Tác giả Nhã Ca (bên phải) cùng dịch giả Olgar Dror và nhà nghiên cứu GS Peter Zinoman tại lễ ra mắt cuốn sách tại ĐH Berkeley.
Chiều thứ Tư 25/2/15, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Berkeley đã có buổi giới thiệu bản dịch tiếng Anh tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, nguyên bản tiếng Việt được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1969.
Tham dự có mặt nhà văn Nhã Ca đến từ miền Nam California và đến từ Đại học Texas A&M là giáo sư Olga Dror, người đã dịch tác phẩm ra tiếng Anh, với tựa Mourning Headband for Hue (Nxb Indiana University Press, 2014. 378 trang).
Ngoài phần dịch toàn bộ tác phẩm, bản tiếng Anh còn có trên 50 trang là nghiên cứu của giáo sư Dror về những quan điểm, hệ lụy và nhân vật liên quan đến vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế.
Giáo sư sử học Peter Zinoman của Đại học Berkeley mở đầu chương trình với phần giới thiệu tác phẩm. Theo ông, Giải khăn sô cho Huế là: “Cái nhìn của một người dân miền Nam bị kẹt giữa làn đạn của quân cộng sản chiếm thành phố này ba tuần lễ và sự phản công giành lại kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Hồi ký của Nhã Ca còn là chứng liệu về lực lượng võ trang Việt Cộng đã giết thường dân trong những khu vực họ chiếm đóng.”
Về số người bị giết ở Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, giáo sư Zinoman nói cho đến nay không có con số chính xác, nhưng đa số học giả cho rằng đã có từ 1500 đến 3000 người bị giết.
Tuy nhiên, không như những vụ thảm sát khác trong chiến tranh Việt Nam, vụ giết người ở Huế chưa bao giờ được giới học thuật phương Tây nghiên cứu đầy đủ nên khó tìm được những tài liệu hay bài viết nghiêm túc về chủ đề này. Giáo sư Zinoman nhận xét.
Về tác giả, giáo sư Zinoman giới thiệu Nhã Ca là một nhà văn, nhà thơ đã có nhiều tác phẩm xuất bản tại Việt Nam trước năm 75 như Giải khăn sô cho Huế, Đêm nghe tiếng đại bác. Tác phẩm bà viết tại hải ngoại phải kể đến cuốn Hồi ký của một người mất ngày tháng.
Sau năm 1975, trong đợt trấn áp văn nghệ sĩ Nhã Ca bị giam tù 14 tháng. Chồng bà là thi sĩ Trần Dạ Từ, một nhà thơ có tiếng, đã bị giam 12 năm.
Nhờ vận động của quốc tế, Nhã Ca và Trần Dạ Từ được rời Việt Nam qua Norway. Năm 1992 ông bà di dân qua Mỹ và sáng lập tờ Việt Báo có trụ sở ở nam California là một nhật báo có đông độc giả.
Trận chiến tại Huế
Có các quan điểm khác biệt về việc có hay không các vụ Thảm sát của quân đội Bắc Việt tại Huế trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, theo GS. Dror.
Qua phần nói chuyện, mở đầu là trình bày của giáo sư sử và văn hoá Việt Olga Dror. Bà nói về lịch sử cố đô Huế từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, là nơi có truyền thống sinh hoạt trong tinh thần Phật giáo qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Bà nhắc đến những phong trào đấu tranh ở đó, đặc biệt vào những năm 1966-67 là thời gian nhiều trí thức bỏ Huế lên rừng, tức đi theo cộng sản, và họ đã trở về Huế khi tổng tấn công Mậu Thân xảy ra.
Giáo sư Dror nói về trận chiến tại Huế, chỉ sau hai ngày tấn công bộ đội cộng sản đã chiếm được Phú Vân Lâu và kéo cờ lên kỳ đài. Sau ba tuần chiếm giữ, quân cộng sản bị đẩy lui.
Những tháng sau đó nhiều hố chôn người tập thể được tìm thấy và khai quật. Bà đưa lên nhiều hình ảnh dẫn chứng.
Tuy nhiên khi đó vụ tàn sát đã không được dư luận chú ý vì năm 1968 nội tình nước Mỹ có nhiều sự kiện quan trọng: ngày 31/3 Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố không tái tranh cử, ngày 4/4 Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát, ngày 6/6 ứng viên tổng thống Robert Kennedy bị giết chết, tháng 8 Đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago diễn ra trong bạo động và tháng 11 Richard Nixon được bầu làm tổng thống.
Năm 1968 tại Việt Nam, ngoài vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế còn có vụ lính Mỹ giết mấy trăm dân làng Mỹ Lai và vụ này cũng không được hoàn toàn đưa ra ánh sáng cho đến cuối năm 1969.
Ngày nay, so sánh hai vụ tàn sát, theo giáo sư Dror thì Mỹ Lai đã có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu được phổ biến.
Riêng với vụ thảm sát Mậu Thân, năm 1970 có một số người quan tâm, đưa ra những nhận định trái nghịch và được chính giới dùng để biện minh cho chính sách của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn đó.
Quan điểm khác biệt
Giáo sư Dror dẫn hai nhà nghiên cứu với hai quan điểm khác nhau về thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế. Quan điểm của Douglas Pike cho rằng lãnh đạo cộng sản có trách nhiệm về vụ tàn sát hàng nghìn thường dân. Trong khi đó Gareth Porter cho rằng đã không có thảm sát.
Các nhà làm chính sách Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ George Murphy dùng tài liệu và lập luận của Pike, hay Thượng nghị sĩ George McGovern dùng những nghiên cứu của Porter để tìm cách biện minh rằng nếu cộng sản chiếm miền Nam thì sẽ có trả thù đẫm máu, theo Murphy; hay sẽ không có tắm máu, theo McGovern.
Về một số nhân vật bỏ cố đô lên rừng trước năm 1968 và được cho là đã trở về Huế khi cuộc tấn công xảy và thi hành một số vụ giết người, giáo sư Dror nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân. Bà đưa chứng liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không xác minh chắc chắn họ đã là những đao phủ thủ trong những ngày Huế bị lực lượng cộng sản chiếm giữ.
Giáo sư Dror kể rằng trong một hội thảo năm 2012 ở Nga, quê hương nguyên quán của bà, khi bà nói về Mậu Thân ở Huế thì được đề nghị nên nghiên cứu về những vụ thảm sát do Mỹ gây ra. Điều đó thúc đẩy bà muốn tìm hiểu nhiều hơn về những gì đã xảy ra ở Huế trong Tết Mậu Thân và bà đã tìm đọc và dịch ra tiếng Anh tác phẩm Giải khăn sô cho Huế.
Giáo sư Dror nói vụ tàn sát Mậu Thân ở Huế còn là một cuốn sách sử đang chờ đợi nhiều người viết lên.
Sang phần trình bày của Nhã Ca, bà nói tiếng Việt, giáo sư Việt ngữ Trần Hạnh của Đại học Berkeley giúp chuyển ngữ.
Tác giả Nhã Ca (trái) và dịch giả, Giáo sư Olgar Dror tại lễ ra mắt cuốn 'Giải khăn sô cho Huế' bằng tiếng Anh tại ĐH Berkeley.
“Mỗi người Việt đều có một cuốn lịch trong nhà, hay trong đầu và trên mỗi tờ lịch là những ghi nhớ mà khi câu chuyện của từng người được góp lại thì đó là lịch sử.”
“Là người sống sót từ trận chiến Mậu Thân Huế, tôi viết Giải khăn sô cho Huế. Đây không phải là tiểu thuyết hư cấu, cũng chẳng văn chương thơ phú gì, chỉ là sự thật, chuyện trẻ con chạy nạn. Chuyện mình, chuyện người, mắt thấy tai nghe, thấy sao viết vậy. Chỉ là những mảnh vỡ của một thành phố tan tác trong cảnh hỗn mang giữa máu lửa, chết chóc.”
Nhã Ca nói về tác phẩm của mình như thế. Rồi bà kể lại biết bao chuyện tang thương khác của Việt Nam. Bom đạn. Nhà cháy. Chèo ghe trối chết chạy loạn.
Từ tuổi lên năm bà đã thấy cảnh xác người bị chặt làm ba khúc, đầu đặt trong một rổ tre, nạn nhân là ông thợ rèn bị Việt Minh xử tử vì cho là Việt gian. Bà chứng kiến cảnh một bạn cùng trường tiểu học Nam Giao đứng như trời trồng, khi thấy đầu của bố mẹ đặt trong nón lá, bốn con mắt vẫn trừng trừng mở.
'Hố chôn tập thể'
Về Mậu Thân ở Huế, Nhã Ca kể lại câu chuyện của Võ Trang, nay 56 tuổi và là kỹ sư hiện sống ở San Diego, có bố được cán binh cộng sản đến gõ cửa mời đi họp rồi bị giết chết. Cô hàng xóm 19 tuổi gần nhà Trang đi họp thay cho anh vắng nhà cũng bị giết. Khi xác của các nạn nhân được tìm thấy trong một hố chôn tập thể đã phồng lên, bốc mùi. Hai cái chết trong hàng trăm người bị chôn sống ở khu Gia Hội.
Theo niềm tin dân gian, người dân những năm sau Mậu Thân hay đốt đuốc sáng trong đêm để những oan hồn biết đường tìm về nhà.
Nhã Ca nhìn lại sử thời Pháp thuộc, năm Ất Dậu 1885 ba vạn dân quân Huế tấn công vào đồn Mang Cá, 1500 người hy sinh. Năm sau người dân đã lập đàn tưởng niệm, xây miếu âm hồn trong Thành Nội. Hàng năm chế độ thực dân vẫn cho phép cử hành lễ giỗ.
Số nạn nhân của vụ tàn sát Mậu Thân nhiều gấp năm lần, nhưng sau năm 1975 chế độ cộng sản đã phá huỷ đài tưởng niệm và công an cấm tụ họp làm đám giỗ.
Nhã Ca nhắc đến nội chiến ở Hoa Kỳ. Sau khi chấm dứt, không diễn binh, không ăn mừng chiến thắng mà chỉ có một “ngày tủi nhục quốc gia” để cùng nhau xưng tội, cầu nguyện xin tha thứ. Nhờ đó mà có được nước Mỹ như ngày nay.
“Trong khi đó, ngày nay ở Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu vẫn chưa biết nghĩ lại.” Nhà văn than thở và mong ước một ngày sẽ “có một bàn thờ chung, ngày giỗ chung tại quê hương, nơi từng biết thế nào là sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử.”
Hai diễn giả sau đó đã trả lời một số câu hỏi.
Về phim Đất khổ, là câu chuyện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kẹt ở Huế dịp Tết Mậu Thân, dựa trên Giải khăn sô cho Huế, được quay thành phim khoảng đôi ba năm sau khi tác phẩm ra đời. Tại sao phim này bị cấm chiếu, còn sách của bà được xuất bản? Nhã Ca cho biết bà là người viết kịch bản và phim mới làm xong, chưa kịp chiếu thì biến cố 30/4/1975 xảy đến.
Một phụ nữ bên thi thể của người thân tìm thấy sau vụ Tấn công Tết Mậu thân 1968.
Bà nói thêm sau khi phim được cho sản xuất bên Mỹ cách đây mấy năm, trong nước cũng cho phổ biến, nhưng sau khi người Việt hải ngoại yêu cầu nhà sản xuất bỏ hình cờ đỏ sao vàng ngoài bìa đi thì trong nước lại cấm.
'Chiếc nón lá bay'
Cuộc tấn công Mậu Thân và ảnh hưởng của truyền thông Mỹ đối với quấn chúng Mỹ, đăc biệt là nhận định của Walter Cronkite. Giáo sư Dror có ý kiến gì không? Bà nói cuộc tổng tấn công là chiến thắng quân sự cho phía Hoa Kỳ nhưng là thất bại về phương diện chính trị đối với dư luận quần chúng Mỹ.
Nhà văn có thể nói về nhân vật Võ Thành Minh trong tác phẩm đã giúp đỡ nhiều người bị thương. Nhã Ca nói đó là một huynh trưởng hướng đạo, từng có mặt tại hội nghị Genève 1954 và đã đem sáo ra thổi để phản đối. Mậu Thân ông đạp xe đạp đem gạo cho người này, đi cứu giúp người kia. Phía cộng sản cho ông một giấy đi đường, sau rút lại rồi bắt ông lên núi và giết chết ông.
Khó khăn nào trong việc dịch? Giáo sư Dror trả lời bà học tiếng Việt với giọng bắc nên khi dịch có nhiều câu nói tiếng trung nên bà thường xuyên trao đổi với Nhã Ca để hiểu rõ ý nghĩa.
Nhà văn có biết được bất cứ điều gì của độc giả miền bắc khi họ đọc được Giải khăn sô cho Huế cũng như Tình ca trong lửa đỏ. Nhã Ca nói sau 75 bà đi tù, chồng cũng đi tù. Ra khỏi tù không biết gì về miền bắc, cũng không còn thấy sách của mình vì đã bị đốt sạch.
"Ra hải ngoại mới biết có Nguyễn Tuân đọc và nhận xét tác phẩm không có giá trị gì đặc biệt, chỉ nhớ cảnh Nhã Ca lên máy bay trực thăng thì chiếc nón lá bay đi là một hình ảnh rất thơ mộng. Không nhẽ tác phẩm của tôi chỉ là chiếc nón lá không thôi sao."
Tác phẩm được xuất bản đã 46 năm, nay có bản tiếng Anh. Phản ứng của người Việt hải ngoại từ khi tác phẩm ra đời ra sao? Nhà văn kể rằng năm 2008 khi tái bản và ra mắt sách thì có người biểu tình. Đúng nước Mỹ là một nước tự do, chứ như ở Việt Nam mà như thế là đi tù hết rồi.
Còn nhiều câu hỏi nữa, nhưng đã hết giờ. Nếu bài nói chuyện của Nhã Ca ngắn gọn, chú trọng hơn vào hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì buổi nói chuyện đã có phần trích đọc và nhiều câu hỏi nữa để người tham dự, nhất là những sinh viên, có thể đào sâu thêm một số vấn đề liên quan đến tác phẩm.
Vì như giáo sư Peter Zinoman đã nhận định: “Giải khăn sô cho Huế là tài liệu lịch sử quan trọng nhất về biến cố Tết Mậu Thân ở Huế và khi tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam cần đọc nó bên cạnh All Quiet in the Western Front và những tác phẩm khác.”
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
No comments:
Post a Comment