm 2015. Đó là không kể những người bị công an hành hung hay tra tấn thương tích trầm trọng, gồm cả trẻ em, phải vào bệnh viện cấp cứu và may mắn thoát chết.
Dù CSVN đã ký vào bản Công ước chống Tra tấn của LHQ từ cuối năm 2013 nhưng số người chết vì bị công an CSVN tra tấn, nhục hình vẫn xảy ra nhiều. Riêng thống kê trong năm 2014 đã có ít nhất 24 người chết tại trụ sở công an CSVN mà 7 người bị vu cho là “tự tử”, được báo chí loan tin.
Bộ Công an báo cáo tại Quốc hội ngày 19/3/2015 là, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam. Không thấy báo cáo chi tiết về các cái chết này mà chỉ thấy nói là “chủ yếu do tự sát và bệnh lý.” (TN)
04-13-2015 5:06:14 PM
No comments:
Post a Comment