Wednesday, March 4, 2015

Việt Nam - nghĩa địa của những ước mơ kinh doanh

Phan Châu Thành (Danlambao) - Lũ CSVN chỉ biết ăn cướp từ 1945 đến nay làm sao hiểu được những nỗi đau cao đẹp ấy! Và các Doanh nhân Việt Nam còn chịu đựng bị CS giết chết những Đứa con yêu, những Giấc mơ cao đẹp của mình được bao lâu nữa?! Vì thế, hôm nay tôi không còn hobby dạy các bạn trẻ kinh doanh nữa, mà thay vào đó tôi có hobby “ngồi thiền trên mạng” khuyên các bạn trẻ nên học luật và làm chính trị trước đã, đế sau đó các bạn trẻ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê kinh doanh cũng chưa muộn, và khi đó nhất định các bạn sẽ kinh doanh thành công!...

*

Những vị khách từ Hà Nội

Ra Tết, tôi có ba người khách từ Hà Nội vào gọi điện muốn gặp tôi nói chuyện tâm sự, có nghĩa tôi là người bị động. Tuy nhiên, vì tôi rảnh, mà tính tôi khó từ chối bạn bè, nên tôi đã cố gắng thu xếp các cuộc gặp đó cho thân mật và chu đáo, mà không ảnh hưởng chương trình “ngồi thiền trên mạng” của tôi - như con trai tôi thường gọi thế: “Bố lại ngồi thiền trên mạng rồi....”. Hồi trước, nếu thấy tôi ngồi trước máy tính đăm chiêu (nói không dạ, gọi không thưa...) thì con tôi nói “Bố đang tự kỷ...” vì với nó tự kỷ là trầm lặng tập trung. Ngồi thiền chắc là mức cao hơn tự kỷ rồi.

Trở lại với ba vị khách Hà Nội đầu năm, đó là một cô bạn học, hai doanh nhân trẻ - một là học trò và một là con thằng bạn học phổ thông. Tôi không ngờ nội dung ba câu chuyện lại gắn kết với nhau thế nên tôi mới kể lại chúng ở đây chia sẻ cùng các bạn. Ba vị khách, nhung có bốn nhân vật chính, liên kết lại thành một câu chuyện, và nhân vật thứ tư đó chính là tôi, PCT.

Câu chuyện của người học trò doanh nhân

Nói thực là tôi không nhớ cậu Huy này, cho đến khi gặp lại, vì tôi có hàng ngàn học trò doanh nhân như thế, không nhớ hết nổi.

Huy gần 40, ở tuổi đỉnh cao sự nghiệp, đã học tôi vài khóa về kinh doanh cách đây, 7-10 năm, đã và đang kinh doanh khá thành công trong ngành in ấn ở ngoài Bắc, đã biết đi bằng hai chân trong kinh doanh như tôi thường dạy mọi học trò: làm/kinh doanh cái gì đó mình giỏi và yêu thích (đam mê), và chân kia là tỉnh táo kinh doanh bất động sản (tỉnh táo là không tham, không thờ ơ, là mình làm chủ bđs chứ không phải bđs làm chủ mình…).

Sau phần đầu thầy trò thăm hỏi nhau, Huy tâm sự: “Thầy ạ, cách đây khoảng chục năm em chỉ biết làm ăn chụp giật, sau khi học các khóa của thầy em mới biết mình có đam mê và sứ mệnh kinh doanh như những doanh nhân chân chính và tự hào về từng đồng tiền cao quí mình kiếm ra (chứ không khinh tiền nữa). Em đã có 5-6 năm kinh doanh khá thành công, cả trong in ấn và bất động sản, thầy ạ. Có lúc em đã có tài sản vài chục tỷ đồng. Nhưng khoảng từ 2-3 năm nay môi trường kinh doanh không còn như trước nữa. Là doanh nhân như thầy dạy và em cũng tâm nguyện thế, khó vô cùng. Ở đâu em cũng không thể đấu lại với những đại gia nhiều tiền lắm quan hệ và rất xảo quyệt nữa. Trong ngành in thì cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, nhưng đối thủ của em chỉ toàn các giám đốc các nhà in quốc doanh - họ dùng máy móc và công nhân nhà nước của họ in ấn thuê rẻ mạt cho các công ty tư nhân của chính họ, rồi bọn này “cạnh tranh’ vói bọn em - những doanh nghiệp in ấn tư nhân trên thị trường in ấn cho cả khách hàng nhà nước và tư nhân. Nói chung là bọn em chết như ngả rạ, thầy ạ. Em, may mà đã nghe thầy dạy, có chút đâu tư bất động sản lúc làm ăn được nên còn giữ được. Bây giờ em mới thấm thía điều thầy dạy là đi bằng hai chân là thế nào. Hai năm nay em chỉ sống nhờ bất động sản còn giữ được. Mấy đối thủ lớn trong ngành in của em họ đầu tư vào máy móc in ấn hiện đại để “chiến” với mấy đại gia đỏ thì phá sản hoàn toàn, có người cái nhà để gia đình ở cũng không giữ được với bọn nó thầy ạ. Bọn em thỉnh thoảng gặp nhau họp lớp - thầy nhớ anh Trí lớp trưởng lớp BĐS 17 bọn em không? - đều nhắc nhau ôn lại để hiểu và cố làm theo cách kinh doanh thầy dậy là cho trước nhận sau. Càng làm mới càng ngấm thầy ạ, nhưng không thể cho trước nhận sau với bọn nhà nước. Tóm lại là cá nhân em và nhiều người khác đều mong được gặp thầy để chia sẻ và được thầy tư vấn, cho nên Tết này xong là em bay vào đây chỉ để gặp thầy...”

“Vậy câu hỏi của em là gì?” Tôi nhìn Huy, suy tư, tự đoán câu hỏi của anh chàng. Huy tiếp: “Em có hai câu hỏi. Câu đầu là của chúng em, dịp Tết chúng em gặp nhau và em nhận nhiệm vụ hỏi thầy: Tình hình này ở đâu DNTN chúng em cũng chết hay bị thương nặng, thì thầy khuyên chúng em làm gì? Câu hỏi thứ hai là của em, em còn 5 tỷ đvn, em muốn chuyền nghề và chuyển vùng (vào Nam) thì theo thầy có nên không? Em đã 40 rồi, và chưa bao giờ kinh doanh trong Nam, nhưng em thấy có vẻ dễ thở hơn ngoài Bắc nhiều, và em muốn chuyển sang mở nhà hàng ăn uống, có nên không ạ?”

“Thế doanh nghiệp in ấn của em thế nào?” - Tôi hỏi tiếp. “Chết rồi thầy ạ. Xưởng in thì em đã bán tháo. Công nhân phải cho nghỉ - chỉ có mấy người nhà nên lo việc mới cho họ là khó nhất. Bảng hiệu gỡ xuống, văn phòng trả chủ nhà, con dấu và giấp phép còn nguyên em cho vào tủ, coi như trốn thuế thầy ạ, mà mình có muốn trốn, muốn chết đâu! Vợ em là kế toán của em, bảo không thể làm thủ tục giải thể được, vì họ dọa phạt đến mấy trăm triệu. Trước Tết họ gửi thư đến ngân hàng ACB lệnh “trừ thuế” luôn 65 triệu trong số 66 triệu bọn em vừa được khách hàng trả nợ cũ. Vợ chồng em tức điên lên đến kiện NH ACB thì họ chìa ra nghị định gì đó của CP bắt buộc họ phải trừ tiền khách hàng nợ thuế cho nhà nước! Toàn một lũ ăn cướp thầy ạ! Sau vụ đó vợ chông em nhất quyết vào Nam…” “Thế em tưởng vào Nam chúng nó không tự trừ thuế của em nữa sao?” Tôi đùa Huy...

Tôi đã tâm sự với Huy nhiều, còn hẹn vài lần sau nữa. Nhưng tôi tin Huy sẽ lại vươn lên. Bạn ấy có tố chất và đạo đức của doanh nhân đích thực, thì sang ngành mới, quê hương mới vợ chồng Huy cũng sẽ thành công thôi. Tôi tin chắc vậy.

Câu chuyện của anh chàng “doanh nhân” con người bạn học của tôi

Cậu này tên Quí, năm nay 30, kỹ sư kinh tế, vào Sài Gòn để “tỵ nạn kinh tế”. Và bố cậu ta dặn/bắt phải đến gặp tôi xin lời chỉ dẫn và giúp đỡ. Tất nhiên bạn tôi đã gọi trước cho tôi kể hết sự tình, nhờ tôi giúp đỡ. Trước khi phải “tỵ nạn”, Quí là cán bộ nhà nước trong một công ty Thương mại lớn ở HN, đồng thời là “doanh nhân” hùn vốn cùng bạn bè kinh doanh đủ thứ, và nhất là... chứng khoán.

Tác phong của Quí rất nhanh nhẹn, tự tin, ăn nói khá lưu loát. Theo cậu tự kể thì đã có giai đoạn cậu kinh doanh ngoài (trong khi vẫn làm chuyên viên kinh tế cho cty nhà nước) rất thành công, có trong tay hàng chục tỷ đồng. Rồi cậu cùng các đối tác hùn vồn thêm mở rộng kinh doanh, cả buôn bán (sỉ) và đâu tư chứng khoán. (Thời gian đó tôi có nhiều lớp dạy kinh doanh ở HN, nhưng tôi không đầu tư và không dạy về kinh doanh chúng khoán, vì tôi chưa bao giờ tin vào TTCK của VN. Và tôi có nhắn ông bạn tôi bảo con trai đến học các lớp của tôi, mà không thấy đến...)

Trong 2-3 năm gần đây thì mọi chuyện của Quí không suôn sẻ nữa, thậm chí đổ vỡ. Bọn cậu bị các đối tác lừa chiếm hết tài sản. Kết quả là đến 2014 bọn cậu mất sạch, chỉ còn một đống nợ mà cậu lại anh dũng đứng tên vay cho công ty nên mình cậu phải trả - trong khi công ty đã “chết rồi” mà nợ không chết. Tôi không hiểu lắm vì chưa nhìn thấy giấy tờ chi tiết. Nhưng khoản tiền nợ đó bố cậu - bạn tôi nghe đến là há hốc miệng ra, đổ bệnh, mẹ cậu thì khóc hu hu mấy ngày liền... - họ làm sao gánh được 8 tỷ đồng nợ của ông con Quí tử... 1 tỷ là họ đủ chết ngất rồi.

Thế là anh chàng Quí này đầu năm nay phải chạy tỵ nạn kinh tế vào đây, để lại ba cái xác khô chưa chết ở HN là chính cha mẹ cậu và công ty “vô trách nhiệm vô hạn” mà cậu là “doanh nhân” đại diện pháp lý..., và đám người đòi nợ rình dập...

“Ca này khó quá, làm tôi “ngồi thiền trên mạng” mấy hôm nay vẫn chưa biết làm sao, nói gì đây, ngoài việc đưa cậu ta về nhà, cho mượn một phòng ở vô thời hạn (xác định là một vài năm tới?), rồi từ từ tính tiếp...

Và vị khách đặc biệt: một ả bạn học cũ hồi cấp 2

Cô bạn này tôi không hề thân, thậm chí còn không thích. Tôi ngạc nhiên khi nghe cô ta gọi, nói là muốn gặp tôi nhận dịp cơ quan đi du lịch vào SG đầu năm. Theo tôi biết thì cô ta về hưu rồi, các bạn nữ của tôi về hưu hết rồi, sao còn “cơ quan” nhỉ?

Lần cuối tôi gặp “ả” cũng đã hơn chục năm ở Hà Nội, do “ả” tìm đến khi nghe tôi đang làm việc và giảng dạy ở đây. Tôi đã miễn cưỡng gặp “ả” vì vốn không thích từ xưa, và mãi mới nhớ ra. Nói gọn thế thôi vì chưa bao giờ tôi nói xấu phụ nữ sau lưng hay trước mặt cả. Nhưng ở đây cần phải nói thêm: ả không xinh, dốt vô cùng, và rất õng ẹo (đức hạnh kém). Nhưng khi biết cô ta làm ở Sở Kế hoạnh Đầu tư, là phó phòng Quản lý DNTN, thì tôi “bỏ qua chuyện không thích”, nói chuyện say sưa về vai trò của các Doanh nghiệp TN (là những suy nghĩ thật, cũng là gián tiếp đề cao vai trò người quản lý các DNTN), về các Luật DN của VN ra đời các năm 1990, 1995, 2000... hay dở thế nào. Còn nhớ, tôi đã cho điểm theo bậc 10 điểm là cao nhất thì 3 luật đó được tôi lần lượt “cho” 4/10, 8/10 và 5/10, và tôi nói mình đã thất vọng về Luật DN 2000 thế nào, nhưng vẫn còn hy vọng Luật DN 2005 sắp tới sẽ khá hơn...

Chỉ mấy tháng sau là Luật DN 2005 ra đời và tôi té ngửa: đất nước này đi giật lùi! Tôi đã cho nó điểm 2/10 - cái bộ luật DN đang áp dụng của VN này! Và từ đó, cứ nói đến Luật DN 2005 của VN là tôi nhớ đến bộ mặt như heo của cô bạn với giọng cười như ngựa hí bị kìm cương. Và sau đó cô ta lên Trưởng phòng phụ trách DNTN của Sở KHĐT, đến khi về hưu thì cô ta giàu nứt đố đổ vách, có vài biệt thự ở HN, Vĩnh Phú, Hà Tây... rất muốn mời chúng tôi (các bạn học) đến chơi lắm mà không ai đến.

Sao ả lại muốn gặp mình bây giờ? Nhớ lại khuôn mặt, giọng cười và Bộ Luật DN 2005 của VN đang áp dụng, tôi đã tìm đường từ chối gặp, rằng: “Tôi đã chót đăng ký dự một khóa Thiền trên mạng trong thời gian bạn vào Sài Gòn mất rồi, khó nhỉ...” 

Không biết ả có hiểu hay để ý gì đến “khóa thiền trên mạng” không, nhưng nghe vậy ả xả luôn một tràng: “Ông phải gặp tôi, vì tôi có cái này cho ông hay lắm! Tôi vừa chuyển sang làm doanh nghiệp như ông rồi (ả không nói là ả về hưu), mà là doanh nghiệp đào tạo doanh nghiệp luôn. Chúng tôi sẽ xin được ngân sách chính phủ khoảng 500 tỷ đồng để đào tạo doanh nghiệp, ông có nghe không đấy?! Tôi muốn mời ông làm “Vườn ươm doanh nghiệp” cho tôi, ở HN và cả Tp. HCM, HN trước... Tôi ưu tiên cho ông vụ này đó, vì ông là bạn học cũ, nhé! Tôi đang ở khách sạn Thắng Lợi, à Ví-cờ-tờ-ri-á, bao giờ ông đến?!” Tôi ù tai, nhưng vẫn cố gắng: “Ừ, để tôi đi khóa Thiền về đã, rồi xem... thế nhé! Nghe không rõ?”, và tôi cúp máy. Tôi đã quyết định không gặp bà “doanh nhân đào tạo doanh nghiệp” muốn làm vườn ươm doanh nghiệp này rôi. Bởi vì tôi đã biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu…

Vườn ươm hay nghĩa địa của doanh nghiệp tư nhân

Cũng cách đây khoảng gần 10 năm, phòng Đào tạo Doanh nghiệp trong Bộ TM và Phòng Hỗ trợ DN của Hội DNVVN VN mời tôi hợp tác mở các khóa đào tạo cho các chủ doanh nghiệp - doanh nhân. Tôi đã vô cùng phấn khởi hợp tác hết lòng, hết sức, mở một vài lớp đầu tiên, soạn và đưa hết giáo án cho họ, đào tạo lớp giảng viên phụ cho họ, bỏ vốn nhỏ nhoi của mình ra trước (vài ba tỷ đồng) khi họ  “vì thủ tục nhà nước” mà không có tiền kịp cho các khóa đào tạo cho hàng nghìn doanh nhân hội viên của họ vốn đã lên lịch từ 3-6 tháng trước... Để rồi, ngay sau đó họ tự tổ chức các lớp đó bằng giáo án của tôi (họ tưởng chỉ cần có giáo án là giảng được về kinh doanh! -sic!) Họ không bao giờ thanh toán cho chúng tôi đồng nào, kể cả tiền họ mượn tạm và tiền công chúng tôi đã tổ chức những khóa giảng đầu tiên cho hàng nghìn doanh nhân - hội viên của họ, và họ còn dùng tên tôi “PCT” để quảng cáo cho các lớp mà họp ăn cắp giáo án thô của tôi sau đó nữa.

May mà, đào tạo doanh nghiệp, doanh nhân chưa bao giờ là nguồn thu nhập của tôi mà chỉ là hobby chia sẻ lớn “đầy tâm huyết” (có lẽ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?) mà tôi đã tốn hàng chục năm trời và khá nhiều tiền (đối với tôi, hàng chục tỷ đồng) vào đó. Kể từ khi tôi có tự do tài chính thì đó là việc đầu tiên tôi muốn làm và đã cố làm hết sức mình, như làm từ thiện. Và thất bại...

Hôm nay “ả” ngựa hí, cựu trưởng phòng quản lý DNTN của một Sở KHĐT, rủ tôi làm “Vườn ươm DN” để rửa số tiền 500 tỷ đồng mà CP sẽ chi ra hỗ trợ đào tạo các DNVVN trong năm nay 2015. trước Đại họa 12 để bịp dân và các doanh nhân rằng CP CSVN này đang quan tâm đến họ. Ả “ngựa hí” đó, tạm gọi vậy, đã biên Phòng quản lý DNTN của Sở KHĐT thành phòng quản lý hồ sơ các DN đã chết - ông Alan Phan gọi là các Zombies, nên đó chính là nghĩa địa của các DNTN bị bóp chết. Tôi nói, Sở KHĐT các tỉnh thành chính là nghĩa địa của các doanh nghiệp là vì vậy. Trong đó, ở Hà Nội, có xác khô (trên giấy) của hai công ty của hai bạn trẻ doanh nhân - Huy và Quí - mà tôi vừa gặp đầu năm và kể lại ở phần trên.

Nhưng PCT hôm nay không còn là PCT của hơn 10 năm trước để mà sẵn sàng bỏ tất cả những gì mình có ra để làm việc “cao đẹp” đó cùng với bọn cộng sản bịp bợm chỉ quen ăn cướp đó nữa! Tôi tin chắc hôm nay những kẻ như “ả ngựa hí” sẽ biến Vườn ươn doanh nghiệp thành nghĩa địa doanh nghiệp để hô biến 500 tỷ đồng tiền thuế của dân này rồi 500 tỷ nữa, rồi 1000 tỷ này, 2000 tỷ nữa...

Dân tộc này đã bị CSVN lừa đảo và cướp bóc công khai suốt 70 năm và 40 năm qua, còn cá nhân PCT tôi cũng bị lừa và cướp “toàn tập” đến gần 50 năm tuổi đời mới hoàn toàn nhận rõ ra sự lừa bịp cướp bóc đó. Ngũ thập tri thiên mệnh, CSVN không còn lừa tôi được nữa.

Những cái chết của những Đứa con yêu, của những Giấc mơ kinh doanh

Hiện nay, hàng năm có hàng trăm ngàn DNTN bị bóp chết bởi chính bọn “quản lý và hỗ trợ” DN như Thuế và KHĐT, Quản lý TT... và tất nhiên bởi chính Nhà nước CS này và các DNNN chủ đạo, các NH và các chính sách bất công với DNTN của chúng.

Là doanh nhân, và là người từng đào tạo hàng ngàn doanh nhân, tôi hiểu mỗi Doanh nghiệp là một Ước cao đẹp của các Doanh nhân chân chính, không phải chỉ là những đứa con tinh thần và những cuộc phiêu lưu thôi đâu. Thế nên, các Doanh nhân đều vô cùng yêu quí các Doanh nghiệp - Những đứa con yêu và Giấc mơ của mình. Đối với họ, cái chết của những Doanh nghiệp là cái chết của những Giấc mơ cao đẹp, là cái chết của những Đứa con yêu được thai nghén có khi cả đời mới sinh được ra, đâu chỉ là 9 tháng 10 ngày.

Hai tháng đầu năm 2015, một con số khô khan được đưa ra: trên 16,000 DNVVN phá sản. Đối với tôi PCT, đó là cái chết của trên 16,000 Giấc mơ cao đẹp, là nỗi đau Con chết của trên 16,000 Doanh nhân (tôi luôn muốn viết hoa hai chữ Doanh nhân).

Lũ CSVN chỉ biết ăn cướp từ 1945 đến nay làm sao hiểu được những nỗi đau cao đẹp ấy!

Và các Doanh nhân Việt Nam còn chịu đựng bị CS giết chết những Đứa con yêu, những Giấc mơ cao đẹp của mình được bao lâu nữa?!

Vì thế, hôm nay tôi không còn hobby dạy các bạn trẻ kinh doanh nữa, mà thay vào đó tôi có hobby “ngồi thiền trên mạng” khuyên các bạn trẻ nên học luật và làm chính trị trước đã, đế sau đó các bạn trẻ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê kinh doanh cũng chưa muộn, và khi đó nhất định các bạn sẽ kinh doanh thành công!


No comments:

Post a Comment