Wednesday, March 4, 2015

Một Tài Liệu về Trường Võ Bị Quốc Gia và Các Sĩ Quan Tốt Nghiệp

19/05/2010 by: hh75

Nguyễn Kỳ Phong


Trong hai năm 1973 và 1974, một tham vụ chính trị ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tên là James Nach, bắt đầu thâu thập một số chi tiết lịch sử về nguồn gốc các trường đào tạo sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và sĩ quan tốt nghiệp từ các trường đó. Tác giả ghi lại rất nhiều chi tiết về mười khóa đầu của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và năm khóa đầu của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Đây là một tập tài liệu với nhiều chi tiết lý thú. Ông James Nach còn bỏ công ra ghi lại chức vụ đương nhiệm của một số sĩ quan tốt nghiệp. Theo sự hiểu biết của người viết bài này, tài liệu của James Nach là một trong hai tài liệu duy nhất của người Mỹ nghiên cứu về hệ thống đào tạo sĩ quan và xuất thân của sĩ quan QLVNCH. Năm 1970, cơ quan Advanced Research Projects Agency (một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ) có thực hiện một nghiên cứu với tựa đề An Institutional Profile of the South Vietnamese Officer Corps. Tuy nhiên, nghiên cứu này có tính cách chính trị nhiều hơn là lịch sử, vì tài liệu chỉ nói đến hệ thống sĩ quan tướng lãnh và phân lọai họ có chiều hướng theo “phe” nào trong thời điểm đó. Tài liệu của James Nach được viết ở Sài Gòn và gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với sự chuẩn hành của đại sứ Graham Martin. Vì tài liệu nằm trong dạng công văn, nên chỉ được lưu trữ trong văn khố hay các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam. Bài viết dưới đây sơ lược lại những chi tiết lý thú của tác giả James Nach trong The National Military Academy and Its Prominent Graduates, và, Origins of the Vietnamese National Army, Its Officer Corps and Its Military Schools.

The National Military Academy and Its Prominent Graduates
Trong phần nghiên cứu về Trường Võ Bị Quốc Gia và Những Sĩ Quan Tốt Nghiệp Danh Tiếng, James Nach sơ lượt lại sự thành hình của trường Võ Bị Quốc Gia. Hai khóa đầu tiên Trường Sĩ Quan Hiện Dịch bắt đầu ở Huế, Khóa 1 tháng 12-1948, và Khóa 2 tháng 9-1949. Tháng 10-1950 trường dọn về Đà Lạt và bắt đầu Khóa 3, với tên mới là Trường École Militaire Inter-Armes de Dalat. Trường chánh thức đổi lại thành Trường Võ Bị Liên Quân sau khi người Pháp rời Việt Nam năm 1955, và trở thành Trường Võ Bị Quốc Gia từ tháng 4 năm 1963 cho đến khi giải tán (Sắc Lệnh 325-QP, 10-4-1963).

Hai Khóa 1 Phan Bội Châu
(53 sĩ quan tốt nghiệp) và Khóa 2 Quang Trung (97 tốt nghiệp) ở Huế ra trường một số sĩ quan sau này trở thành những tướng lãnh quan trọng của đầu thập niên 1960. Thủ khoa Khóa 1 là trung tướng Nguyễn Hữu Có; Khóa 2 là thiếu tướng Hồ Văn Tố (chết bất thình lình năm 1961 trong lúc chỉ huy Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức).

Những tướng lãnh tốt nghiệp Khóa 1 như các trung tướng Đặng Văn Quang; Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Trung. Một số sĩ quan cấp thiếu tướng và chuẩn tướng như, Bùi Đình Đạm; Phan Xuân Nhận; Tôn Thất Xứng; Nguyễn Văn Chuân.

Khóa 2 có chín sĩ quan trở thành tướng lãnh, trung tướng Ngô Dzu Nguyễn Văn Mạnh; các thiếu tướng Trần Thanh Phong; Huỳnh Văn Cao; Hoàng Văn Lạc; Lê Ngọc Triển; và chuẩn tướng Lê Trung Tường. Trung tá Vương Văn Đông, một trong những nhân vật chủ mưu đảo chánh 11-11-1960, cũng ra từ Khóa 2 này.

Khóa 3 Trần Hưng Đạo có 135 sĩ quan tốt nghiệp. Đây là khóa đầu tiên khai giảng ở Đà Lạt. Có chín sĩ quan trở thành cấp tướng — cấp tướng hạng “nặng ký.” Khóa có Bốn trung tướng
Hoàng Xuân Lãm (tư lệnh Quân Đoàn I; tốt nghiệp hạng 5); Nguyễn Xuân Thịnh (tư lệnh binh chủng Pháo Binh; hạng 8); Lâm Quang Thi (tư lệnh tiền phương Quân Đoàn I; 12); và Lữ Lan (tư lệnh Quân Đoàn II, 24). Hai sĩ quan tốt nghiệp trở thành tướng của Quân Chủng Không Quân là chuẩn tướng Võ Dinh (tham mưu trưởng Không Quân VNCH) và chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Óanh (chỉ huy trưởng Trung Tâm Huyến Luyện Không Quân). Hai thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu (á khoa, tư lệnh phó Quân Đoàn III khi bị tai nạn súng chết) và Lâm Quang Thơ. Tướng Thơ và Thi đều trở về trường mẹ, làm chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia.

Từ Khóa 4
(Khóa Lý Thường Kiệt, tháng 11-1951 – tháng 12-1951) đến Khóa 10 (Khóa Trần Bình Trọng, tháng 10-1953 – tháng 6-1954) trường đào tạo thêm 23 tướng lãnh.

Phần lớn là những tướng hành quân/ tác chiến, hơn là tướng tham mưu/ hành chánh. Khóa 4 có hai trung tướng là Nguyễn Văn Minh (tư lệnh QĐ III, 1972) và cố trung tướng Nguyễn Viết Thanh (tư lệnh QĐ IV khi tử nạn tháng 5-1970). Hai sĩ quan kia là chuẩn tướng Đỗ Kiến Nhiểu (đô trưởng Sài Gòn) và thủ khoa Nguyễn Cao Albert (giãi ngũ). Riêng tên của cố trung tướng Nguyễn Viết Thanh được đặt cho hai khóa tốt nghiệp sĩ quan của QLVNCH: Khóa 6/1970 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, và Khóa 26 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Khóa 5 Hoàng Diệu (8-1951 – 5-1952), với 225 sĩ quan tốt nghiệp, là khóa đào tạo nhiều tướng lãnh nhất — 10 sĩ quan cấp tướng. Các trung tướng Nguyễn Văn Toàn; Nguyễn Vĩnh Nghi; Phạm Quốc Thuần; Dư Quốc Đống; Phan Trọng Chinh. Hai thiếu tướng Trần Bá Di Đỗ Kế Giai. Các chuẩn tướng Trần Văn Cẩm; Chương Dzếnh Quay; Lê Văn Tư. Có ba đại tá tốt nghiệp khóa này cũng được nhắc đến nhiều là Dương Hiếu Nghĩa (thủ khoa, liên hệ đến vụ đảo chánh 1-11-1963); Phạm Văn Liễu (ra trường hạng 19, liên hệ đến nhiều vụ đảo chánh); và Lê Đức Đạt (hạng 20, tư lệnh sư đoàn 22 bộ binh khi bị mất tích ở Tân Cảnh tháng 4-1972).

Khóa 6 Đinh Bộ Lĩnh (12-1951 – 10-1952; 181 sĩ quan tốt nghiệp) có ba chuẩn tướng Lý Tòng Bá (thủ khoa); Trần Quang Khôi (hạng 6); và Trần Đình Thọ (hạng 79). Nhà văn trung tá Nguyễn Đạt Thịnh cũng đến từ khóa này.

Khóa 7 có chuẩn tướng Trương Quang Ân (thủ khoa, tử nạn trực thăng năm 1968); Lê Văn Thân; và Trần Văn Hai.

Khóa 8 có thiếu tướng Phạm Văn Phú, và chuẩn tướng Huỳnh Thới Tây (tư lệnh Cảnh Sát Đặc Biệt).

Khóa 9 không có sĩ quan tốt nghiệp nào lên tướng. Khóa 10 Trần Bình Trọng (10-1953 – 6-1954) là khóa đông nhất của 10 khóa đầu tiên, với 400 sĩ quan tốt nghiệp. Thiếu tướng Lê Minh Đảo (hạng 18); hai chuẩn tướng Vũ Văn Giai và Trần Văn Nhật. Mười khóa đầu của trường Võ Bị Quốc Gia đào tạo tất cả 40 tướng trong số 80 tướng hiện dịch của năm 1974 (80 tướng hiện dịch không kể tướng của Quân Chủng Hải Quân hay Ngành Quân Y).

Trong khi 10 khóa đầu đào tạo nhiều tướng lãnh chỉ huy của QLVNCH,

các Khóa 11 đến 20 đào tạo nhiều sĩ quan trung cấp, cột trụ của quân đội. Những sĩ quan cấp trung tá và đại tá của Khóa 14-18 hiện diện và chỉ huy hầu hết các đơn vị chủ lực của QLVNCH.

Khóa 16 Ấp Chiến Lược (226 sĩ quan tốt nghiệp; thủ khoa Bùi Quyền) có nhiều sĩ quan đã lên đến cấp bậc trung tá hay đại tá, chỉ huy trung đoàn hay lữ đoàn trong quân đội.

Hai Khóa 19 và 20 thì có nhiều sĩ quan tiểu đoàn trưởng.

Khóa 19 có 394 sĩ quan tốt nghiệp và là khóa kém may mắn nhất: ba sĩ quan vừa tốt nghiệp vài ngày đã tử trận ngay ở chiến trường, trong đó thủ khoa Võ Thành Kháng (trận Bình Giả). Khóa 20 được coi là đông nhất (406 tốt nghiệp; thủ khoa Trần Thanh Quang). Khóa 22B là khóa đầu tiên ra trường với trình độ văn hóa bốn năm. Nhưng khóa cũng không được may mắn khi thủ khoa Nguyễn Thanh Phóng bị tử trận vài tháng sau đó, trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt năm 1970.

Origins of the Vietnamese National Army, Its Officer Corps and Its Military Schools
Đây là tài liệu nghiên cứu về Lịch Sử Quân Đội Quốc Gia, Hệ Thống Sĩ Quan, và Các Trường Huấn Luyện Quân Sự. Tác giả James Nach đi ngược về năm 1939, khi Cao Ủy Đông Dương, tướng Catroux, bắt đầu tuyển mộ và huấn luyện sĩ quan Việt Nam cho quân đội Pháp và cho quân đội thuộc địa trong tương lai. Đây không phải là một thiện chí của chánh phủ Pháp đối với người dân thuộc địa, đây chỉ là một phòng hờ cho thế chiến thứ hai bắt đầu nhen nhúm. Tài liệu nói về một số trường đào tạo cấp chỉ huy quân sự từ năm 1939 trở đi như:

Nội Ứng Nghĩa Đinh và Nội Ứng Nghĩa Quân. Theo tác giả Nach, trung tướng Văn Thành Cao và Trình Minh Thế của quân đội Liên Minh Cao Đài được huấn luyện từ trường này. Người Pháp cũng lập ra một vài trường huấn luyện quân sự cho các giáo pháo. Trường huấn luyện Cái Vồn của Hòa Hảo là nơi xuất thân của các tướng Trần Văn Soái, Cao Hảo Hớn, Lâm Thành Nguyên. Tác giả cho biết sau khi trường Cái Vồn bị đón cửa, một số sinh viên được phép ghi danh nhập học trường Võ Bị ở Huế. Những trường khác được nhắc tên trong giai đọan này như Trường Móng Cay, Trường Quân Chính, trường Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (một trường quân sự chính trị do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lập).


Năm 1946-47 Đảng Đại Việt của Trương Tử Anh thiết lập trường huấn luyện quân sự Lục Quân Trần Quốc Tuấn. Trường khai giảng ở Thanh Hóa, nhưng sau đó vì áp lực của Việt Minh nên phải dời về Yên Bái, và sau cùng về vùng Chapa gần biên giới Việt-Trung. Trường này đôi khi còn được gọi là trường sĩ quan Yên Bái. Những người đã theo học trường này gồm có thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu; đại tá Phạm Văn Liễu; đại sứ Đinh Trình Chinh
(đại sứ ở Thái Lan); đại sứ; đại sứ Ngô Tôn Đạt (đại sứ ở Đại Hàn); và ký giả Nguyễn Tú (Nhật Báo Chính Luận).
Cũng trong thời gian 1938-1940, quân đội Pháp thiết lập hai trường huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan thành sĩ quan ở Thủ Dầu Một và Tong. Đại tướng
Dương Văn Minh, và tổng trưởng Tư Pháp Lê Văn Thu theo học Trường Thủ Dầu Một; trường Tong thì có những sĩ quan tốt nghiệp như các trung tướng Trần Văn Đôn; Linh Quang Viên; Nguyễn Văn Vỹ; và Trần Văn Minh.

Sau đệ nhị thế chiến, Bộ Tư Lệnh Quân Đội ở Dông Dương gia tăng tuyển mộ lính thuộc địa cũng như huấn luyện cấp chỉ huy để phục vụ ở những đơn vị này.

Trường Võ Bị Võ Bị Liên Quân Viễn Đông được thành lập tháng 7-1946 tại Đà Lạt. Trường chỉ khai giảng một khóa duy nhất, với 16 sĩ quan tốt nghiệp. Những sĩ quan tốt nghiệp trường này gồm có hai đại tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm; trung tướng Trần Ngọc Tám Dương Văn Đức; các thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm (chánh võ phòng của tổng thống Thiệu); Lâm Văn Phát; Bùi Hữu Nhơn; Cao Hảo Hớn; và Dương Ngọc Lắm. Năm 1947-1948 trường được dọn Vũng Tàu và có tên mới là École Militaire Nuoc Ngot (Trương Võ Bị Nước Ngọt, Vũng Tàu). Những sĩ quan tốt nghiệp trường này có cố trung tướng Đỗ Cao Trí; thiếu tướng Nguyễn Xuân Trang (Tham Mưu Phó Phòng Nhân Viên, Bộ Tổng Tham Mưu); đại tá Trang Văn Chính (chỉ huy phó Chiến Tranh Chính Trị); và đại tá Bùi Quang Định (Bộ Chiêu Hồi). Trong năm năm, 1949-1953, một trung tâm huấn luyện hoàn hảo sĩ quan được thành lập ở Cap St. Jacques. Trung tâm huấn luyện năm khoá. Khóa 1 có những sĩ quan tốt nghiệp như cố đại tướng Cao Văn Viên; cố trung tướng Nguyễn Chánh Thi; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh; và đại tá Vũ Quang Tài.

Như đã nói ở phần đầu bài viết, năm 1948 một trường đào tạo sĩ quan được thành lập ở Huế đễ bắt đầu lịch sử Trường Võ Bị Quốc Gia. Tác giả James Nach đã sơ lượt về Trường Võ Bị Quốc Gia. Cũng trong cùng tài liệu, ông Nach sơ lược về lịch sử Trường Liên Quân Võ Khoa Thủ Đức. Tài liệu này cũng công phu không kém tài liệu về Trường Võ Bị Quốc Gia. Vì khuôn khổ giới hạn của bài viết, ở đây chỉ tóm tắt lại những chi tiết đáng ghi nhớ. Nguyên thủy lúc thành hình là trường Sĩ Quan Trừ Bị Thu Duc va Nam Dinh
(Les Écoles des Cadres de Réserve de Thu Duc et Nam Dinh), với Khóa 1 Lê Văn Duyệt được khai giảng ngày 1 tháng 10-1951 ở hai nơi, Thủ Đức và Nam Định. Thủ Đức có 278 sĩ quan tốt nghiệp; Nam Định có 218. Khóa 1 đào tạo tất cả 19 tướng lãnh cho QLVNCH, trong đó có bốn trung tướng, Trần Văn Minh; Nguyễn Đức Thắng, Lê Nguyên Khang, và Đồng Văn Khuyên (á khoa). Sau Khóa 1, trường dời về Thủ Đức. Trong mười khóa đầu tiên, Khóa 4 Cương Quyết (12-1953 – 6-1954) và Khóa 5 Vì Dân (6-1954 – 2-1955) có số sinh viên tốt nghiệp nhiều nhất, 1.148 sĩ quan cho Khóa 4; 1.396 cho Khóa 5.

Khóa 4 có được năm sĩ quan lên cấp tướng: cố trung tướng Ngô Quang Trưởng; thiếu tướng Bùi Thế Lân; cố chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng và Hồ Trung Hậu; và chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm. Khóa 5 có chuẩn tướng Lê Văn Hưng. trừ những sĩ quan tướng lãnh, Khóa 4 có nhiều sĩ quan cấp trung tá và đại tá chỉ huy những đơn vị chủ lực của QLVNCH. Nhìn lại lịch sử cuộc chiến, đây là những sĩ quan đứng mũi chịu sào của giai đọan khói lửa 1965-1972. Theo tài liệu của James Nach, từ năm 1951 đến năm 1965, Thủ Đức đào tạo 20.927 sĩ quan. Đến tháng 9-1973, có tất cả 80.115 sĩ quan tốt nghiệp từ trường.
—————————————————————

1. Allan E. Goodman, An Institutional Profile of the South Vietnamese Officer Corps. Rand Research, RM-6189-ARPA, June 1970 (declassified 1992). Tài liệu này được bắt đầu thực hiện vào năm 1967, thời gian này vẫn còn nhiều xung đột giữa hai nhóm tướng lãnh, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Trong tài liệu, ngoài một số chi tiết cá nhân của các tướng lãnh, tác giả Goodman còn phân lọai ra tướng lãnh thuộc phe nhóm nào.

2. The National Military Academy and Its Prominent Graduates, James Nach, American Ambassy Saigon, Airgram A-95, May 13, 1974; Origins of the Vietnamese National Army, Its Officer Corps and Its Militray Schools, James Nach, airgram A-131, no date.
3. Một số sĩ quan tốt nghiệp Khóa 3 Trần Hưng Đạo không đồng ý gọi đó là Khoá 3, mà là Khóa 1 Đà Lạt. Đại tá Bùi Dzinh, thủ khoa khóa Trần Hưng Đạo (11 tháng 10-1950 – 24 tháng 6-1951) trong một lá thư viết cho ban biên tập Nội San Đa Hiệu (Đa Hiệu, Số 43, phát hành 19 tháng 6-1996, trang 247-149), nói ý kiến của ông là, vì trường bắt đầu một tiến trình mới của quân đội, không có liên hệ với trường Sĩ Quan Hiện Dịch Đập Đá ở Huế, nên ông không gọi đó là Khóa 3. Ông viết, “Tôi không muốn tranh ngôi thứ của khóa, chỉ nhằm nói lại cho danh chánh ngôn thuận mà thôi.” Trung tướng Lữ Lan, cũng khóa Trần Hưng Đạo, thì nói, vì mình kính trọng hai lớp đàn anh đi trước, nên gọi đó là Khóa 3. Trong bài viết này, Khóa 3 là khóa bắt đầu ở Đà Lạt.

4. Dĩ nhiên chúng ta không thể không nhắc đến sĩ quan tốt nghiệp từ Trường Võ Bị Liên Quân Thủ Đức. Tuy nhiên đó là một đề tài khác. Khóa 14 Đà Lạt tương đương với Khóa 8 Thủ Đức, cùng ra đầu năm 1960. Khóa 20 Đà Lạt (11-1965) và Khóa 20 Thủ Đức cũng tốt nghiệp cùng thời gian (12-1965; năm 1965 Thủ Đức cho ra trường ba khóa, 18, 19, và 20).

5. Theo lời ký giả Nguyễn Tú kể, thì đại sứ Bùi Diễm chỉ học trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn trong thời gian ở Yên Báy, và bỏ dở chương trình lúc trường dọn về Chapa.

6. Trường Hạ Sĩ Quan Thành Sĩ Quan, còn gọi là Trường Hoàn Hảo Sĩ Quan — Centre de Perfectionnement des Sous Officiers Indochinois.

7. Tài liệu của James Nach nói 16 sĩ quan tốt nghiệp, trong khi sách quân sử VNCH Quân Lực Việt Nam Trong Giai Đoạn Hình Thành nói chỉ có 10 sĩ quan tốt nghiệp.

8. Vì khuôn khổ giới hạn, người viết sơ lược đến đó. Đọc giả có thể tìm tài liệu này ở hai nơi: Vietnam Center, Texas Tech University, Lubbock, Texas; hay, Cornell University, Ithaca, New York.

No comments:

Post a Comment