Ngày 20/3 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ thị ngưng việc chặt cây diễn ra tại Hà Nội.
Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức trả lời bằng văn bản các câu hỏi mà báo chí đặt ra nhưng chưa được trả lời tại cuộc họp báo ngày 20/3 do Phó chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì.
Theo văn bản trả lời chính thức của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra vào sáng 25/3 thì “việc thay thế, đánh chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua là chủ trương đúng, được thực hiện bám sát theo các quy định của nhà nước và thành phố.”
Và các quy hoạch này không chỉ “được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục” mà còn “có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan, lấy ý kiến của cộng đồng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành.”
Tuy nhiên trước đó rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc giới chuyên môn không được hỏi ý kiến.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các Ngành Sinh học Việt Nam trả lời báo chí: “Nếu được giao nghiên cứu xem trồng cây gì trên tuyến phố nào, chúng tôi đủ chuyên gia để có ý kiến nhưng tại sao chúng tôi không được hỏi bao giờ?”
“Các nhà khoa học giỏi đều tập trung ở Thủ đô nhưng những chuyện lớn thế này, chúng tôi không bao giờ được hỏi”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói thêm.
Vàng tâm hay mỡ vàng tâm
Điều đáng chú ý là trong văn bản trả lời chính thức này Sở Xây dựng Hà Nội vẫn tiếp tục khẳng định cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm quý hiếm: “Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây Vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.”
Việc chặt hạ cây xanh hàng loạt tại Hà Nội đã khiến nhiều người xuống đường phản đối.
Trong khi đó báo chí trong nước ngay từ ngày 19-24/3 đều đưa tin trích dẫn các chuyên gia về lâm nghiệp, nông nghiệp như ông Lê Huy Cường, chuyên gia lâm nghiệp, Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường và Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, Tiến sỹ Vũ Quang Nam, Trưởng bộ môn Tài nguyên thực vật rừng – ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, ông Vũ Văn Dũng, nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) và Gs.Ts Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, đều khẳng định không phải cây vàng tâm mà là cây mỡ (hay còn gọi là mỡ vàng tâm), một loại cây cùng họ mộc lan.
Trả lời Vietnamnet từ hôm 24/3, Giáo sư Lê Đình Khả, người từng nghiên cứu hơn 10 năm về cây này, cho biết: “Mỡ là cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng thuộc nhóm vừa chứ không phải nhanh, nên để có tán che bóng, tạo cảnh quan được ít nhất cũng phải 9-10 năm”.
“Vàng tâm theo tư liệu khoa học thì gỗ quý, có mùi thơm, không bị mối mọt… Vỏ, rễ, quả còn có nhiều tác dụng y học… Vàng tâm chỉ mọc rải rác trong rừng nguyên sinh tại một số tỉnh miền núi của Việt Nam và Trung Quốc. Do đây là cây gỗ quý nên bản thân tôi cũng không nhớ là đã tiếp xúc với cây này bao giờ hay chưa.
“Nhưng chắc chắn một điều, những cây đang trồng ở Hà Nội là cây mỡ. Và để có cây giống vàng tâm thật sự, với số lượng lớn như đang trồng ở Hà Nội thì chắc chắn không thể có,” Giáo sư Lê Đình Khả trả lời VietnamNet.
Kinh phí và nhà tài trợ
Với các câu hỏi liên quan tới dự toán kinh phí, như chi phí cho việc chặt cây, mua cây và trồng thay thế, vốn ngân sách và số tiền xã hội hóa v.v. Sở Xây dựng Hà Nội đã không đưa ra một con số cụ thể nào với lý do “chưa thanh quyết toán”:
“Kinh phí do các đơn vị ủng hộ, chi trả, hiện chưa thanh quyết toán” hay “Thời gian qua, việc cải tạo, thay thế cây xanh được thực hiện bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó gồm cả vốn ngân sách và xã hội hóa, vì đang triển khai nên chưa có số liệu quyết toán.”
Một cô gái Hà Nội tham gia phản đối việc chặt cây xanh
Các con số duy nhất được đưa ra là số cây thay thế và chặt hạ: “Từ tháng 11.2014 đến đầu năm 2015, thành phố đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông, trồng thay thế và bổ sung 489 cây.”
Trả lời câu hỏi liên quan tới vai trò doanh nghiệp trong việc chặt cây này, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra danh sách một số nhà tài trợ như “tập đoàn Vingroup, ngân hàng VP Bank, công ty Bình Minh, công ty Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an Hà Nội…và một số tổ chức, cá nhân khác”
Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định các đơn vị này “đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ thành phố”, và “Dư luận cho rằng có việc doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỉ sau khi bán gỗ là không có cơ sở.”
Trước đó phát biểu tại cuộc họp báo hôm 20/3 Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nói: "Tuy nhiên, sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình....”
Phát biểu này đã khiến đại diện VPBank, Vingroup và công ty Bình Minh lên tiếng qua báo chí nói rằng họ góp tiền ủng hộ trồng cây mới, chứ không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt cây.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - một trong những nhà tài trợ cho biết khi trả lời VnEconomy rằng tổng kinh phí tài trợ của Vingroup là 841 triệu đồng, và đó là để thay thế cây trên tuyến phố Huế và phố Hàng Bài.
Tiêu chí chặt hạ cây
Hà Nội vốn nổi tiếng với những hàng cây xanh lâu năm (Ành chụp năm 1994)
Trước câu hỏi và hình ảnh đăng tải trên nhiều báo những cây xà cừ, cây bàng thẳng, sinh trưởng tốt vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì, Sở Xây dựng cho biết “chỉ cấp phép chặt hạ các cây nằm trong danh mục các dự án phát triển giao thông đô thị; các cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.”
Liên quan đến cơ quan thẩm định và quyết định cây cần chặt cũng như trách nhiệm của cơ quan cấp phép cho việc chặt hạ cây xanh, Sở Xây dựng khẳng định chính cơ quan này cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010 của UBND thành phố.
Và trước khi cấp phép chặt hạ, chuyển dịch thì việc thẩm định được giao cho “tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép.”
Sở Xây dựng cũng xác định: “Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định.”
Một số câu hỏi của báo chí đã không được trả lời như câu hỏi của báo Một thế giới: “Cá nhân ông Hùng là người ký các văn bản liên quan tới việc chặt hạ, thay thế cây xanh. Ông nhận trách nhiệm thế nào trong việc này? Hay câu hỏi của báo Tuổi trẻ Tp HCM: “Trong văn bản ông Chánh văn phòng nói việc chặt hạ hầu hết được sự đồng tình của nhân dân?”
No comments:
Post a Comment