Saturday, February 14, 2015

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ: Việt Nam lạm dụng Điều 258 - BLHS

Trương Tự Minh (Luatkhoa.org) - Tổng biên tập Kim Quốc Hoa của báo Người Cao Tuổi đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố theo Điều 258, Bộ luật Hình sự. Theo Tiến sĩ Heiner BielefeldtBáo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, điều luật này quá mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ những người có chính kiến trong xã hội và “cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi”.

Là một giáo sư luật ở Đức, ông Heiner Bielefeldt được 
bổ nhiệm vào vị trí Báo cáo viên đặc biệt của LHQ 
về tự do tôn giáo và tín ngưỡng từ năm 2010. Ảnh: ISHR

Quan điểm này được ông nhấn mạnh trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 30/1/2015 vừa qua. Là báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt đã có chuyến làm việc tại Việt Nam hồi tháng 7/2014 để trực tiếp điều tra về tình hình nhân quyền.

“Kỹ thuật lập pháp mơ hồ ở điều 258 đã trao một không gian cho các cơ quan có thẩm quyền mà ở đó các cơ quan này có toàn quyền tùy nghi kết tội người dân vì một việc làm bất kỳ – thậm chí là thái độ, quan điểm của họ – nếu chúng được xem là đi ngược lại lợi ích Nhà nước”.

Điều 258, Bộ luật Hình sự - Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Giải thích cho luận điểm này, ông Heiner cho rằng, “việc không nêu cụ thể những hành vi nào cấu thành tội ‘lợi dụng’ tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay các quyền tự do dân chủ khác là rất đáng lo ngại. Ngay cả các thẩm phán ở tòa địa phương và Tòa án Nhân dân Tối cao không thể giải thích ý nghĩa của cụm từ ‘lợi dụng’, họ cũng không liệt kê được hành vi nào sẽ rơi vào trường hợp vi phạm”.

“Các quan chức cấp cao của Nhà nước [Việt Nam], tính cả ngành tư pháp, thường sử dụng các điều khoản ngăn cấm có phạm vi quá rộng. Lý do cho việc ngăn cấm đến từ những khách thể trừu tượng như ‘lợi ích nhà nước’, điều này dễ dẫn đến xu hướng tội phạm hóa”, ông nhận định.

“Trên thực tế, Điều 258 đã thường xuyên được sử dụng để tống giam những người vượt qua giới hạn của sự ngăn cấm, tiếp tục thực hành các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người khác như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp”.

Báo cáo của ông Heiner Bielefeldt cũng nói rõ các cơ quan chức trách ở Việt Nam đều nói với ông rằng Việt Nam không có tù nhân lương tâm.

“Xét các điều luật có cách diễn đạt mơ hồ đã nói, cùng một số lượng đáng kể các án bị truy tố theo điều 258, câu trả lời trên tỏ ra không mấy thuyết phục”.

Thực tế này được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) chứng minh vào tháng 12/2014, khi xếp Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong một danh sách 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù vì nội dung tác nghiệp. Một báo cáo khác của CPJ trước đó vào tháng 9 cũng chỉ ra ở Việt Nam hiện có ít nhất 18 nhà báo, blogger đang chịu cảnh lao lý, trong đó các tội chủ yếu thuộc Điều 258 và Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi. Ảnh: Q.Định/Tuổi Trẻ.

Theo Tuổi Trẻ, ngày 9/2, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại báo Người Cao Tuổi theo Điều 258, Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) ra quyết định thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử của báo Người Cao Tuổi, xử phạt hành chính và thu hồi thẻ nhà báo của Tổng biên tập tờ báo bày.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nói rằng đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó đáng chú ý là cáo buộc báo Người Cao Tuổi đã đăng một số bài viết có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cơ quan chủ quản của báo Người Cao Tuổi, đang đứng trước áp lực từ nhiều phía buộc phải xem xét cách chức ông Kim Quốc Hoa khỏi vị trí Tổng biên tập. Hiện ông Hoa cũng đang làm việc với cơ quan điều tra.

Những năm gần đây, báo Người Cao Tuổi bắt đầu thu hút sự chú ý từ dư luận nhờ nhiều loạt bài liên tục đưa ra ánh sáng các vụ việc tham nhũng của một số cán bộ, công chức nhà nước. Từ năm 2008, tờ báo đã theo dõi, phanh phui các tiêu cực liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang, khiến ông này phải tổ chức một cuộc họp báo với 600 người tham dự để trần tình; tuy nhiên, theo Infonet, người trong cuộc là báo Người Cao Tuổi lại không được mời. Gần đây, tờ báo một lần nữa lại làm dậy sóng dư luận trong nước khi là nguồn đầu tiên công bố khối tài sản kếch xù của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.


No comments:

Post a Comment