Nhiều nhà khoa học tiếp tục lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định với Báo Pháp Luật TP.HCM rằng: “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” không cần tham vấn ý kiến của các tỉnh lân cận.
Dòng sông không của riêng ai
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), nhấn mạnh nếu công trình chỉ nằm trên đất của tỉnh Đồng Nai thì tỉnh mới có thẩm quyền phê duyệt. Song thực tế, công trình lại nằm trên diện tích mặt nước sông Đồng Nai rộng hơn 7,7 ha. Đây là dòng sông liên tỉnh nên tỉnh Đồng Nai không thể tự quyết định được.
“Nói như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì Việt Nam lập ra Ủy ban Bảo vệ sông Mê Kông để làm gì? Chính vì dòng sông Mê Kông là tài sản chung nên chúng ta mới có quyền phản đối Trung Quốc, Lào xây đập thủy điện trên dòng Mê Kông. Sông Đồng Nai cũng vậy. Nó không phải là tài sản riêng của Đồng Nai nên các tỉnh, thành khác cũng có quyền lên tiếng, nhất là những tỉnh, thành có khả năng bị ảnh hưởng nhiều” - ông Tứ lập luận.
Đồng quan điểm, ThS Hồ Long Phi, Viện trưởng Quản lý Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng phải xác định rõ sông Đồng Nai là tài sản chung chứ không riêng của tỉnh Đồng Nai. “Đây là con sông cấp 1, do Bộ TN&MT quản lý, đồng thời còn có Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai... Do đó trên nguyên tắc quản lý, khi tác động đến dòng sông, sử dụng diện tích mặt nước thì phải thông qua các cơ quan quản lý, phải tham vấn ý kiến các tỉnh, thành liên quan” - ông Phi nói.
Theo ông Phi, nếu Đồng Nai được quyền quyết định chuyện lấn, lấp sông thì các tỉnh khác như Bình Dương, TP.HCM… cũng được quyền làm thế. Như vậy thì làm sao có thể bảo vệ được dòng sông này. “Theo tôi, để minh bạch, UBND tỉnh Đồng Nai nên công bố công khai các thông tin về dự án để các tổ chức liên quan, các nhà khoa học góp ý, phản biện thêm” - ông Phi nói.
Cả lý lẫn tình đều chưa ổn
Về cơ sở pháp lý của dự án, ông Dương Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách và Giám sát môi trường, Viện Môi trường và Phát triển bền vững, nói: “Theo Luật Tài nguyên nước, Nghị định 201/2013 hướng dẫn;
Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn bảo vệ, đánh giá môi trường… (Nghị định 18/2015) thì việc tham vấn ý kiến của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nói riêng và triển khai dự án này (dự án lấp sông Đồng Nai - NV) nói chung là yêu cầu bắt buộc”.
Cụ thể, do sông Đồng Nai nằm trong lưu vực sông đi qua 11 tỉnh, thành và việc sử dụng tài nguyên nước sông này có thể làm phát sinh mâu thuẫn giữa các địa phương, giữa nhu cầu dùng nước với nguồn nước. Ngoài ra TS Tứ còn cũng cho rằng do diện tích mặt nước bị chiếm quá lớn (hơn 7,7 ha - NV) nên dự án phải tuân thủ theo Luật Tài nguyên nước và cả Luật Quản lý đê điều.
“Điều 6 Luật Tài nguyên nước yêu cầu phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng. Cần phải khẳng định rõ đây là sông liên tỉnh, có tính chất liên vùng nên đối tượng bị ảnh hưởng không chỉ là một số hộ dân ở nơi thực hiện dự án như cách Đồng Nai thực hiện mà còn ở các tỉnh, thành khác trong lưu vực” - TS Tứ nhấn mạnh.
Lập lờ từ “ý kiến” biến thành “thỏa thuận”Trong hồ sơ pháp lý của dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát gửi tới các cơ quan chức năng có bản “thỏa thuận” vị trí kè cho dự án do ông Hoàng Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Nam, ký đầu năm 2013. Văn bản này nêu tuyến kè trên đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam thỏa thuận bằng văn bản từ tháng 8-2011 đề nghị thực hiện theo đúng thỏa thuận.Tuy nhiên, có thể thấy văn bản của Cục ĐTNĐ Việt Nam không phải thỏa thuận mà là ý kiến về dự án kè. Theo đó, cục thống nhất chủ trương xây kè nhưng yêu cầu Toàn Thịnh Phát bổ sung hồ sơ thiết kế chi tiết hệ thống kè về Chi cục ĐTNĐ phía Nam xem xét cho ý kiến theo phân cấp.Ngày 24/3, ông Hoàng Văn Hùng thừa nhận với Báo Pháp Luật TP.HCM Toàn Thịnh Phát không bổ sung hồ sơ thiết kế như yêu cầu. Vậy sao chi cục vẫn ra văn bản thỏa thuận? Ông Hùng viện dẫn đơn vị không phải là cơ quản lý xây dựng công trình dọc sông nên không có thẩm quyền và chuyên môn để xem xét hồ sơ thiết kế. “Chúng tôi chỉ quản lý lòng sông, luồng chạy tàu thôi!” - ông Hùng nói.Tuy vậy, theo ông Hùng, luồng chạy tàu còn cách mép bờ kè 280-410 m. Nhưng với cách lấn sông không dựng tường vây, đóng cọc thẳng mà đổ đất đá lài theo triền sông như đang làm, khi lấn ra trên mặt 100 m thì chân kè phải lấn ra gấp bốn lần mới tạo thành vách kè vững chắc.Như vậy nhìn trên mặt, mép lấn sông chưa ảnh hưởng tới luồng chạy tàu nhưng chân kè đã “xâm thực” vào lòng, đáy của luồng chạy tàu, sẽ làm luồng bị bồi lấp, cạn dần bởi đất đá san lấp chuồi ra. Nói cách khác đáy luồng chạy tàu bị cạn hơn và tàu thuyền dễ mắc cạn vào chân bờ kè.
Chiều 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai có thông cáo tiếp tục khẳng định dự án thực hiện theo đúng trình tự thủ tục luật định. Theo đó, năm 1997 tỉnh duyệt quy hoạch ven sông từ Sở GD&ĐT đến đình Phước Lư (phường Quyết Thắng) để thực hiện dự án cảnh quan nhưng do gặp khó về vốn, lại phải giải tỏa nhà dân nên nghiên cứu giải pháp lấn sông. Kết quả xác định việc xây kè như dự án đang làm không tác động xấu.Từ đó tỉnh điều chỉnh quy hoạch và công khai vào năm 2009. Năm 2011, Công ty Toàn Thịnh Phát đăng ký thực hiện dự án. Quá trình lập duyệt dự án có lấy ý kiến cộng đồng về phương án quy hoạch chi tiết 1/500. Ngoài ra, hồ sơ quy hoạch của dự án đã được thông qua Hội Kiến trúc Quy hoạch tỉnh và tham vấn ý kiến của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật. “Dự án thực hiện đầy đủ thủ tục về quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng” - thông cáo nêu.Đồng Nai cũng cho rằng đầu bơm cấp nước cho TP.HCM cách dự án 1 km về thượng nguồn, không bị ảnh hưởng bởi dự án. Còn trạm bơm của Đồng Nai trong dự án thì được dời ra xa, đảm bảo khoảng cách với các công trình xây dựng theo quy định.
19:07 ngày 27 tháng 03 năm 2015
Theo phapluattp.vn
No comments:
Post a Comment