Theo RFI-Lê Hải
Ngày 28-02-2015 16:37
Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp chờ cơ hội trốn sang Anh.Ảnh: Reuters
Cảnh sát Anh thường dán thông báo tìm người mất tích ở các nút giao thông nhiều người qua lại, và từ vài năm trở lại đây những khuôn mặt Việt Nam và những họ tên Việt Nam dần trở thành hiện tượng phổ biến. Những người mang họ Nguyễn đó thường dưới 18 tuổi, và thực sự khó có thể biết được là họ đi lạc, bị bắt làm nô lệ trong các trại cần sa, hay tự chui vào các tiệm nails xin việc, hoặc chỉ đơn giản là về đâu đó sống với thân nhân.
Từ Luân Đôn thông tín viên Lê Hải tường trình :
Trước hết, nước Anh không có hệ thống cấp chứng minh nhân dân, tức là người Anh ra đường không cần phải đem theo thẻ căn cước và cảnh sát hầu như không có cách gì để kiểm tra giấy tờ của người đi đường, trừ khi họ lên máy bay hoặc ra vào cửa khẩu và những khu vực an ninh đặc biệt. Đây chính là kẽ hở khiến rất nhiều người nước ngoài nhập cư trái phép vào nước Anh và sinh sống bất hợp pháp khắp mọi nơi.
Tiếp theo là theo mắt nhìn của người Anh thì người Việt luôn luôn bị đánh tuổi rất thấp. Một cô gái đã học xong thạc sĩ ở Việt Nam, hay một cô gái khác từng sang Nga rồi bỏ chồng và vượt biên sang Anh tìm cuộc sống mới, đều khai 16 tuổi và đều không bị ai nghi ngờ bất kỳ điều gì cả. Nhiều nam thanh niên đã học xong cấp ba và đi làm ở Việt Nam, tiếp tục lưu lạc thêm vài năm trên đường trung chuyển như Cộng hòa Séc và Hungary hay Ba Lan để qua Đức sang Pháp rồi chui xe tải vượt biên vào Anh, vậy mà vẫn khai mình sinh năm 1995 hay 1996, và cũng dễ dàng qua mặt được các nhân viên công vụ của Anh, những người chỉ một vài lần trong đời có cơ hội tiếp xúc với người Việt.
Chuyện thường gặp là người Việt khi bị bắt trong các vườn cần sa hay tiệm nail sẽ khai tên họ và quê quán hoàn toàn khác, và tuổi còn nhỏ, là thoát ngay được rất nhiều tội và ngược lại còn được hưởng chế độ trợ cấp và ưu đãi trong xã hội. Sau đó thì họ biến mất và thế là sở cảnh sát phải thông báo để tìm kiếm vì sợ họ đã bị các băng đảng tội phạm bắt cóc.
Biện pháp xử lý của chính quyền Anh?
Hiện nay bộ Nội vụ Anh bắt đầu có chính sách kiểm tra độ tuổi của những ai khai ít tuổi, nhưng các phương pháp đo xương hay răng ít được áp dụng vì luật bảo vệ quyền con người, và đánh giá bằng phỏng vấn sẽ không bảo đảm được độ chính xác nếu người được phỏng vấn đã được dặn dò từ trước là phải khai như thế nào.
Ngoài ra còn có thêm một hiện tượng mới là nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam đưa con còn nhỏ sang Anh xin tị nạn và tính ra thì giá cho cả chuyến đi rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để du học. Tùy theo những vụ việc bất ổn ở địa phương như là biểu tình chống Trung Quốc hay tranh chấp đất đai nhà thờ mà người ta sẽ khai sao đó cho phù hợp, xong rồi trong thời gian chờ xét đơn tị nạn thì họ được nhà nước Anh lo chỗ ăn ở, hàng tuần có tiền tiêu vặt, tiền mua quần áo mùa đông, tiền sinh nhật.Đi học cũng được miễn phí, và cả một hệ thống trợ giúp của chính quyền địa phương để giúp em bé vào đời và hướng nghiệp.
Trong trường hợp khai tên giả và địa chỉ thì chung chung, hầu như chính phủ Anh không có khả năng trục xuất khi có quyền như vậy vào ngày đương sự tròn 18 tuổi. Khá nhiều trường hợp, nhất là các em gái, khi khai thêm rằng mình bị hiếp dâm trên đường vượt biên, hay bị đem sang Anh làm gái, thì hầu như là ngay lập tức được cấp thẻ tị nạn để ở lại lâu dài. Trong bối cảnh như vậy thì không có gì khó hiểu tại sao ngày càng có thêm nhiều người Việt, tuổi ngày càng nhỏ, vượt biên sang Anh và giá cho các chuyến đi ngày càng cao.
Bất chấp nguy hiểm, dòng người nhập lậu vào Vương Quốc này vẫn không giảm.
Cho đến thời điểm này thì thực sự chưa có những con số thống kê chính thức, nhưng chắc chắn là không đảng phái nào có giải pháp rõ ràng về những người nhập cảnh trái phép vào Anh. Xung quanh các bến cảng như Calais và Dunkrik bên Pháp là những khu lều trại tạm bợ của rất nhiều sắc dân trong đó có người Việt chờ chui vào trong xe tải nhập cảnh vào Anh. Cửa khẩu có rất nhiều phương tiện kiểm tra và soi chiếu, nhưng họ sẵn sàng chui dưới gầm xe, hay chui vào trong xe chở tủ lạnh hoặc các thiết bị kim loại thì máy soi sẽ không xuyên qua được, và trùm bao nhựa vào đầu để không thoát khí CO2 ra ngoài khi có máy đó.
Khi đã vào đến nước Anh rồi thì tùy thuộc vào chính quyền Việt Nam có chịu nhận những người này về hay không. Thường thì số lượng người bị trục xuất về Việt Nam gia tăng khi giữa hai nước có các đoàn công tác cấp cao, và chính phủ Anh có thể đề nghị tăng viện trợ để đổi lại bằng chuyện Việt Nam nhận người về. Quốc vụ khanh Hugo Swire vừa có chuyến công du Việt Nam và gặp phó thủ tướng Phạm Bình Minh đúng thời điểm báo chí Việt Nam đồng loạt chạy tin của Reuters về chuyện trẻ em Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa, và ở London thì người ta đoán sắp có một đợt trục xuất lớn theo sau đó. Tuy nhiên, trong khi số lượng người được nhận về nhỏ giọt vì phải xác minh lý lịch, thì số lượng người vượt biên sang có lẽ ngày càng tăng, vì có thêm lượng người đang sống bất hợp pháp ở các nước Đông Âu, và đặc biệt là người từ các vùng chiến sự ở Ukraina tìm sang.
Người nhập cư lậu, những nô lệ thời hiện đại?
Nước Anh bắt đầu thực sự quan tâm đến vấn đề người nhập cư bất hợp pháp từ lần bầu cử quốc hội trước đây, khi các lãnh đạo đảng chính thức đưa đề tài này ra thành một cuộc tranh cãi. Vấn đề này sẽ tiếp tục là đề tài nóng bỏng trong cuộc bầu cử trong năm nay vì càng ngày người ta càng biết nhiều hơn và lo ngại hơn về các nguy cơ bất ổn xã hội do nhập cư bất hợp pháp gây ra.
Tất nhiên là trong thế kỷ XXI không còn kiểu nô lệ như thời xưa mà ta vẫn xem trên phim, nhưng nô lệ thời hiện đại được định nghĩa là điều kiện lao động khắc nghiệt thiếu những quyền con người cơ bản nhất. Ví dụ như là trong tiệm nail người chủ vì tham lợi nhuận mà không bố trí cho nhân viên giờ nghỉ ngơi, thậm chí làm việc cả ngày không kịp ăn cơm trưa hay kể cả cơm chiều, rồi trả lương không đủ mức sống, và dùng lời lẽ để nhục mạ và làm tổn thương tinh thần của nhân viên vốn đã phải làm việc trong điều kiện thiếu tiện nghi và hóa chất độc hại. Nô lệ ngày nay không có ai canh gác mà tự vướng vào mối quan hệ xã hội chằng chịt của ân oán nợ nần và số tiền phải kiếm bằng mọi cách để trả nợ hay lấy lại nhà đã thế chấp để vay ngân hàng.
Vấn đề không chỉ là ở nước Anh mà còn là đề tài rộng hơn có liên quan đến cuộc sống của rất nhiều người Việt đã đi ra nước ngoài mong tìm được cuộc sống tốt hơn trong nước, tốn rất nhiều tiền cho các đường dây môi giới nhưng cuối cùng phải đem mạng sống ra mạo hiểm để kiếm tiền trên các tàu cá ngoài khơi, hay có trường hợp bị tai nạn lao động ở công trường xây dựng ở Trung Đông và chết vì lạnh ở Nga, khi tôi từng nghe một người kể không thể nào chôn được anh bạn vì băng quá cứng không thể đào chạm đất nổi, rồi những vụ xưởng may giam người ở Mátxcơ-va. Đó chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh mô tả cuộc sống nô lệ của người nhập cư mà chính giới ở Anh muốn có biện pháp ngăn chặn, đầu tiên là trên hòn đảo này, sau là khắp thế giới.
No comments:
Post a Comment