Saturday, February 14, 2015

Câu đối Tết Ất Mùi 2015

Hà Sĩ Phu (Danlambao) -  Ngày Tết là dịp cùng nhau nhìn lại một năm. Câu đối xin ghi lại một vài ấn tượng khó quên trong năm Giáp Ngọ vừa qua. Ấn tượng thì nhiều nhưng chỉ bày ra hầu bà con đúng 16 câu, bởi con số 16 tự nó cũng là một ấn tượng thật khó quên đối với người dân nước Việt hôm nay. Xin cảm ơn các tư liệu đã bày sẵn ra ngồn ngộn trên các trang mạng, kẻ vụng dại này chỉ lượm ra vài nét để mua vui lúc trà dư tửu hậu, nếu được bà con thuận tay xướng họa vài câu đáp lại thì càng vui lắm vậy.

Phần I: Ngựa qua Dê tới

Câu đối số 1:

- Hết khoe  một thời, NGỌ ngoạy lắm cũng ra vành móng NGỰA!

- Còn xuất DƯƠNG mấy độ, MÙI mẽ chi mà vểnh sợi râu ?

(*) MÃ = cái mã bên ngoài = Mã Khắc Tư

Câu đối số 2: Ngoại địch không nguy bằng nội gián 

- Kẻ thù mới đừng quên:  Viện dẫu tái sinh, triệu lính ngoại xâm không thể dọa! 

- Bài học xưa phải nhớ: DƯƠNG Vương (*) dù quyết tử, một tên nội gián cũng là nguy!

(*) Dương Vương tức An Dương Vương 安陽王 , chữ Dương陽 đồng âm với chữ Dương羊 là Dê, câu đối vẫn thường dùng chữ đồng âm dị nghĩa, lấy đó làm trò chơi chữ thú vị.

Câu đối số 3: 

- Giáp Ngọ sắp qua, vài chú Ngựa non còn háu đá!

- Ất Mùi đang tới , mấy cụ  già vẫn hám chơi!

Câu đối số 4:

- Trâu bò húc Trâu bò, đang hăng máu sợ chi lòi… ruột?

- Đồng chí sợ Đồng chí, đã say quyền ắt phải nhẫn…tâm! (*)

(*) “Đồng chí sợ đồng chí”: Lấy “điển tích” từ câu “cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình? ”của ông Lê Hiếu Đằng.

Ngẫu hứng Bình và Chuột 

(Câu đối mô tả bức tranh gây ấn tượng nhất trong năm)

Câu đối số 5:

- Bá vai BìnhChuột cũng hữu duyên: mắt trắng, bụng đen, râu vểnh vểnh!

- Sờ gáy ChuộtBình như vô sản: sao vàng, áođỏ, miệng loe loe!

Câu đối số 6 : Bình-Chuột vỗ vai nhau

- Thẻ ĐỎ dẫu chia đôi, óc bác tim tôi, tôi chịu bác!

- Tim ĐEN dù sẻ nửa, mưu tôi mẹo bác, bác nhường tôi!


- Phần II: Mấy nét Văn hóa năm Con Ngựa

Câu đối số 7 : Niềm tự hào mang tên Việt Nam

Chống trộm cướp gian manh, thế giới quen tay dùng chữ Việt!!! 

Xây thiên đường cộng sản, nhân quần trố mắt chịu người Nam!!! (Sướng thiệt đấy đồng bào ơi!)

Một ví dụ: 

Poster cảnh cáo người Việt hãy ngưng trộm cắp tại Nhật. (Hình: Internet) người Việt dẫn đầu về trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị (lưu ý lá cờ đỏ rớm máu và khẩu hiệu Lao động là vinh quang, không tự tạo ra giá trị nên phải trộm cướp để tọa hưởng?) 

Văn hóa “Hà Lội”:

Câu đối số 8:

- Phở chửi, cháo la, “văn vật” gớm!

- Bún lườm, ốc nguýt, “thủ đô” ghê!

(Chủ các quán ăn vừa bán vừa la lối chửi mắng thực khách mà khách vẫn chấp nhận bất đắc dĩ như một “thú vui” thì nền văn hóa ẩm thực độc đáo này có lẽ chỉ đất Hà thành “nghìn năm ôn vật” mới có!)

Câu đối số 9:

“Thù địch” phần đông là tử tế!

“Tà-Ru” hầu hết lại văn minh!

“Thù địch”: Những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiền phong trong cuộc canh tân đất nước như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu Cày, Nguyễn Quang Lập…(và một danh sách hàng trăm , không thể kể ra đây) đều bị gán cho tội liên quan đến các thế lực thù địch nên mắc vào các tội phản động, chống đảng, chống chính quyền… 

“Tà-Ru” =  Tù ra (Chữ của nhà văn vừa quá cố Bùi Ngọc Tấn) nghe như tên một tộc dân thiểu số còn ăn lông ở lỗ vậy, nhưng chính là những trí thức-văn nghệ sĩ tiền phong đáng kính đã trải qua tù ngục của chế độ mới, nay đã ra tù. 

Nghịch lý ấy đã được nói ra từ giới bình dân, xin viết ra đây mấy câu ca dao tôi nghe được ngay tại Hà Nội:

Lượm lặt ca dao
Những người Đảng ghét dân yêu
Ngẫm ra phần lớn là siêu anh tài
Những người đảng đến khoác vai
Xem ra tất cả là loài bất lương
(Ca dao ghi được ở Hà Nội) 

Câu đối số 10:

- Kim-cổ giao duyên, tượng đá tiền nhân đành... bất động!

- Bi-hài nghịch cảnh, môi son hậu thế nhạo... vô tình!

Thoạt nhìn bức ảnh trớ trêu này ta dễ dàng bỏ qua, chỉ thấy một trò chơi nghịch ngợm của lứa trẻ ngày nay. Nhưng rồi bất giác một nỗi buồn từ đâu đó hiện về, man mác… khiến tiếng cười như nghẹn lại nửa chùng.

Văn hóa tang chế và nỗi buồn phong thủy

Câu đối số 11:

- Thương nhà này cha chết đã lâu, oan khí hồi luân, dương thế cứ nhấc lên đặt xuống!

- Buồn đám nọ mẹ già vừa khuất, vòng hoa tiễn biệt, âm binh vào phá ngược phá xuôi!


Câu đối số 12: Dân với Đảng thi nhau làm xiếc

- Đảng đu dây, dân bắt chước đu dây, dẫu dây cáp mảnh như dây rạp xiếc (cirque)!

- Tiền vào túi, người cũng chui vào túi, nhưng túi quan dày hơn túi ny-lông (nylon)! 



Phần III - Cụ Dê, vị Thành hoàng làng SEX

Ngày Tết đã trang trọng, chữ nghĩa Câu đối Tết chắc càng phải trang trọng hơn, nói chuyện lỗ mãng coi chừng thất lễ. Nhưng khốn nỗi, thưa các cụ, Tết này lại là Tết con Dê ! Cụ Dê vốn là thủy tổ, là đức Thành hoàng của làng Sex, là ngọn nguồn sinh sôi của muôn loài, nếu ta khinh tính DÊ là điều hạ tiện không nên nói tới thì tránh sao khỏi bị quở trách là đồ “quân tử Tàu” giả vờ sang trọng mà đắc tội với cái đại nghĩa Sinh tồn ở đời? Song, tự thấy mình bản lãnh quá non kém trong chuyên khoa này nên chỉ dám lướt qua vài Câu đối nhẹ nhàng, tự biết chưa xứng với đấng Sex chí tôn.

Chữ “Tàu” thua “Mỹ” nhân, có “mác-lê” làm chứng 

Câu đối số 13: 

- Đáng “mấy xu” chữ nghĩa mà khoe: nét thẳng mực tàu, vung bút pháp sắc như nét mác?  

- Đây “ba vạn” núi đồi chẳng giấu : đường cong tuyệt mỹ, giết anh hùng ngọt tựa đường ! (*)

(*) Mấy xu: Giấy má nhà bay đáng mấy xu (Nguyễn Khuyến-Vịnh Tiến sĩ giấy) 
     Nét mác: nét vuốt sắc nhọn trong chữ Nho. 
     Ba vạn: tên húy của cái Yoni, rất cao giá, 
     các cụ còn gọi nó là cái “ba vạn chín nghìn”.

Đây cái “ba vạn chín nghìn” ngàn thu hóa đá.
Tượng Yony bằng sa thạch khai quật tại di tích tháp 
Dương Long (Tây Sơn) năm 2008.


Năm Dê, hỏi bác Hồ Xuân Mãn 

Câu đối số 14:

- Khai Cuội để anh hùng, công chẳng ra công, bác Mãn vẫn vui cùng Tết chứ?

- Máu  làm thủ lĩnh, tội thì đắc tội, họ Hồ có thẹn với Xuân không?

Ông Hồ Xuân Mãn nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế, để lại trong dư luận hai ấn tượng xấu: Khai man lý lịch để được phong tặng anh hùng (còn bị tố cáo không phải đảng viên) và sàm sỡ nên bị “ăn quả vả” của một nữ tiếp viên, sau đó cô tiếp viên này phải chuyển đi nơi khác, thật tội!.

Việt Nam bây giờ cứ y như Tam Quốc bên Tàu


Câu đối số 15: 

- Ô uế kiểu Tàu: chẳng Hán chẳng Tào, cũng Lã BốĐiêu ThuyềnĐổng Trác!(*)

- Gian manh thói Việt: không Ngô không Ngụy, học Khổng MinhTào Tháo,Chu Du! (*)

(*) Việt Nam thời Cộng sản cũng có một ông quan đầu triều như Đổng Trác, chiếm cô bồ của con trai làm vợ, chỉ có điều khác: ả Điêu Thuyền này là gái đã bỏ chồng.

(*) Khổng Minh và Chu Du là kỳ phùng địch thủ (sinh Du hà sinh Lượng), vừa thân nhau, vừa bày kế cho nhau nhưng vẫn rình giết hại nhau, khi Chu Du chết Khổng Minh lại giỏ nước mắt cá sấu khóc Chu Du. Trong diễn biến tai họa mới đây của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương, đã có bài bình luận rằng đây hệt như chuyện “Khổng Minh khóc Chu du” bên Tàu.

Sung sướng đến tận Thiên đường XHCN


Ngày Tết vui cho ai buồn cho ai? Cứ tự hỏi như vậy là tôi nhớ ngay đến câu thơ Tố Hữu “Á-Âu đâu cũng lòng trong đục, Vàng máu chia hai cảnh khổ giàu”, như hiện ra trước mắt có hai nước Việt Nam sống trong hai cảnh khổ và giàu, khác nhau một trời một vực vậy. Ở thế giới của phú quý người ta đo bằng quyền và tiến đã đành, nhưng cũng có thể đo gián tiếp bằng sự dâm dục, bởi vì “phú quý” mà “bất năng dâm” thì hiếm có lắm. Trong thế giới của nghèo khổ thì khổ nhất là người phụ nữ, nhiều người không biết sống bằng gì nếu không bán chính cái thân để nuôi cái thân mà trong khoa nấu nướng người ta gọi đó là “lấy mỡ nó rán nó”! Phụ nữ là cái dây nối trung gian, nối thế giới nghèo nàn với thế giới giàu có, nối với nhau bằng hai cơ quan sinh dục mà dù giàu hay nghèo cũng vẫn giống nhau.

Mác Lê muốn đẩy cả nhân loại vào một xa lộ thẳng tuột đến Thiên đường Xã hội chủ nghĩa, nhưng đến nay chỉ có người hoàn toàn mất trí mới chờ đợi cái Thiên đường vẽ bằng sương bằng khói ấy, chứ ở mức độ một anh lú lẫn thì cũng chỉ dám bảo hãy chờ đến một trăm năm nữa là cùng, chứ đâu dám cam đoan là sẽ có? Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ bán thuốc cao Cộng sản nọ đã tuyên bố từ năm 1961 rằng “miền Bắc, thiên đường của các con tôi”!. Nhưng ông ấy khai thật đấy, giới Cộng sản chóp bu họ đã có Thiên đường của họ từ lâu, đo bằng quyền và tiền thì quá rõ, nhưng nhân ngày Tết con Dê này hãy thử đo bằng sự dâm dục. 

Những người chăn dê kể rằng mỗi buổi sáng đưa đàn Dê ra khỏi trại thì con Dê đực đầu đàn đứng “gác” ngay cổng, nó “duyệt” hết từng chị Dê cái đi qua, không sót chị nào. Tôi cũng được nhiều cán bộ gần gũi Trung ương miến Bắc và Trung ương cục miền Nam kể rằng nhiều thủ lĩnh Cộng sản cũng “duyệt” hết đội ngũ chị em nhân viên trong tay hắn như vậy. 

Nước ta bây giờ cái thế giới của Thiên đường Cộng sản đã hiện ra bằng xương bằng thịt, họ sung sướng thật. Còn trong thế giới lầm than, nơi những chị em phải bán thân nuôi miệng, đã có lời mời chào dẫn khách rằng: Để em dẫn anh đi, nơi“sung sướng đến tận Thiên đường Xã hội chủ nghĩa”!. Sung sướng đến nơi ấy là tột cùng, đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng. Bọn “cò dâm” này ví von thế mà chính xác đến từng mi li mét, lấy chất “Xã hội chủ nghĩa” để đo sự sung sướng ở những chỗ thâm nghiêm kín cổng thì quả là uyên bác, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, thật đáng để các nhà ngôn ngữ hàn lâm bái phục.

Các cô gái Sông Hương trong thơ ông Lành đã được ông Lành hứa hẹn “ngày mai em sẽ từ trong ra ngoài, thơm như hương nhụy hoa nhài”. “Hoa nhài” thì nhất, ướp trà Tàu mà nhấm nháp thì sướng. Nay chị em “thơm như hoa nhài” đã di tản khỏi vùng Cố đô cổ kính mà tràn ra khắp nước, đặc biệt là ở vùng Thủ đô ngàn năm văn/sinh/ôn vật , một nơi cứ nói đến tên là các cụ lại phải nhớ đến “hoa nhài”, dù cư dân nơi ấy chín phần mười đã là dân tứ xứ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tôi cũng xin được “dây máu ăn phần”, từ trai Đông Hồ đã thành “người Tràng an” từ năm 1949, nên tự nhiên cũng thích hoa nhài. Như đã hứa ở phần đầu, nay là Tết Ất Mùi nên theo phép cụ Dê làng Sex, Câu đối cũng điểm một chút hoa nhài sông Hương vào bức tranh “hai cảnh khổ-giàu” mà sự tương phản giàu nghèo đã ngày càng ác liệt, bằng một Câu đối nôm na.

Đối rằng: (Câu đối số 16)

- Ông Lành kia sống dậy mà thương! Nay bạt ngàn cô gái sông Hương, sướng lên tận Thiên đường chủ nghĩa!

- Bóng Ác nọ khuất rồi chẳng biết?Vẫn chán vạn thần dân nước Việt, đau đến cùng Địa ngục trần gian! (*)

(*) Bóng Ác = Mặt trời. Hai ĐCS Việt và Tàu đều gọi lãnh tụ tối cao là vầng hồng, vầng dương, ánh dương, tức là Mặt Trời... không bao giờ tắt! Sinh thời, ông Lành là người rất ca ngợi những “bóng Ác” vĩ đại. LÀNH là Thiện, đối với ÁC thì cũng yên tâm rồi, duy một điều lấy “nước Việt” đối với “sông Hương” thì còn đôi chút băn khoăn không biết có tương xứng không, nhưng nghĩ lại cũng tự cho OK luôn, bởi thôi thì lớn nhỏ cũng là chuyện “sông nước” lênh đênh cả. 

*

MỜI ĐỐI 

1/ Mời đối 1: - Hết khoe  một thời, NGỌ ngoạy lắm cũng ra vành móngNGỰA

2/ Mời đối 2: - Giáp Ngọ sắp qua, vài chú Ngựa non còn háu đá! 

3/ Mời đối 3: - Mùi  sống chẳng thơm gì, khéo sào nấu cũng bốc thơm ra phết! 

4/ Mời đối 4: - Nhà trong nuôi chó một đàn, ngoài cửa hiệu đầu  treo lủng lẳng! 

5/ Mời đối 5: - Ngựa Hồ hý gió Bắc (1) 

6/ Mời đối 6: - Chẳng phải Trung Hoa, cũng Lã Bố, Điêu Thuyền, Đổng Trác ! 

7/ Mời đối 7: - Mạnh tử gặp Sinh Hùng cũng “tử” ! (2) 

8/ Mời đối 8: - Chống trộm cướp gian manh, thế giới quen tay dùng chữ Việt!!! 

9/ Mời đối 9: - “Thù địch” phần đông là tử tế! 

10/ Mời đối 10: - Thương nhà này cha chết đã lâu , oan khí hồi luân, dương thế cứ nhấc lên đặt xuống! 

11/ Mời đối 11: - Ô uế kiểu Tàu: chẳng Hán chẳng Tào, cũng Lã Bố, Điêu Thuyền, Đổng Trác ! 

***

(1) Vì vẫn còn dư âm năm Ngựa nên xin mời đối một câu về Ngựa này. 

“Ngựa Hồ hý gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam” (Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi) tuy là ngạn ngữ Trung hoa, như 2 vế đối hoàn chỉnh, nhưng từ lâu đã được Việt hóa để tả nỗi lòng người dân nhớ nước thương nhà. Vì thế cụ Phan Bội Châu đã lấy hiệu là Phan Sào Nam. 

(2) Ông Mạnh tử ngày xưa nói về dân một câu nổi tiếng: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nay ông Chủ tịch Quốc Hội Sinh Hùng cũng nói với dân một câu nổi tiếng: Quốc hội là của dân, nên Quốc hội sai thì dân phải chịu, còn kêu ai!Vì vậy xin nối hai “danh ngôn” này thành một vế xuất đối. Hai vị này cùng nói về dân, mà sao cái tên cứ đối nhau chan chát : Ông kia “MẠNH” thì ông này “HÙNG”, ông này “SINH” thì ông kia “TỬ”! Thật ngộ!


No comments:

Post a Comment